Chủ động gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động
(LĐXH) - Trong bối cảnh hiện nay, trước sự vận động, phát triển không ngừng của khoa học- công nghệ và tri thức nhân loại, đặc biệt là trước yêu cầu của toàn cầu hóa, quốc tế hoá- những xu thế vừa là thời cơ, vừa là thách thức- GDNN Việt Nam cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để không chỉ đảm đương được trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trực tiếp phục vụ cho sản xuất kinh doanh, mà còn đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Theo tổng hợp báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, năm 2017 và 2018, tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt cao, khoảng 70-80% tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, ở một số ngành, nghề tại một số cơ sở GDNN, tỷ lệ này đạt trên 90%, đặc biệt có những ngành, nghề 100% sinh viên ra trường có việc làm ngay đúng với chuyên môn được đào tạo. Tại nhiều cơ sở GDNN, các doanh nghiệp ký hợp đồng tiếp nhận sinh viên đến làm việc ngay trong lễ tốt nghiệp, thậm chí ngay từ khi bắt đầu đi thực tập tại doanh nghiệp và có cam kết hoàn lại học phí nếu sinh viên không có việc làm sau đào tạo.
Có thể khẳng định, hệ thống GDNN đã và đang đổi mới khá mạnh mẽ, đồng bộ. Các điều kiện bảo đảm chất lượng GDNN (chương trình đào tạo, nhà giáo, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo) được cải thiện, từng bước hiện đại hóa. Kỹ năng nghề nghiệp của người tốt nghiệp các cơ sở GDNN đã được nâng lên. Bên cạnh đó, bắt đầu hình thành mô hình đào tạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế thông qua các chương trình đào tạo chuyển giao; đáp ứng yêu cầu lao động chất lượng cao cho thị trường lao động trong nước và ngoài nước. Việc tăng cường gắn kết với doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo, giải quyết việc làm cho HSSV sau tốt nghiệp bước đầu đi vào chiều sâu, hoạt động hiệu quả; cơ chế phối hợp 3 bên (Nhà nước- Nhà trường- DN) bắt đầu hình thành và vận hành khá tốt trong thực tiễn.
Tuy nhiên, giáo dục nghề nghiệp vẫn còn nhiều thách thức, trên thực tế, nhận thức về học nghề của xã hội vẫn còn hạn chế, đầu tư của nhà nước và của xã hội, của doanh nghiệp cho giáo dục nghề nghiệp còn rất thấp, tư duy bao cấp của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn lớn, năng lực phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp yếu dẫn đến sự chủ động của doanh nghiệp trong hợp tác với trường nghề còn thấp... Từ thực tế đó, quá trình đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN phải bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, hiệu quả giữa tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển GDNN, tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDNN nhằm khuyến khích năng lực chủ động, sáng tạo của các cơ sở GDNN, tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong phát triển GDNN. Đổi mới GDNN phải đặc biệt coi trọng chất lượng, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng, giữa đào tạo đại trà, diện rộng và đào tạo chuyên sâu, chất lượng cao.
Điều quan trọng tiếp theo đó là cần phải quy hoạch lại mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng mở, đảm bảo quy mô, cơ cấu hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo, gắn với việc hình thành đồng thời các cơ sở GDNN đa ngành và chuyên ngành; tăng cường gắn kết GDNN với thị trường lao động, việc làm bền vững; đẩy mạnh tự chủ của các cơ sở GDNN; chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng trong hệ thống GDNN; phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng cũng như hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực này.
NHB
TAG: