ChicnChill: Đi để trở về và hành trình mang bản sắc Việt Nam ra thế giới của Chicnchill
(LĐXH)- Khởi nghiệp trong giai đoạn thử thách do Covid-19, ChicnChill tìm thấy lối đi riêng cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đan lát cói xiên đầy bản sắc Việt Nam hòa mình vào dòng chảy thế giới. Gõ cửa thương mại điện tử xuyên biên giới, sản phẩm trang trí nhà cửa đan lát Việt Nam đã vươn ra biển lớn, làm đẹp và kết nối con người với thiên nhiên ngay trong không gian sống của mình từ nhiều nơi trên thế giới.
Ý tưởng khởi nghiệp từ những ký ức làng quê
ChicnChill, thương hiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ cói xiên đan lát được thành lập bởi anh Trần Tuấn Dũng, bắt đầu từ những ký ức tuổi thơ của anh. Sinh ra và lớn lên tại một làng quê nhỏ ở Quảng Bình, tuổi thơ của anh gắn liền hình ảnh của bà và mẹ tỉ mẩn đan lát những vật dụng cho gia đình từ tre, nứa, cỏ cói. Hành trình cuộc sống đưa anh sang Nhật du học và tiếp tục làm việc, nhưng những ký ức mộc mạc của làng quê với cỏ cây tre nứa, những bàn tay thoăn thoắt xiên đan vẫn luôn ở đó trong ký ức của người thanh niên Việt trẻ.
“Tôi yêu thiên nhiên Việt Nam. Tôi yêu những bàn tay đan lát của nghệ nhân Việt. Và tôi muốn mang tình yêu này, vẻ đẹp này đến nhiều hơn những ngôi nhà, nơi làm việc, không gian thư giãn. Đó cũng là lý do thương hiệu đồ trang trí nội thất đan lát ChicnChill ra đời”, anh Dũng bồi hồi.
Triết lý ấy cũng được thể hiện rõ qua cái tên ChicnChill của thương hiệu. “Chic” là sự thanh lịch, trang nhã còn “Chill” hướng đến sự thư giãn, ấm cúng. Anh Dũng cho biết muốn mang đến cho những ngôi nhà của khách hàng một cảm giác vừa tao nhã nhưng vẫn phải có sự thoải mái.
Khởi đầu của ChicnChill khá đặc biệt. Khi phần lớn các doanh nghiệp đều thu mình “tránh dịch”, chính anh Dũng đã nhìn thấy ý tưởng để thương hiệu của mình ra đời. Khi giãn cách xã hội được áp dụng, mọi người đều phải ở nhà cũng chính là lúc xu hướng mua sắm đồ nội thất, trang trí nhà cửa lên ngôi, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ.
Bản thân là một kỹ sư không có nhiều kiến thức về thị trường thương mại điện tử lẫn kinh nghiệm kinh doanh, anh Dũng gặp không ít khó khăn trong những ngày đầu ChicnChill hình thành như thiếu nhân lực, thách thức về tài chính, kiến thức vận hành, tìm hiểu thị trường và thị hiếu của khách hàng và vô số những khó khăn không tên khác. Tuy nhiên, bằng quyết tâm, từng nút thắt một đã được anh Dũng tháo gỡ. Để chuẩn bị cho sự ra mắt của ChicnChill, anh và đội ngũ dành ra nhiều tháng tìm tòi trên các website về lối sống ở thị trường Âu Mỹ, nghiên cứu và phân tích các xu hướng trang trí nhà cửa với các vật liệu từ thiên nhiên, từ đó xác định dòng sản phẩm chủ lực đầu tiên của doanh nghiệp, kết hợp yếu tố bản sắc Việt trong chất liệu phối hợp với phong cách lịch lãm trang nhã để bước chân vào thị trường.
Hiểu được đặc tính mây tre cói lá Việt chịu ảnh hưởng bởi độ ẩm, côn trùng, anh Dũng cùng đội ngũ phối hợp với các làng nghề tìm phương án xử lý và cải tiến mỗi ngày trong quá trình sản xuất và ra thành phẩm. Những chiếc đĩa, chiếc giỏ đan cói xiên của ChicnChill mang lại cảm nhận về sự chỉnh chu, kỳ công và tinh xảo từ những đôi tay nghệ nhân làng Việt, ChicnChill sẵn sàng xuất cảng và đặt chân đến thị trường quốc tế từ 2021 ngay trong giai đoạn đại dịch.
Khởi nghiệp địa phương, Thành công quốc tế
Thời gian đầu, ChicnChill tiến hành thử nghiệm kinh doanh một số sản phẩm đồng loạt trên một số nền tảng nhưng không đạt kết quả như kỳ vọng. Nhưng thất bại đã đổi lấy kinh nghiệm để thương hiệu mạnh dạn hơn khi chính thức “lên sàn” Amazon vào đầu năm 2021.
“Global Selling - bán hàng xuyên biên giới giống như một cuốn sách mở cho một người khởi nghiệp trái ngành như tôi. Tôi tham gia các khóa học & chủ động liên hệ để nhận được các tư vấn trực tiếp của đội ngũ Amazon Global Selling Việt Nam để có thêm kiến thức về tính năng, công cụ, nguồn hỗ trợ từ Amazon. Ngoài ra, tôi được truy cập và cập nhật về những xu hướng mua hàng của người tiêu dùng đối với thương hiệu của tôi”, anh Dũng cho biết.
Trong suốt cuộc trò chuyện, nhà sáng lập thương hiệu ChicnChill nhiều lần nhắc và đánh giá cao dịch vụ hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon (Fulfillment by Amazon- FBA) trong việc tạo tiền đề cho những doanh nghiệp start-up như ChicnChill có giải pháp tối ưu về chuỗi cung ứng và dễ dàng mở rộng kinh doanh tại những thị trường lớn đầy cạnh tranh. “Chúng tôi chỉ cần giao sản phẩm vào Trung tâm hoàn thiện đơn hàng của Amazon, sau đó khi có khách đặt hàng, Amazon sẽ giúp đóng gói, giao hàng đến tận tay khách hàng, nhận thanh toán hay thậm chí đổi hoàn khi cần thiết”, anh Dũng chia sẻ thêm. Điều này đã giúp thương hiệu tinh gọn đáng kể nguồn lực và thời gian vận hành để tập trung phát triển hình ảnh và chất lượng sản phẩm.
Điều đáng chú ý, dù là một start-up nhỏ, ChicnChill chú trọng vào khâu xây dựng và phát triển thương hiệu đồng thời kết hợp nhuần nhuyễn các giải pháp quảng cáo và branding cho gian hàng và sản phẩm, thúc đẩy khả năng tiếp cận và tiếp thị đến khách mua hàng. Một đội ngũ riêng được anh Dũng đầu tư để tập trung xây dựng hình ảnh, nội dung, gợi ý cách trang trí, giới thiệu về nguồn gốc sản phẩm ChicnChill đến khách hàng quốc tế một cách chuyên nghiệp, hiện đại và rất cập nhật xu hướng.
Lựa chọn nhóm sản phẩm phù hợp và định hướng kinh doanh dựa vào lợi thế của FBA đã mang đến thành công bất ngờ. Quả ngọt đã đến với ChicnChill chỉ sau một khoảng thời ngắn tham gia xuất khẩu và bán hàng trên Amazon. Cỏ cây, mây tre Việt qua các sản phẩm thủ công trang trí ChicnChill được đón nhận & yêu thích trên Amazon với tỉ lệ tăng trưởng 700% trong vòng 1 năm ra mắt. Trong đó, vào những dịp lễ tết, tốc độ tăng trưởng doanh thu ghi nhận những con số vô cùng ấn tượng.
Tăng trưởng doanh số hay thương hiệu được yêu thích với nhiều đánh gia tích cực là những thành công kinh doanh ban đầu của ChicnChill. Tuy nhiên, theo anh Dũng, với một người khởi nghiệp nhờ “làng” như mình, việc tạo ra công ăn việc làm cho hơn 800 thợ thủ công ở các làng nghề cói xiên Ninh Bình, Nam Định trong suốt hơn 2 năm dịch bệnh vừa qua mang một ý nghĩa của thành công đi liền với trách nhiệm lớn hơn.
“Lớn lên trong sự chở che của làng và giờ có cơ hội đóng góp một điều gì đó cho chính nơi mình sinh ra. Đây chính là điều mà tôi cảm thấy tự hào nhất khi nhìn lại chặng đường của ChicnChill. Trong tương lai, mục tiêu của chúng tôi là đạt mức tăng trưởng 200% đến 300% mỗi năm. Và chúng tôi mong muốn có thể mang sản phẩm đan lát Việt Nam mở rộng sang các thị trường Anh và Châu Âu”, anh Dũng nói.
ChicnChill là hành trình trở về của một người Việt trẻ để tạo ra những giá trị mới cho quê nhà, mở rộng đường cho những sản vật địa phương từ những làng nghề truyền thống đến với thị trường thế giới. Vượt lên trên cả những thành công về mặt kinh doanh hay lợi nhuận, ChicnChill còn mang đến câu chuyện truyền cảm hứng khi tạo ra việc làm cho hàng trăm lao động địa phương và lan tỏa những giá trị, bản sắc quê hương đến với bạn bè quốc tế./.
Thảo Lan
TAG: