Doanh nghiệp
Trang chủ / Kinh tế / Doanh nghiệp
Chuyển đổi xanh ngành Công nghiệp – Kiểm kê khí nhà kính: Nền tảng cho lộ trình giảm phát thải
06:58 PM 22/12/2023
(LĐXH)- Chiều 22/12/2023, tại Hà Nội, được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Xây dựng, Báo Xây dựng phối hợp với Liên minh Hỗ trợ công nghiệp Việt Nam Visa tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi xanh ngành Công nghiệp – Kiểm kê khí nhà kính: Nền tảng cho lộ trình giảm phát thải”.
Đây là Hội thảo chuyên sâu nhằm đưa ra những phân tích, nhận định đa chiều, đánh giá khách quan về tầm quan trọng và ý nghĩa của kiểm kê khí nhà kính; chuyển đổi xanh ngành công nghiệp; Cung cấp kiến thức cho doanh nghiệp về các phương pháp, tiêu chuẩn kiểm kê phổ biến; Tổng hợp các giải pháp đột phá từ các nhà quản lý, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp... về sử dụng dữ liệu phát thải, phương pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và vật liệu xây dựng.

PGS.TS Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) phát biểu tại Hội thảo.

Đến dự Hội thảo có: PGS.TS. Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng); Ông Tào Khánh Hưng, Nguyễn Sơn Tùng - Phó Tổng Biên tập Báo Xây dựng; ông Lương Quang Huy – Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô dôn (Bộ Tài nguyên và Môi trường); ông Hoàng Văn Tâm - Phó Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh (Bộ Công Thương); Lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Xây dựng; Đại diện các Bộ, ngành liên quan: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước; Đại diện Liên minh Hỗ trợ công nghiệp Việt Nam Visa, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Hiệp hội Công Nghiệp; Đại diện các Tổ chức nghiên cứu quốc tế biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, các hiệp hội, các tập đoàn, tổng công ty xây dựng, các chủ đầu tư bất động sản, Ban quản lý các khu công nghiệp (KCN), các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp FDI, các công ty năng lượng… cùng hơn các cơ quan thông tấn, báo chí của trung ương và Hà Nội.

Ông Tào Khánh Hưng - Phó Tổng Biên tập Báo Xây dựng phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Tào Khánh Hưng - Phó Tổng Biên tập Báo Xây dựng cho biết: Trước những thách thức của biến đổi khí hậu về mọi mặt của nền kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh toàn cầu, mỗi quốc gia phải chủ động thích ứng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực, đồng thời có trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu kể từ năm 2021 trở đi nhằm giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này.
Đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới, thực hiện chủ yếu thông qua chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp. Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết cùng cộng đồng quốc tế thực hiện phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 tại Hội nghị COP26. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng và để đạt được cần rất nhiều nguồn lực trong nước và quốc tế, cần sự chung tay cùng thực hiện của cả nền kinh tế.
Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng "0", bên cạnh các nhóm giải pháp kỹ thuật cụ thể được đưa ra thì Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng đã quy định rõ về vai trò, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp phải tham gia thực hiện giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình.

Ông Ngô Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch thường trực Liên minh Hỗ trợ công nghiệp Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Theo đó, các quy định về kiểm kê phát thải khí nhà kính phải thực hiện từ năm 2023. Bên cạnh đó, các cơ chế hỗ trợ thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải thông qua sàn giao dịch tín chỉ carbon, cơ chế bù trừ tín chỉ carbon... sẽ được áp dụng thử nghiệm từ năm 2025, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đạt được mục tiêu giảm phát, chuyển đổi xanh, hướng đến nền sản xuất bền vững của mình.
Chuyển đổi xanh không chỉ là phát triển, ứng dụng công nghệ hướng tới môi trường mà còn thay đổi cả quy trình sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao tính hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Tại Hội thảo, các diễn giả tập trung chia sẻ, thảo luận các nội dung: Kiểm kê khí nhà kính; Những yêu cầu báo cáo kiểm kê từ những nhà cung cấp, nhà đầu tư và các nước Châu Âu nhập khẩu một số mặt hàng của doanh nghiệp; Hậu kiểm kê và vai trò trong lộ trình chuyển đổi xanh; Khuyến nghị doanh nghiệp sử dụng dữ liệu kiểm kê hướng tới hoạch định chiến lược giảm phát thải; Tổng hợp các giải pháp đột phá từ các nhà quản lý, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp... về sử dụng dữ liệu phát thải, những giải pháp xanh từ hệ sinh thái tác động đến việc xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp, ứng dụng nhiên liệu sạch LNG trong sản xuất công nghiệp; Chia sẻ những kinh nghiệm thực tế từ những đơn vị đã có hành động hướng tới trung hòa carbon, nhằm giúp các doanh nghiệp công nghiệp, vật liệu xây dựng và cơ sở hạ tầng xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh cho nội tại công ty và thực hiện trách nhiệm với môi trường và xã hội.
Toàn cảnh Hội thảo.
PGS.TS Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường cho biết: Thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26) và khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP28 về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, việc phát triển sản xuất vật liệu xây dựng luôn phải thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, từng bước thay thế nguyên vật liệu gây phát thải khí nhà kính; giảm, thay thế sử dụng nhiên liệu hóa thạch sớm nhất có thể.
Ngành Xây dựng (hay ngành công nghiệp xây dựng) đóng góp vào phát thải khí nhà kính quốc gia từ hai nguồn chính. Nguồn thứ nhất là phát thải từ quá trình công nghiệp gọi tắt là IP (phát thải khí nhà kính thông qua các phản ứng hóa học) trong sản xuất vật liệu xây dựng, phần lớn là sản xuất xi măng, khí nhà kính phát thải trong quá trình nung clinker. Nguồn phát thải thứ hai từ quá trình sử dụng năng lượng là nhiên liệu hóa thạch cho các hoạt động và vận hành sản xuất, thương mại gọi là phát thải trực tiếp, thuộc nhóm phát thải năng lượng. Sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng sử dụng năng lượng và lượng lớn nhiên liệu hóa thạch, đất sét. Bên cạnh đó, việc phát thải từ quá trình sử dụng điện lưới cho các hoạt động sản xuất, thương mại đã được tính đến trong hệ thống kiểm kê quốc gia thuộc nhóm sản xuất năng lượng và được xem là phát thải gián tiếp. Việc giảm nhu cầu sử dụng điện trong hoạt động sản xuất sẽ đóng góp vào giảm nhu cầu sản xuất năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.
Ngoài ra, ngành Xây dựng còn có các nguồn phát thải khi tính đến chuỗi giá trị hay các-bon như sử dụng vật liệu xây dựng trong các tòa nhà, công trình, phát thải rò rỉ khi sử dụng máy lạnh, phát thải khi sử dụng dịch vụ vận chuyển…
Chia sẻ về vai trò kiểm kê khí nhà kính - Nền tảng xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh doanh nghiệp, ông Ngô Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch thường trực Liên minh Hỗ trợ công nghiệp Việt Nam cho biết: Liên minh Hỗ trợ công nghiệp Việt Nam (Visa) thành lập năm 2019, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: Cùng nhau hiện thực hóa di nguyện của Bác Hồ về một Việt Nam hùng cường, vẻ vang, sánh vai với cường quốc năm châu vào năm 2045. Là tập hợp những tổ chức và cá nhân có cùng định hướng nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam với tôn chỉ mục đích cung cấp các giải pháp cụ thể để xúc tiến kết nối hoạt động giao thương trong lĩnh vực ngành Công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam góp phần hỗ trợ dịch chuyển chuỗi cung ứng, tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Liên minh Hỗ trợ công nghiệp Việt Nam hoạt động với 3 sứ mệnh: Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa; Đóng góp chính sách; Kiến tạo hệ sinh thái công nghiệp Việt Nam.
Liên minh hướng đến 4 mục tiêu chính: Kết nối giao thương LF – SI, giúp doanh nghiệp tiếp cận với các tiêu chuẩn và yêu cầu gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu; Nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp thành viên thông qua các chương trình, giải pháp tư vấn chiến lược, quản trị rủi ro chuỗi cung ứng, tiêu biểu là chuỗi hội thảo giúp nâng cao năng lực “Quản trị rủi ro báo cáo quyết toán hải quan” với 9 chuyên đề chuyên sâu đã và đang tổ chức từ cuối 2019 đến nay, phối hợp với Chi cục Hải quan và Sở Công Thương các tỉnh Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Đà Nẵng, Long An, Đồng Nai…
Đóng góp chính sách nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, các chính sách vốn, đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại; Kiến tạo hệ sinh thái công nghiệp Việt Nam thông qua các chương trình phát triển thành viên, các đề án hỗ trợ doanh nghiệp.
Môi trường và biến đổi khí hậu đang là vấn đề cấp thiết mang tính báo động chung toàn cầu, đòi hỏi về việc phải thay đổi và giảm thiểu phát thải khí nhà kính đang là yêu cầu bắt buộc ở mọi lĩnh vực. Các quốc gia lớn đã và đang thực thi nhiều chính sách mạnh mẽ và quyết liệt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, có tác động trực tiếp đến các thị trường sản xuất liên quan, trong đó có Việt Nam.
Ngày 26/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 hướng tới phát thải ròng bằng “0”. Tại Hội nghị thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới lần thứ 28 vừa qua, Việt Nam đã rất nỗ lực thực hiện cam kết chuyển đổi xanh mặc dù là quốc gia đang phát triển với xuất phát điểm thấp và đang gặp nhiều khó khăn, với hành động khí hậu hướng đến mục tiêu: Kiềm chế mức tăng nhiệt độ; Giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu; Tăng cường tài chính khí hậu.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải xác định tầm nhìn mới và khẩn chương chuyển mình trong công tác chống biến đổi khí hậu. Nắm bắt nhu cầu và khó khăn của doanh nghiệp, Liên minh Visa và các đối tác đã phối hợp tổ chức chuỗi Hội thảo “Chuyển đổi xanh ngành Công nghiệp” tập trung vào các vấn đề cốt lõi trong lộ trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp: Nhận thức quản trị, kiểm kê khí nhà kính, giải pháp tự giảm phát thải, tín chỉ và thị trường tín chỉ carbon, mô hình chuyển đổi xanh bền vững.
Việc đạt được tính bền vững là một hành trình dài và đầy thách thức, mỗi doanh nghiệp cần vạch ra lộ trình rõ ràng và cụ thể để tối ưu nguồn lực và nắm bắt cơ hội. Việc thực hiện kiểm kê khí thải nhà kính được xem là nền tảng quan trọng giúp doanh nghiệp nhận định số liệu phát thải của bản thân, từ đó làm cơ sở để nhà quản trị hoạch định chiến lược giảm phát thải bền vững./.

Thảo Lan

 

TAG: Chuyển đổi xanh ngành Công nghiệp Kiểm kê khí nhà kính
Tin khác
Chủ cửa hàng tránh bị lừa đảo khi chuyển khoản nhờ cách này
Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 23/12/2024: USD giảm nhẹ phiên đầu tuần
Vạch trần các chiêu lừa đảo tài chính phổ biến ở Việt Nam
TPHCM: Chính thức vận hành tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên
Viện nghiên cứu dược liệu Việt và cân bằng kiềm hóa cơ thể: Quyết tâm khẳng định vị thế dược liệu Việt trên thế giới
Vinh danh 109 doanh nhân, doanh nghiệp Thăng Long tiêu biểu 2024
Mỗi năm Hà Nội tăng thêm nhu cầu nhà ở 200.000 người
Generali Việt Nam được vinh danh Top 10 Sản phẩm – Dịch vụ tin dùng Việt Nam 2024 với VITA – Sức Khỏe Vàng
Hà Nội công bố bảng giá đất, cao nhất hơn 695 triệu đồng/m2