Chuyển biến tích cực trong công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán ở Yên Bái
(LĐXH)-Trong giai đoạn 2016-2020, mọi hoạt động kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái diễn ra ổn định, tăng trưởng kinh tế hàng năm trong giai đoạn 2016- 2020 đạt trên 7%. (Năm 2016 đạt 7,3%, năm 2017 đạt 7,3%, năm 2018 đạt 7,08%, năm 2019 đạt 7,03%, 6 tháng đầu năm 2020 đạt 3,8%, phấn đấu năm 2020 đạt 7,3%).
Năm 2019 và năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID - 19 nên các hoạt động kinh tế có bị ảnh hưởng nhưng không lớn. Quy mô các hoạt động kinh tế của tỉnh chủ yếu là vừa và nhỏ, không đáp ứng được nhu cầu về cung cầu lao động, nhiều lao động không tìm được việc làm trong tỉnh đã phải đi tìm việc làm ở tỉnh ngoài, thu nhập thấp, không ổn định. Cũng chính vì thế mà Yên Bái tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn mua bán người.
Cùng với đó, Yên Bái chưa tự cân đối được thu, chi ngân sách (nguồn thu của tỉnh mới chỉ đáp ứng được 25-30% chi ngân sách) phần còn lại phải nhờ Trung ương hỗ trợ lên cũng có ảnh hưởng ít nhiều đến công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Trước tình hình đó, Yên Bái các ban, ngành, các ngành, các cấp thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; các chương trình, mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm, phòng chống ma túy; phòng, chống mua bán người… gắn với các chương trình phát triển kinh tế – xã hội.
Công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, hàng năm các Sở, ngành liên quan đều xây dựng kế hoạch thực hiện các Đề án, tiểu Đề án ngành được phân công phụ trách; Công tác tuyên truyền phòng, chống mua bán người được duy trì thường xuyên, nội dung tập trung đi sâu vào nâng cao kiến thức pháp luật, chế độ chính sách về phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người đã đạt được kết quả khả quan, nhiều đường dây, vụ án được khám phá, điều tra xác minh làm rõ và xét xử nghiêm minh trước pháp luật; Công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng thu được kết quả. Nhiều nạn nhân đã ổn định cuộc sống. Với những giải pháp đồng bộ đó, Yên Bái đã thực hiện hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình phòng, chống mua bán người nói chung và đạt 100% 3 chỉ tiêu Đề án 3: “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán” nói riêng. Việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án có tác động rất lớn đến việc giữ gìn, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Cụ thể, đối với công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, trong 5 năm từ 2016-2020, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các nội dung về tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Theo đó, đã phối hợp với ngành Công an thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, trao trả 861/861 trường hợp; thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn nạn nhân, người chưa thành niên đi cùng với nạn nhân và người thân thích của họ trong quá trình xác minh, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và quá trình giải quyết vụ án mua bán người từ khi khởi tổ, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án theo quy định của pháp luật đối với 47 trường hợp; phối hợp với các Sở, ngành liên quan thực hiện tốt công tác hỗ trợ nhu cầu thiết yếu ban đầu theo quy định cho 44/44 nạn nhân. Cả 3 chỉ tiêu trên mà Đề án 3 đề ra tỉnh đều hoàn thành 100% kế hoạch. Trong đó, công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tại Trung tâm công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh giai đoạn 2016-2020 thực hiện khá tốt. Trung tâm đã phối hợp với Công an tỉnh Yên Bái tổ chức tiếp nhận 03 nạn nhân bị mua bán trở về. Trong thời gian lưu trú tại Trung tâm, nạn nhân được hỗ trợ ăn ở, cấp phát quần áo, đồ dùng cá nhân, tư vấn tâm lý và chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, Trung tâm cũng phối hợp xác minh, thực hiện các hoạt động kết nối với địa phương hỗ trợ nạn nhân trở về đoàn tụ gia đình, ổn định cuộc sống. Các thủ tục hỗ trợ tiền xe, tiền ăn đi đường cho nạn nhân đảm bảo theo quy định. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng kết nối với Trung tâm hỗ trợ phụ nữ tại cộng đồng để các nạn nhân được hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ sinh kế. Còn tại cộng đồng, từ năm 2016 đến tháng 6/2020, đã tiếp nhận 44 nạn nhân bị mua bán trở về và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho 8 nạn nhân với số tiền 24 triệu đồng. Nạn nhân trở về cộng đồng được còn hỗ trợ pháp lý, được hỗ trợ học văn hóa, học nghề.
Trong giai đoạn 2016-2020, Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh cũng đã trợ giúp pháp lý 02 vụ 02 nạn nhân đòi bồi thường thiệt hại (Năm 2016: 01 vụ 01 nạn nhân, Năm 2019: 01 vụ 01 nạn nhân).
Mặc dù đạt được những kết quả nêu trên song công tác phòng, chống mua bán người ở tỉnh Yên Bái vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Hiện nay, phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người diễn ra ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức, có sự cấu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán, môi giới, dẫn dắt, hình thành các đường dây tội phạm liên tỉnh và xuyên quốc gia. Khác với trước đây, việc tiếp cận và làm quen với nạn nhân phải gặp gỡ trực tiếp để ru rê, thì hiện nay, ngày càng nhiều đối tượng phạm tội thông qua các trang mạng xã hội và điện thoại thông minh để tiếp cận nạn nhân, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với nạn nhân, nên công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, sự chênh lệch về kinh tế xã hội giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng muôn bán người hiện nay. Đa số các vụ mua bán người diễn ra ở những vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế kém phát triển, có nhiều khó khăn về đường xá và phương tiện đi lại. Nghề nghiệp của các nạn nhân trước khi bị lừa bán ra nước ngoài chủ yếu là làm ruộng và thất nghiệp, cuộc sống của họ không có đủ thông tin xã hội. Do đó, họ dễ dàng bị lợi dụng và cả tin vào các đối tượng phạm tội, trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người. Tại Yên Bái, nạn nhân chủ yếu là người dân tộc H’Mông sống ở vùng cao, vùng sâu, vùng sa rất khó tiếp cận. Một số nạn nhân tự trốn được về lên không có giấy tờ xác nhận là nạn nhân. Một số nạn nhân muốn che dấu thân phận lên không khai báo với chính quyền địa phương để làm thủ tục xác minh và đơn đề nghị hỗ trợ.
Với bối cảnh về tình hình mua bán người nêu trên có thể khảng định trong thời gian tới tệ nạn mua bán người diễn ra sẽ rất phức tạp và có ảnh hưởng lớn đến công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái đặt ra mục tiêu cụ thể đối với công tác phòng, chống mua bán người là nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực của cá nhân, gia đình và toàn xã hội nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó với nguy cơ mua bán người. Đẩy mạnh công tác phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử tội phạm mua bán người. Tiếp nhận, xác minh, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân kịp thời, an toàn nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của nạn nhân. Hoàn thiện pháp luật và thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người. Tăng cường hợp tác và thực hiện các cam kết quốc tế về phòng, chống mua bán người.
Với mục tiêu này, tỉnh đề ra chỉ tiêu cụ thể trong giai đoạn 2021-2025 như sau: 100% các trường hợp đã tiếp nhận được tiến hành các thủ tục xác minh, xác định nạn nhân và được hưởng các chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật; 100% nạn nhân có nhu cầu được hỗ trợ chế độ theo quy định của pháp luật; 100% nạn nhân và người thân thích có nhu cầu được bảo vệ an toàn theo quy định của pháp luật; 2025, 100% các huyện, thị xã, thành phố có từ 05 nạn nhân trở lên phải xây dựng được mô hình hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán.
Để có thể hoàn thành các mục tiêu và chỉ tiêu đã đề ra, tỉnh Yên Bái xác định nhiệm vụ cần phải làm trong giai đoạn tới đó là: Nghiên cứu, xây dựng cơ chế chuyển tuyến cho nạn nhân bị mua bán; hình thành mạng lưới hỗ trợ nạn nhân và thực hiện quy trình chuẩn về hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng theo hướng bình đẳng giới, chú ý nhu cầu và đặc điểm của các nhóm đối tượng khác nhau, đặc biệt là trẻ em. Thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân tại các cơ sở bảo trợ, cơ sở hỗ trợ nạn nhân và tại cộng đồng theo quy định pháp luật. Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan để thực hiện tốt quy trình tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng. Nâng cấp trang thiết bị phục vụ cho công tác hỗ trợ nạn nhân tại Trung tâm công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh. Rà soát, thống kê, lập danh sách, hồ sơ quản lý đối với nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn. Trên cơ sở đó xây dựng dữ liệu quản lý, đánh giá nhu cầu, có kế hoạch hỗ trợ phù hợp đối với nạn nhân đảm bảo nguyên tắc bảo mật thông tin và tự nguyện./.
Nhật Minh
TAG: