An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Chính thức công bố Tiêu chuẩn cơ sở đầu tiên của ngành Thang máy
03:56 PM 27/03/2024
(LĐXH)- Sau quá trình dự thảo và lấy ý kiến của các cá nhân, tổ chức liên quan, tiêu chuẩn cơ sở ngành Thang máy đầu tiên TCCS 01:2023/VNEA về “Yêu cầu toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy” đã được hoàn thiện và chính thức công bố tại cuộc họp báo diễn ra vào sáng ngày 27/3/2024, tại Hà Nội, do Hiệp hội Thang máy Việt Nam tổ chức.
Thang máy có thể bị trục trặc, sự cố ở bất cứ đâu, từ nhà ở, chung cư tới các tòa văn phòng, trung tâm thương mại,... mặc dù không nằm trong danh sách các tai nạn thường gặp như hỏa hoạn hay tai nạn giao thông, song những sự cố thang máy vẫn dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng tới tính mạng, sức khỏe của con người.
Những tai nạn này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như lỗi cửa thang máy, hệ thống phanh an toàn bị lỗi, sự cố điện/cơ khí,... hay thậm chí là do các loại thang máy tự chế, không đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định pháp luật vẫn “nghiễm nhiên” hoạt động mỗi ngày. Tựu chung vẫn là việc thang máy không được bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa và kiểm định thường xuyên, đúng quy định,... đó là hệ quả của việc chúng ta đang thiếu một tiêu chuẩn ngành thang máy, một hệ thống quản lý, giám sát vận hành thang máy một cách quy mô, bài bản.
Do vậy, Hiệp hội Thang máy Việt Nam đã chủ trì quy hoạch, lập kế hoạch và tiến hành rà soát, giao cho Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy dự thảo, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở ngành thang máy. Sau quá trình dự thảo và lấy ý kiến của các cá nhân, tổ chức liên quan như doanh nghiệp, người tiêu dùng, chuyên gia của các cơ quan liên quan, cơ quan quản lý nhà nước,... tiêu chuẩn cơ sở ngành thang máy đầu tiên TCCS 01:2023/VNEA về “Yêu cầu toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy” đã được hoàn thiện và chính thức công bố.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Hải Đức – Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam cho biết, tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) là thành quả của sự nghiên cứu nghiêm túc của Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy Việt Nam theo phương pháp lấy thang máy làm cốt lõi, người sử dụng thang máy làm trung tâm, tiêu chuẩn ngành. Đồng thời, TCCS hướng đến mục tiêu giải quyết các vấn đề của các bên liên quan trong việc đảm bảo an toàn thang máy: Chủ sở hữu, người sử dụng thang máy, các cơ quan quản lý nhà nước, các cá nhân công tác trong ngành và cả xã hội.

Họp báo công bố Tiêu chuẩn cơ sở ngành Thang máy.

Các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành về thang máy đang tập trung chủ yếu vào các yêu cầu an toàn về thiết kế và lắp đặt, tuy nhiên, giai đoạn sau khi thang máy được đưa vào sử dụng còn khuyết thiếu. Chính vì thế, sự ra đời của TCCS ngành thang máy là hết sức cần thiết.
Ông Nguyễn Huy Tiến – Tổng thư ký Hiệp hội Thang máy Việt Nam cho hay, TCCS đề ra các tiêu chuẩn, các yêu về về công việc phải thực hiện để đảm bảo thang máy hoạt động an toàn và bền lâu, trong đó có 4 nội dung chính:
1.. Các nội dung công việc chi tiết của dịch vụ kỹ thuật thang máy bao gồm: kiểm tra kỹ thuật định kỳ, bảo trì, cứu hộ khẩn cấp, sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn, hiện đại hóa thang máy,...
2.. Các nội dung yêu cầu chủ sở hữu thang máy và người sử dụng thang máy cần thực hiện đảm bảo điều kiện vận hành, tuân thủ nội quy, các hành vi cần thực hiện trong quá trình sử dụng và tình huống khẩn cấp,...
3.. Yêu cầu đối với đơn vị chuyên môn về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, tổ chức sắp xếp nhân sự, kế hoạch về định mức công việc, định mức nhân sự đáp ứng công việc,..
4.. Yêu cầu về trình độ nhân sự kỹ thuật thang máy theo vai trò chức năng như từ nhân viên kỹ thuật (vận hành, bảo trì) đến chuyên gia tổ chức, quản lý.
Bên cạnh đó, TCCS cũng là tài liệu chính thức đầu tiên tại Việt Nam tập trung vào nội dung khuyến cáo tuổi thọ thiết bị - vấn đề quan trọng trong vận hành thang máy dựa trên nghiên cứu, đánh giá và tổng hợp cụ thể.
“Chủ sở hữu hay cơ quan quản lý nhà nước cũng có thể coi TCCS là cơ sở quan trọng, hữu ích để thiết lập ngân sách và mức giá cho việc bảo trì, sửa chữa cũng như tổ chức các bộ phận quản lý và vận hành thang máy đúng cách. Đây cũng là nền tảng để nhà sản xuất cũng như các công ty dịch vụ thang máy lập sổ tay tài liệu liên quan và hướng dẫn vận hành thang máy cũng như lập kế hoạch sản xuất kinh doanh” – ông Tiến nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hải Đức – Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam phát biểu tại cuộc họp báo.

Cũng nằm trong nội dung của TCCS 01:2023/VNEA, hệ thống mã định danh thang máy được Hiệp hội Thang máy Việt Nam giới thiệu về hình thức và tính ứng dụng. Thông qua hệ thống tra cứu mã ID và QRcode, mã định danh thang máy giúp minh bạch hóa thông tin về tình trạng thang máy và gia tăng hiệu quả trong công tác quản lý, sửa chữa, cứu hộ,... của người tiêu dùng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
Trong thời gian tới, Hiệp hội Thang máy Việt Nam tiếp tục có các hoạt động nhằm ứng dụng TCCS vào thực tế ngành thang máy qua các hoạt động phổ biến tới các nhóm đối tượng liên quan, đào tạo, hướng dẫn và xây dựng các công cụ, hệ thống giám sát, quản lý.
Ông Vũ Tiến Thành - Trưởng phòng Quy chuẩn kỹ thuật và Kiểm định kỹ thuật an toàn, Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ- TB&XH) chia sẻ: "Cục An toàn lao động đánh giá rất cao về dự án Mã định danh thang máy do Hiệp hội Thang máy Việt Nam thực hiện. Đây cũng là vấn đề mà Cục và Bộ LĐ- TB&XH tư duy từ nhiều năm nay. Thực tế chúng tôi đã xây dựng được hệ thống dữ liệu về kiểm định thang máy, nhưng để toàn diện cả về vận hành, sử dụng thì chưa. Nhưng đây vẫn là dự án khả thi, và nền tảng từ hệ thống của Hiệp hội Thang máy Việt Nam sẽ là sự hỗ trợ rất lớn."
Theo ông Phùng Quang Minh - Trưởng phòng Tổng hợp kế hoạch, Ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn Quốc gia "thang máy, thang cuốn và băng tải chở người" TCVN/TC 178, các tiêu chuẩn quốc gia chủ yếu được áp dụng tự nguyện từ các cá nhân, tổ chức. Các Tiêu chuẩn cơ sở là rất cần thiết bởi đáp ứng nhu cầu thực tế của ngành, của xã hội. Chúng tôi cũng đánh giá cao và ủng hộ Hiệp hội Thang máy Việt Nam trong việc xây dựng các tiêu chuẩn cơ sở ngành, từ đó có thể đánh giá để nâng các tiêu chuẩn cơ sở này bổ sung vào hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN ./.
Thảo Lan
TAG: Tiêu chuẩn cơ sở đầu tiên của ngành Thang máy
Tin khác
1.337 cơ hội việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan
Hội chợ việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan thành phố Hà Nội năm 2024
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa lao động Việt Nam sang Canada làm việc theo kế hoạch bài bản
Thời gian nộp hồ sơ, chuyển tiền đóng BHXH, BHYT, cấp giá trị sử dụng thẻ BHYT năm 2025
Hơn 2.700 vị trí việc làm tại Ngày hội việc làm lần 2-2024 tại TP.Thủ Đức
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng