Kinh tế
Trang chủ / Kinh tế / Kinh tế
Chuyển đổi công nghiệp để phát triển bền vững
05:46 PM 24/09/2024
(LĐXH) - Sáng 24/9/2024, tại TPhCM, đã diễn ra “Đối thoại Hữu nghị TP. Hồ Chí Minh lần thứ 2 năm 2024 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp để phát triển bền vững”.

Lãnh đạo TPHCM cùng 35 đoàn lãnh đạo đến từ các địa phương quốc tế có quan hệ hợp tác hữu nghị với TP. Hồ Chí Minh và các Bộ ban ngành và cộng đồng doanh nghiệp tham dự Đối thoại Hữu nghị TP. Hồ Chí Minh năm 2024.

Tham dự đối thoại có 35 đoàn lãnh đạo đến từ các địa phương quốc tế có quan hệ hợp tác hữu nghị với TP. Hồ Chí Minh, bao gồm: Lào, Campuchia, Trung Quốc, Cuba, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ, Đức, Úc, Ý, Bồ Đào Nha, Belarus, Hungary, Uruguay…

Phát biểu tại sự kiện,  Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi,  cho biết chủ đề của Đối thoại Hữu nghị năm nay "Chuyển đổi công nghiệp: Kinh nghiệm phát triển và ưu tiên hợp tác", là vấn đề thiết yếu và cấp bách của toàn cầu. Chuyển đổi công nghiệp không chỉ là một lựa chọn mà còn là một yêu cầu cấp thiết đối với TP. Hồ Chí Minh và các đô thị trên toàn thế giới. Trước áp lực kép từ việc duy trì tăng trưởng kinh tế  trong khi đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường và trách nhiệm xã hội ngày càng khắt khe, chúng ta buộc phải đổi mới và thích ứng. Hành trình chuyển đổi công nghiệp của TPHCM được thúc đẩy bởi cả động lực nội tại và những xu hướng toàn cầu.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh  Phan Văn Mãi phát biểu tại sự kiện

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho rằng, để duy trì tính cạnh tranh và phát triển bền vững, Thành phố cần phải chuyển đổi từ các ngành công nghiệp truyền thống sang các ngành công nghiệp  công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn. Theo thống kê, hiện tại tỷ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao chỉ chiếm khoảng 23% trong tổng GDP (tổng sản phẩm nội địa) của thành phố. Mục tiêu của TP. Hồ Chí Minh là nâng tỷ trọng này lên 40% vào năm 2030, qua đó không chỉ duy trì sự đóng góp của thành phố vào nền kinh tế quốc gia mà còn củng cố vị thế dẫn đầu của thành phố trong cả nước và khu vực.

Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), chuyển đổi công nghiệp đã trở thành xu hướng toàn cầu, với việc đầu tư vào công nghệ cao và kỹ thuật số dự kiến sẽ đạt khoảng 1,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Chúng ta đang sống trong thời kỳ chuyển đổi công nghiệp sâu rộng, nơi mà đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững trở thành các yếu tố quyết định cho thành công.

Về xu hướng toàn cầu, Việt Nam đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ trong thị trường quốc tế, hướng tới các phương thức sản xuất bền vững và có trách nhiệm hơn. Theo báo cáo của McKinsey & Company, khoảng 70% các công ty đa quốc gia đã cam kết cắt giảm ít nhất 25% lượng khí thải carbon của mình vào năm 2030. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn, gắn kết thương mại với phát triển bền vững. Do đó, để duy trì sự hiện diện vững chắc trên thị trường toàn cầu, TP. Hồ Chí Minh cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn này.

Các đại biểu tham dự Đối thoại Hữu nghị TP. Hồ Chí Minh lần thứ 2 năm 2024 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp để phát triển bền vững”.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết:  TP. Hồ Chí Minh cũng đang tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, đầu tư vào tự động hóa, nhà máy thông minh, và công nghệ sản xuất tiên tiến nhằm nâng cấp chuỗi giá trị. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), việc tăng cường tự động hóa và ứng dụng công nghệ cao có thể tăng năng suất lao động lên đến 30% trong vòng 10 năm tới, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên và tăng cường khả năng cạnh tranh.

Theo nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), khoảng 60% các sáng kiến chuyển đổi công nghiệp thành công là kết quả của sự hợp tác giữa các chính phủ, doanh nghiệp và người dân, cả trong và ngoài nước. Đây chính là lý do tại sao hội nghị hôm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

TP. Hồ Chí Minh cam kết sẽ tiếp tục là một đối tác năng động, cởi mở và chân thành với các địa phương trên thế giới. Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh cũng tin rằng, thông qua việc thúc đẩy tinh thần hữu nghị và hợp tác, TP. Hồ Chí Minh không chỉ đạt được các mục tiêu chung mà còn xây dựng một tương lai tốt đẹp cho nhân loại. “Thông qua Đối thoại Hữu nghị 2024, các địa phương, doanh nghiệp và người dân sẽ có thêm cơ hội trao đổi và hợp tác để cùng nhau phát triển mạnh mẽ hơn”, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi bày tỏ.

Tại Hội nghị các đại biểu cùng nhau thảo luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quá trình chuyển đổi công nghiệp, công nghệ, tài chính và nhân lực của các địa phương quốc tế.

Vương Linh

 

TAG: Chuyển đổi công nghiệp để phát triển bền vững Đối thoại Hữu nghị TP. Hồ Chí Minh lần thứ 2 năm 2024
Tin khác
Prudential đang tích cực thu thập thông tin khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi
Sconnect được trao Kỷ lục Việt Nam cho sản phẩm Wolfoo Game
Hà Nội: Lễ hội An toàn thực phẩm Tết Trung thu 2024 diễn ra từ ngày 13 đến 17/9
Thu ngân sách Nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu 8 tháng năm 2024 đạt hơn 274 nghìn tỷ đồng
ABBANK và MAYBANK tăng cường quan hệ hợp tác chiến lược
Tháo gỡ nút thắt trong chuyển đổi xanh: Biến phát triển bền vững thành động lực tạo giá trị
Triển lãm Điện tử Quốc tế - NEPCON Việt Nam 2024: Cơ hội kết nối, hợp tác và thúc đẩy đổi mới công nghệ
Sconnect và Sun Media hợp tác phát triển tài sản sở hữu trí tuệ trên các nền tảng số
Niềm vui từ thẻ tiêu dùng tại cửa hàng dân sinh “Triệu Nụ Cười”