Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam
07:01 PM 24/02/2017
(LĐXH)-Ngày 24/2/2016, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội) và Hội đồng Anh đã phối hợp tổ chức buổi Tọa đàm chính sách phát triển và thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Tham dự, có các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia giáo dục từ Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Giáo dục của Quốc hội, Hội đồng Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng Cục dạy nghề, doanh nghiệp và các ngành công nghiệp trong nước và khu vực, các bộ, ngành liên quan và đông đảo các cơ quan báo chí.
Bàn chủ tọa
Hội thảo là buổi tọa đàm chính sách để các nhà quản lý và chuyên gia chia sẻ những hiểu biết và kinh nghiệm quốc tế trong việc thực hiện khung trình độ quốc gia và trao đổi kế hoạch các bước tiếp theo trong việc triển khai thực hiện tại Việt Nam.
Khung trình độ quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 10 năm 2016 bao gồm 8 bậc: Sơ cấp (ba bậc), Trung cấp, Cao đẳng, Đại học, Thạc sỹ và Tiến sỹ. Mỗi bậc học có yêu cầu về khối lượng học tập tối thiểu và miêu tả khái quát về kiến thức và kỹ năng cần đạt được. Việc phê duyệt khung trình độ quốc gia là một dấu mốc quan trọng để tham chiếu bằng cấp của Việt Nam với các quốc gia ASEAN thông qua khung tham chiếu trình độ (AQRF), tăng cường hội nhập trong lĩnh vực nhân lực chất lượng cao.
Để Khung trình độ quốc gia đi vào thực tế, sự tham gia của các tổ chức và chuyên gia quốc tế cũng như các doanh nghiệp sử dụng nhân lực là điều kiện bắt buộc. Trong bài phát biểu của mình tại tọa đàm, bà Cherry Gough, Giám đốc Hội đồng Anh đã khẳng định bốn trọng tâm thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam bao gồm tăng cường sự tham gia của nhà tuyển dụng, hài hòa giáo dục dạy nghề và giáo dục đại học, khung tham chiếu trình độ ASEAN, quản lý và đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, theo đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Tổng cục Dạy nghề, Hội đồng Anh Việt Nam đã và đang thực hiện nghiên cứu khả thi để tiến tới việc thực hiện thí điểm phát triển Khung trình độ quốc gia với trọng tâm là xây dựng chuẩn đầu ra cho các ngành nghề thuộc bốn lĩnh vực bao gồm Kế toán, Xây dựng và Vật liệu, Dệt May và Công nghệ thông tin.
Các đại biểu tập trung lắng nghe các chia sẻ của chuyên gia về Khung trình độ quốc gia
Chuyên gia về khung trình độ quốc gia từ Vương quốc Anh Stirling Wood đã giới thiệu về cách nước Anh bảo đảm sự thống nhất trong việc áp dụng khung trình độ này. Ví dụ, tại Anh, việc thực hiện Khung trình độ quốc gia ở cấp dạy nghề trải qua ba giai đoạn. Trong giai đoạn đầu tiên, sau khi Khung trình độ quốc gia được thông qua về mặt chính sách, các cơ quan kiểm soát và kiểm định sẽ lập ra các tiêu chí kiểm định để các tổ chức cấp bằng hiểu và nắm vững. Trong giai đoạn hai, các tổ chức cấp bằng phối hợp cùng các trường và đơn vị đào tạo, tổ chức ngành nghề và các doanh nghiệp phát triển bộ chuẩn đầu ra cho từng ngành nghề và bằng cấp tương ứng. Chuẩn đầu ra này được trình lên các tổ chức kiểm định phê duyệt và công nhận. Trong giai đoạn ba, các cơ quan kiểm định sẽ liên tục thanh tra chất lượng để đảm bảo các tổ chức cấp bằng hoạt động hiệu quả nhất. Trong quá trình thanh tra này, các cơ quan kiểm định sẽ phải điều chỉnh chuẩn đầu ra để đảm bảo chuẩn này vận hành theo yêu cầu thực tế, thay vì cố định qua thời gian. Chuẩn đầu ra sau khi được điều chỉnh và cập nhật lại quay trở lại cơ quan kiểm định để thông qua trước khi đưa vào thực hiện.
Để đảm bảo hiệu quả, chuẩn đầu ra được chia nhỏ theo từng tiêu chuẩn kỹ năng cụ thể. Điều này giúp cho tất cả các bên liên quan nắm rõ chuẩn đầu ra cũng như tiêu chí đánh giá, tránh những mơ hồ khi thực hiện. Ví dụ, với kỹ năng Dịch vụ Khách hàng bậc 1 trên khung trình độ, một trong những tiêu chuẩn sinh viên cần đạt là hiểu về những giá trị mà dịch vụ khách hàng tốt mang lại. Tiêu chí đánh giá bao gồm việc sinh viên nêu được những lý do tại sao dịch vụ khách hàng tốt lại quan trọng và đưa ra những ví dụ việc dịch vụ không tốt có thể ảnh hưởng như thế nào đến khách hàng, tổ chức và nhân viên.
Những ví dụ và tiêu chí trên tuy không phải là mới trong quy trình kiểm tra đánh giá kỹ năng trong các tổ chức đào tạo tại Việt Nam; tuy nhiên, khi chúng được hệ thống tỉ mỉ thành văn bản, được sử dụng thống nhất trong tất cả các tổ chức đào tạo và được kiểm định liên tục thì giá trị của chúng trong việc chuẩn hóa đầu ra là rõ ràng. Với hệ thống chuẩn đầu ra tương ứng với khung trình độ như vậy, nhân lực của một quốc gia sẽ có lợi thế cạnh tranh rất lớn khi ứng tuyển quốc tế khi từng kỹ năng nhỏ được chuẩn hóa để tiện so sánh và đối chiếu.
Trong hơn ba năm qua, Hội đồng Anh Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Giáo dục Đào tạo và Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội) trong việc tổ chức các hội thảo quốc tế và các hoạt động tập huấn xây dựng năng lực về khung trình độ quốc gia. Những hoạt động này giúp chia sẻ những bài học và cách thức thực hiện tốt nhất của quốc tế cũng như cách tiếp cận linh hoạt giúp Việt Nam tiết kiệm nguồn lực trong quá trình đổi mới giáo dục, chuẩn hóa trình độ và tăng cường năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực.
Mỹ Hạnh
TAG:
Tin khác
1.337 cơ hội việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan
Hội chợ việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan thành phố Hà Nội năm 2024
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa lao động Việt Nam sang Canada làm việc theo kế hoạch bài bản
Thời gian nộp hồ sơ, chuyển tiền đóng BHXH, BHYT, cấp giá trị sử dụng thẻ BHYT năm 2025
Hơn 2.700 vị trí việc làm tại Ngày hội việc làm lần 2-2024 tại TP.Thủ Đức
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng