An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Chuyện xóa đói giảm nghèo ở Hà Tĩnh
03:27 PM 30/08/2018
Trên dải đất Hà Tĩnh được ví như “đông cắt da, hè chảo lửa”, đất cằn, bão lũ thường ghé qua nên đời sống bà con gặp nhiều khó khăn. Nhưng trong những năm gần đây, trên mảnh đất này nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính xã hội Việt Nam (VBSP) đang ngày đêm âm thầm góp sức, giúp người dân vượt qua khó khăn để vươn lên thoát nghèo.
Khi đồng vốn nở hoa
Thật ấm lòng khi “mục sở thị” những mô hình thoát nghèo nhờ đồng vốn của VBSP đang "nở hoa" trên vùng đất cát khô cằn miền Trung. Nhiều hộ gia đình kinh tế trước đây rất khó khăn, nay nhờ sự tiếp sức đồng vốn của ngân hàng mà cuộc sống đã có nhiều đổi thay. Đơn cử như hộ anh Phạm Ngọc Thưởng, ở thôn Kim Lĩnh, xã Sơn Mai, huyện Hương sơn, tỉnh Hà Tĩnh từng phải chạy vay lo từng bữa ăn nhưng có vốn mồi của VBSP đến nay đã có của ăn của để. Nhớ lại thời cơ cực của mình, anh Thường kể: Năm 2002 anh lấy vợ và ra ở riêng tài sản chỉ là 2 gian nhà cấp 4, đồ dùng sinh hoạt chẳng có gì để kể. Cuộc sống quá khổ, hai vợ chồng nhiều đêm thức trắng để tìm kế thoát nghèo và quyết định lấy cây cam bù - một đặc sản của quê hương để trồng. Năm 2003, thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Nông dân ở địa bàn, anh Thưởng được vay 10 triệu đồng của VBSP và cộng với vay thêm của người thân đầu tư mua giống cam bù để trồng trên diện tích đất trang trại rộng 6,5 ha. Sự cần cù chịu khó của anh Thường cũng đã được đền đáp. Sau 4 năm cam đã cho quả bói, mang lại thu nhập cho gia đình. Năm 2016, gia đình anh Thưởng đã thoát nghèo, trả hết tiền vay cho VBSP. Giá cam bù bán được giá, bán buôn tại vườn đã 50 – 70 nghìn đồng/kg , năm 2017 lợi nhuận từ hơn 2.000 gốc cam bù của gia đình anh Thường đã cho thu nhập gần 800 triệu đồng. Vụ cam năm 2018 vừa kết thúc đạt lợi nhuận 1,2 tỷ đồng.
Anh Phạm Ngọc Thưởng, ở thôn Kim Lĩnh, xã Sơn Mai, huyện Hương sơn (Hà Tĩnh) đã thoát nghèo nhờ đồng vốn của VBSP
“Không có những đồng vốn của VBSP tiếp sức lúc ban đầu thì không biết đến bao giờ gia đình tôi mới thoát nghèo. Để thuận tiện cho vận chuyển cam vào mùa thu hoạch tôi vừa đầu tư mua 1 xe ô tô bán tải hết gần 800 triệu đồng, đóng góp cùng địa phương 70 triệu đồng để trải thảm bê tông hơn 100m vào tận vườn cam gia đình anh và 2 hộ dân cùng thôn ”, anh Thưởng hồ hởi.
Tăng sự gắn kết giữa hội đoàn thể với người dân
Một điển hình khác về sử dụng vốn vay của VBSP hiệu quả mà chuyến công tác vừa qua chúng tôi được tiếp xúc đó là hộ bà Nguyễn Thị Dục, thôn Hà Trai, xã Sơn Kim huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Trước đây gia đình bà Dục thuộc diện hộ nghèo, nhưng cũng từ những đồng vốn vay của Ngân hàng Phục vụ người nghèo, tiền thân của VBSP ngày nay, bà đã đầu tư mua bò sinh sản, lợn rừng, gà, trồng cây ăn quả như cam, canh, bưởi. Cây con được gia đình bà Dục chăm sóc khoa học nên đã không phụ lòng người và mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp gia đình chính thức thoát nghèo từ đầu những năm 2000.
Phấn khởi trước kết quả gia đình đạt được, sau vài năm đàn bò từ vài con đã sinh sôi nảy nở lên 20 con, bà Dục để lại nửa số đàn bò, còn lại bán và vay thêm 50 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm của VBSP để lấy vốn đầu tư trồng cam trên diện tích trang trại rộng 7 ha.
Thoát nghèo nhờ đồng vốn vay của VBSP, anh Phạm Ngọc Thưởng đóng góp cùng địa phương 70 triệu đồng để trải thảm bê tông hơn 100m đường dẫn vào nhà anh và một số hộ dân thôn ở thôn Kim Lĩnh xã Sơn Mai, huyện Hương sơn, tỉnh Hà Tĩnh
Năm 2018, vườn cam bắt đầu cho thu hoạch bói và hứa hẹn từ vụ cam năm 2019 sẽ mang lại nguồn thu ổn định và gia đình bà Dục sẽ nằm trong danh sách những hộ khá giả của thôn Hà Trai. “Đồng vốn của VBSP thực sự ý nghĩa với người dân nông thôn, giúp gia đình tôi có vốn đầu tư sản xuất, xóa đói giảm nghèo”, bà Dục chia sẻ.
Qua hai câu chuyện xóa nghèo trên, có thể khẳng định, trong những năm qua nguồn vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi của VBSP đã trở thành nguồn lực quan trọng giúp Hà Tĩnh thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới…Đặc biệt, thông qua thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi đã gắn kết cấp ủy chính quyền, các hội đoàn thể với nhân dân, thu hút các đoàn viên, hội viên tích cực tham gia hoạt động đoàn thể, làm cho nhân dân tin tưởng hơn vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Theo thống kê của các ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 20,5% năm 2002 xuống còn 10,5% năm 2005 (theo tiêu chí giai đoạn 2000 - 2005); giảm từ 38,89% năm 2006 xuống còn 13,1% năm 2010 (theo tiêu chí giai đoạn 2006-2010). Và gần đây nhất, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 11,4% đầu năm 2016 xuống 8,56% đầu năm 2017 (theo tiêu chí giai đoạn 2016-2020).
Chia sẻ về bí quyết thành công, Giám đốc VBSP Hà Tĩnh Lưu Văn Minh cho biết, để đạt được kết quả nêu trên là nhờ có sự phối hợp của các ban, ngành, Hội đoàn thể nhận ủy thác và chính quyền địa phương trong việc thực hiện chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hướng dẫn phương thức làm ăn, cách sử dụng vốn cho hộ vay. Bên cạnh đó, VBSP cũng tập trung ưu tiên vốn cho các xã xây dựng nông thôn mới, các mô hình, dự án trọng điểm làm ăn có hiệu quả, từ đó ngân hàng đầu tư vốn mang lại hiệu quả thiết thực.
Ngọc Quyết
TAG:
Tin khác
Vũng Liêm tích cực giải bài toán giảm nghèo bền vững
Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân Mỏ Cày Bắc giảm nghèo bền vững
Chương trình của Vinamilk hỗ trợ hơn 6 tỷ đồng cho học sinh, sinh viên vùng bão lũ qua Trung ương đoàn
Đề nghị trẻ em không có giấy tờ tùy thân cũng được cấp thẻ BHYT
TPHCM: Long trọng tổ chức lễ phát động “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2024”
BHXH TPHCM chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 10, qua tài khoản từ ngày 1/10
Ủy ban quốc gia về trẻ em làm việc với tỉnh Sơn La về thực hiện công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em
Huyện Can Lộc huy động hệ thống chính trị thực hiện công tác giảm nghèo bền vững
Chăm lo chu đáo cho người có công trên mảnh đất Hà Tĩnh