Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Chuyện về tấm gương thương binh hết lòng vì đồng đội
10:25 AM 14/09/2021
(LĐXH)- Thương binh loại 2 (tỷ lệ thương tật 72%) Lê Văn Hoan ở thôn Đồng Cả, xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) là tấm gương thương binh mẫu mực, có thời gian dài công tác trong ngành và đóng góp tích cực cho sự phát triển của địa phương, được các thế hệ sau này kính trọng. Không những thế, con cái ông cũng noi gương cha, người lao động sản xuất giỏi, người làm cán bộ thành đạt, đang từng ngày góp phần làm thay đổi bộ mặt của quê hương.
Thương binh Lê Văn Hoan kể chuyện với PV Tạp chí Lao động - Xã hội
Đã ngoài 70 tuổi với nhiều vết thương trên cơ thể, đôi lúc đi lại khó khăn, song khi trực tiếp được gặp gỡ, trò chuyện với thương binh Lê Văn Hoan, ai cũng cảm nhận được nét vui tươi, khỏe khoắn trên gương mặt ông. Ông luôn tâm niệm lời dạy của Bác Hồ “thương binh tàn nhưng không phế”, để suốt đời chiến đấu, lao động, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Trong câu chuyện với phóng viên, khi nhắc tới quãng đời trai trẻ được phục vụ trong quân ngũ, thương binh Lê Văn Hoan không giấu nổi niềm tự hào, xúc động. Ký ức về những năm tháng cầm súng hào hùng vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của ông.
Xuất thân từ một gia đình thuần nông, có truyền thống yêu nước, năm 1966, khi đó chàng thanh niên 20 tuổi Lê Văn Hoan từ giã bố mẹ, xóm làng, đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc để cầm súng chiến đấu bảo vệ non sông đất nước. Tháng 5/1967, sau khi tham gia huấn luyện 3 tháng, ông được điều động tập trung tại Phủ Lý (Hà Nam).
Suốt 3 tháng rưỡi sau đó, ông và các đồng đội hành quân vào đến Kon Tum, rồi lại tiếp tục đi bộ thêm 15 ngày nữa mới đến đơn vị chiến đấu. Trên đường hành quân, nhiều chiến sĩ đã ngã xuống, song ông nghĩ mình còn quá trẻ và phải gắng sức để đợi ngày được trực tiếp ra mặt trận.
Trong trí nhớ của mình, ông kể bản thân trực tiếp tham gia khoảng 100 trận đánh, cũng như không nhớ nổ số lần bị thương. Ấn tượng nhất là lần ông được tặng Huân chương Chiến công hạng 2 do bắn gục 2 xe tăng địch bằng súng B40. Tuy nhiên, di chứng để lại là 2 tai ông bị ù, đến giờ đôi khi bị lãng, cho nên nhiều khi vợ con phải nói to ông mới nghe rõ.
“Tôi được biên chế ở đơn bị bộ binh H6, K2 Trung đoàn 97 Độc lập, giáp với nước bạn Campuchia và tham gia các trận đánh ngay sau đó. Suốt những năm sau đó, tôi cùng đơn vị đánh nhiều trận và cũng bị thương nhiều lần. Có thể kể đến vết thương ở đùi vào năm 1970. Bác sĩ khi đó nói nếu mổ sẽ bị liệt chân, nên mãi sau này tôi mới mổ; rồi vết thương trên đầu.
Lần nặng nhất là lần thứ 5, khi đó tôi bị trúng đạn của địch trong một trận đánh điểm vào năm 1972 và bị gãy tay trái. Trận đó, rất nhiều đồng đội đã hy sinh và bị thương. Do bị gãy tay, không thể cầm súng nên tôi được chuyển về bệnh viện quân y dã chiến của tỉnh Gia Lai để điều trị. Năm 1972, tôi được về Vĩnh Phúc để an dưỡng, điều trị các vết thương và tập phục hồi chức năng” – thương binh Lê Văn Hoan kể. 
Năm 1974 ông xin ra quân và trở về địa phương công tác và phụng dưỡng cha mẹ già. Năm 1975, ông bắt đầu tham gia công tác ở xã, làm Chủ nhiệm cửa hàng mua bán của Hợp tác xã. Đến năm 1980, ông được lãnh đạo xã phân công phụ trách mảng chính sách cho thương binh. Là một người từng “vào sinh ra tử” nên ông thấu hiểu công tác thương binh – liệt sĩ hết sức quan trọng, đòi hỏi người cán bộ phải có cái tâm, nhiệt huyết và hết sức công tâm, minh bạch. Vì thế, suốt 12 năm phụ trách công tác này, ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Thời gian đó cũng là cơ hội để ông được thường xuyên gặp gỡ các đồng chí đồng đội, chia sẻ những câu chuyện buồn vui trong cuộc sống, lắng nghe những tâm tư của người lính khi trở về quê hương. Ông cũng trực tiếp tham mưu cho các cấp chính quyền địa phương giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác thương binh, liệt sĩ ở địa phương, giúp các cựu chiến binh có thêm động lực để vươn lên trong cuộc sống.
Ông cùng đồng đội, các cán bộ của ngành cũng đã trực tiếp thông tin, kết nối để hàng trăm gia đình tìm được mộ liệt sĩ nằm rải rác khắp các nghĩa trang trong nước. Đến nay, ông đã trực tiếp cùng đồng đội đi hàng chục chuyến vào chiến trường xưa, đi thăm hết các nghĩa trang ở các tỉnh Tây Nguyên để tìm kiếm, khớp nối thông tin phần mộ liệt sĩ. Ông suy nghĩ, dù không còn công tác trong ngành, nhưng còn sức khỏe, vẫn còn động lực để “đi tìm đồng đội”.
Với những đóng góp không mệt mỏi của mình, thương binh Lê Văn Hoan được nhiều Bằng khen, Giấy khen của UBND tỉnh Thái Nguyên, huyện Đại Từ, Hội Nông dân huyện… Ông cũng vinh dự được trao Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng./.
Nguyễn Thìn
TAG:
Tin khác
Hà Giang: Nỗ lực giải phóng những “vùng đất chết” trả lại đất đai an toàn để phát triển kinh tế - xã hội địa phương
Hỗ trợ nạn nhân mua bán người trở về tái hòa nhập xã hội bền vững
Doanh nhân - Thương binh Tạ Quang Uẩn: Băng qua khói lửa, vươn lên thương trường
Hiệu quả các dự án giảm nghèo bền vững ở huyện Hương Sơn
Thái Nguyên tập trung thực hiện công tác giảm nghèo
Triển khai công tác xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
Nhân rộng các mô hình giảm nghèo ở Mỹ Xuyên
Phát triển năng lực trẻ em - Hành động vì tương lai
Thị xã Hồng Lĩnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững