An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Chủ động hội nhập quốc tế về lao động - xã hội giai đoạn 2022-2025
12:52 PM 22/12/2021
(LĐXH) - Ngày 21/12, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức Hội thảo Xây dựng Kế hoạch tổng thể triển khai Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội giai đoạn 2022-2025 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến...

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về “Kế hoạch tổng thể triển khai chiến lược hội nhập quốc tế về LĐXH giai đoạn 2022-2025”. Phát biểu khai mạc Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Mạnh Cường cho biết, trong những năm gần đây, việc hội nhập quốc tế của Việt Nam nói chung và của Bộ Lao động Thương binh – Xã hội nói riêng đang diễn ra hết sức mạnh mẽ. Những yếu tố liên quan đến hội nhập quốc tế của 5 năm trước đã có sự chuyển biến so với hiện tại.

Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Mạnh Cường trao đổi tại hội thảo bằng hình thức trực tuyến.

Giai đoạn 2016 – 2020 đã đánh dấu việc mở rộng cơ hội hợp tác, hội nhập quốc tế về lao động và xã hội, với số lượng gia tăng các đối tác quốc tế (từ hơn 40 đối tác giai đoạn 2007 - 2010 lên hơn 70 vào năm 2020), mở rộng về lĩnh vực hợp tác (bảo hiểm xã hội, thị trường lao động, lao động kỳ nghỉ, người có công...), cấp độ hợp tác (đặc biệt hợp tác cấp Cục/Vụ cấp trường...). Hội nhập quốc tế đã góp phần tích cực vào những thành tựu của quốc gia về lao động và an sinh xã hội trong giai đoạn 5 năm vừa qua.

Hội nhập quốc tế về lao động xã hội trong giai đoạn 2016-2020 được thể hiện rõ trong việc Việt Nam đã chủ động tham gia vào các cơ chế, thiết chế quốc tế, hoàn thiện thể chế trên cơ sở tiếp cận các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế về lao động và xã hội; thực hiện lồng ghép, nội luật hóa các cam kết quốc tế, các tiêu chuẩn ASEAN và quốc tế trong xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống quản lý và hệ thống dịch vụ chuyên ngành. Việt Nam đã tham gia hội nhập về lĩnh vực LĐ&XH với các tổ chức trong hệ thống Liên hợp quốc (LHQ), các định chế tài chính quốc tế và khu vực, các tổ chức kinh tế, thương mại khu vực và thế giới, với ASEAN, Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC),v.v...

Bên cạnh đó, sau khi Chiến lược 145 được ban hành, đã có các chỉ đạo, định hướng về hội nhập quốc tế với nhiều vấn đề và yêu cầu mới đặt ra trong hội nhập có liên quan đến ngành LĐXH, đặc biệt là Nghị quyết 06/NQ-TW ngày 5/11/2016 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP và EVFTA; các chỉ tiêu, nhiệm vụ mới về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và chiến lược đến năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII... Do vậy, cần cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch thực hiện Chiến lược 145 giai đoạn 2022- 2025 cho phù hợp với yêu cầu và tình hình mới, tương thích với các quy định và luật chơi chung của các nước ASEAN và quốc tế.

Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Đặng Huy Hồng trao đổi trực tiếp tại hội thảo.

Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực lao động - xã hội cũng được đẩy mạnh qua các kênh hợp tác đa phương, song phương và với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; thu hút thêm được nguồn lực từ bên ngoài , góp phần quan trọng giải quyết các vấn đề LĐ&XH của Việt Nam như phát triển thị trường lao động, quan hệ lao động, phát triển nguồn nhân lực và việc làm; quản lý lao động di cư; phát triển hệ thống an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, trợ giúp xã hội nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương, bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; bình đẳng giới. Về thông tin đối ngoại, trong những năm qua, xu hướng đa dạng hóa hình thức thông tin tuyên truyền ngày càng rõ rệt, đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ công nghệ và mạng xã hội. Do đó, công tác thông tin đối ngoại đã được triển khai thông qua các hình thức hội nghị, hội thảo, in ấn các tài liệu, sản phẩm thông tin trong lĩnh vực lao động và xã hội. Đây cũng là những giải pháp hiệu quả góp phần tích cực vào quá trình hội nhập quốc tế. Đây là thời cơ tốt để tận dụng và đẩy mạnh các hình thức thông tin đối ngoại.

Có thể thấy rằng quá trình hội nhập quốc tế đã hỗ trợ và thay đổi cách tiếp cận trong chuyển dần từ thụ động sang chủ động tham gia, chuyển giao tri thức, kỹ năng quản lý, nhất là tập trung vào nghiên cứu, hoạch định chính sách, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, triển khai thực hiện và đánh giá việc thực thi.

Năng lực quốc gia từ trung ương tới địa phương ngày càng được cải thiện, thể hiện ở tri thức và kỹ năng hội nhập quốc tế dần được nâng cao, hiểu biết tốt hơn các đối tác, tích lũy được nhiều kinh nghiệm về hội nhập, nhất là trong đàm phán, ký kết, gia nhập, tham gia, tổ chức thực hiện các hiệp định và điều ước quốc tế về lao động, xã hội; mối quan hệ phối hợp với các đối tác trong và ngoài nước để thực hiện các cam kết; các chương trình/ dự án hợp tác được thực hiện có tính chuyên nghiệp hơn.

Các đại biểu cũng thống nhất cần tăng cường nguồn lực tài chính cho việc thực hiện các mục tiêu Hội nhập quốc tế về LĐXH. Đồng thời nâng cao năng lực hội nhập quốc tế về LĐXH, đặc biệt chú trọng phát triển mạnh nguồn nhân lực làm công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế có trình độ ngoại ngữ, hiểu biết và các kĩ năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu hội nhập của đất nước.

Lê Minh.
TAG:
Tin khác
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công