Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030
(LĐXH) - Hệ thống giáo dục nghề nghiệp với sự thống nhất trong quản lý nhà nước với tổng số 1.914 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 399 trường cao đẳng, 462 trường trung cấp... đặc biệt, cách nhìn nhận của xã hội về lĩnh vực này đã có sự thay đổi tích cực, tuyển sinh tăng đáng kể... Đây cũng là tiền đề để các nhà hoạch định chiến lược thực hiện phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030.
Vừa qua, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức Hội thảo về quan điểm, mục tiêu, chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, nhiều chuyên gia về lĩnh vực này đã có nhiều ý kiến, trong đó thống nhất một số quan điểm chung về: Công tác tiếp cận xây dựng chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp, kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam; quan điểm, mục tiêu và các đột phá chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030; Các xu hướng dịch chuyển trong thị trường lao động và nhu cầu lao động kỹ năng ở Việt Nam…
Theo đó, chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp được cho là việc xác định định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp của quốc gia trong một giai đoạn nhất định, trên cơ sở kết hợp tổng thể các nguồn lực và đề ra các giải pháp các bước đi để thực hiện mục tiêu trong bối cảnh hội nhập. Việc xây dựng chiến lược được đặt ra trước các yêu cầu về tăng trưởng kinh tế cao và bền vững với khát vọng đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế công nghiệp hóa, hiện hóa và có thu nhập trung bình cao vào năm 2035 hoặc thu nhập cao vào năm 2045. Hiện đại hóa nền kinh tế với nền công nghiệp hiện đại chiếm tỷ trọng cao và giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, trong đó tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 90% GDP, trên 70% lao động của nền kinh tế làm việc trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Các yêu cầu khác từ sự biến đổi cơ cấu dân số, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế. Để đáp ứng các yêu cầu đó cần lực lượng lao động có kỹ năng tay nghề cao, có đủ năng lực tiếp thu công nghệ hiện đại tiên tiến trên thế giới.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng: “Chiến lược luôn có sứ mệnh lịch sử đặc biệt, cần định hình rõ ràng. Đây là cơ hội để đổi mới toàn hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Cơ cấu nguồn nhân lực giáo dục nghề nghiệp phải là một bộ phận của cơ cấu nhân lực quốc gia, chiến lược phát triển nhân lực quốc gia. Chính vì vậy, cần có đánh giá về thành công cũng như những hạn chế của chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn trước đó đồng thời nhận định khoa học về thực trạng nguồn lực hiện có. Đứng trước yêu cầu thay đổi cơ cấu công nghiệp, sự tác động của kinh tế số dẫn đến thay đổi cơ cầu ngành nghề, trong 10 năm tới cơ cấu nghề nghiệp Việt Nam sẽ ra sao, kỹ năng của người lao động thay đổi như thế nào điều này cần định hình rõ…”
Có thể nói, việc xây dựng chiến lược có nhiều thuận lợi bởi hành lang pháp lý hiện nay như Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục sửa đổi, Bộ Luật lao động sửa đổi, tuy nhiên, các giải pháp đưa ra cho chiến lược phải có tính đột phá, huy động tốt các nguồn lực để thúc đẩy phát triển, thay đổi về chất đối với giáo dục nghề nghiệp. Một số vấn đề khác được đề cập như: Đào tạo hệ 9+, hệ trung học chuyên nghiệp, cập nhật kỹ năng cho lao động, mô hình hội đồng kỹ năng nghề, đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, hình thành trung tâm thực hành vùng, phân bổ nguồn lực theo đầu ra là những nội dung mới cần nghiên cứu nhằm từng bước áp dụng vào điều kiện thực tế. Tiếp đó, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm tích hợp vùng thực hiện nhiều chức năng đào tạo bồi dưỡng, chiến lược cần làm rõ cơ chế đặt hàng trong đào tạo để giảm bớt đầu tư từ nguồn kinh phí Nhà nước…
NHB
TAG: