An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Chuyển biến tích cực trong công tác an toàn, vệ sinh lao động của tổ chức Công đoàn
03:10 PM 24/10/2022
(LĐXH) – Giai đoạn 2017-2022, trung bình mỗi năm có trên 9.000 Công đoàn cơ sở đơn vị tổ chức phát động phong trào thi đua về công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), với trên 400.000 người tham gia; có trên 15.000 sáng kiến cải thiện điều kiện lao động giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Sau năm năm thực hiện Nghị quyết số 10c/NQ-BCH ngày 12/1/2017 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam về “Nâng cao hiệu quả công tác ATVSLĐ của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới” và Chỉ thị số 04/CT-TLĐ ngày 3/3/2017 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào "Xanh - Sạch - Đẹp, Bảo đảm ATVSLĐ" trong tình hình mới, các cấp Công đoàn đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ Công đoàn, người sử dụng lao động, người lao động về công tác ATVSLĐ.
Cán bộ Công đoàn làm công tác ATVSLĐ đang từng bước được kiện toàn, nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Tính đến thời điểm tháng 6/2022, tổng hợp từ 62 báo cáo sơ kết gửi về Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thấy hầu hết các địa phương, ngành đã hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết đề ra…
Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi giúp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về ATVSLĐ
Thống kê từ các báo cáo, giai đoạn 2017 đến hết tháng 6/2022, các cấp Công đoàn đã chủ động tổ chức tập huấn, huấn luyện ATVSLĐ cho trên 2,5 triệu lượt người lao động, cán bộ Công đoàn, an toàn vệ sinh viên; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn, huấn luyện ATVSLĐ cho gần 4 triệu lượt người, tập trung vào tập huấn cho người lao động ở các doanh nghiệp, lĩnh vực, công việc, ngành nghề có nhiều yếu tố nguy hiểm, có hại, có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; đồng thời cũng chú trọng đến việc phổ biến kinh nghiệm, tập huấn phương pháp và kỹ năng phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Các phong trào thi đua do Công đoàn phát động, triển khai đã thu hút được sự tham gia của các cấp, các ngành, của người sử dụng lao động, người lao động, góp phần xây dựng môi trường làm việc an toàn, lành mạnh, giúp người lao động thi đua lao động sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất và hiệu quả công việc, giảm thiểu nguy cơ rủi ro tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mang lại lợi ích thiết thực cho bản thân, đơn vị khi tham gia phong trào.
Trung bình mỗi năm có trên 9.000 Công đoàn cơ sở đơn vị tổ chức phát động phong trào với trên 400.000 người tham gia; có trên 15.000 sáng kiến cải thiện điều kiện lao động giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Qua các phong trào thi đua, trong 5 năm qua các cấp Công đoàn đã tặng 653 Cờ, 6.448 Bằng khen, 11.697 Giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, Bảo đảm ATVSLĐ”.
Theo đánh giá của Tổng LĐLĐ Việt Nam, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết và Chỉ thị, đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ Công đoàn, người sử dụng lao động, người lao động về công tác ATVSLĐ; công tác chỉ đạo triển khai Nghị quyết và Chỉ thị được triển khai thống nhất từ Tổng Liên đoàn đến các cấp Công đoàn; công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về ATVSLĐ đã chủ động, hiệu quả hơn được các cơ quan chức năng đánh giá cao; công tác phối hợp với cơ quan chức năng, người sử dụng lao động trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về ATVSLĐ chủ động và chặt chẽ hơn.
Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn về ATVSLĐ có nhiều đổi mới về nội dung, đa dạng về hình thức, áp dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội qua đó nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền; phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, Bảo đảm ATVSLĐ” được duy trì và đẩy mạnh với nhiều mô hình sáng tạo, phù hợp với thực tiễn của các địa phương, ngành. Cùng với đó, mạng lưới an toàn vệ sinh viên được củng cố, tăng cường về số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động. Các kết quả thực hiện Nghị quyết và Chỉ thị đã góp phần nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn và góp phần phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện lao động cho người lao động./.
Minh Hưng
TAG:
Tin khác
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững
Một số định hướng cho việc làm bền vững ở Kiên Giang
Việc làm bền vững từ sự chủ động kết nối cung - cầu lao động ở Kiên Giang
Huyện Con Cuông (Nghệ An) hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho lao động địa phương
Tiểu dự án Hỗ trợ việc làm bền vững: Một số vướng mắc cần tháo gỡ
Huyện Yên Dũng (Bắc Giang): Đẩy mạnh tuyên truyền, kết nối việc làm cho người nghèo
Đồng Tháp nỗ lực triển khai Dự án “Hỗ trợ việc làm bền vững”
Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm ở An Giang