An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Chế độ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và những kiến nghị, đề xuất
05:20 PM 22/06/2022
(LĐXH) – Sau 5 năm thực hiện Chính sách Bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) theo Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách Bảo hiểm TNLĐ, BNN cũng còn một số khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.
Chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN được quy định tại Mục 3 Chương III của Luật ATVSLĐ và các nghị định, thông tư hướng dẫn chi tiết, với các nội dung chính: Điều kiện hưởng, mức hưởng trợ cấp một lần, hàng tháng, chết do TNLĐ, BNN; triển khai các hoạt động phòng ngừa, chuyển đổi nghề nghiệp; chế độ dưỡng sức, phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình; trợ cấp phục vụ; hồ sơ, thủ tục.
Mức đóng và phương thức đóng vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN được điều chỉnh linh hoạt qua các thời kỳ, phù hợp với điều kiện thực tiễn, tạo điều kiện tối đa cho người sử dụng lao động, người lao động. Căn cứ vào khả năng đảm bảo cân đối Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN, Chính phủ đã xem xét giảm mức đóng từ mức tối đa tương đương 1% quỹ tiền lương theo quy định tại Luật ATVSLĐ xuống còn 0,5% theo quy định tại Nghị định số 44/2017/NĐ-CP kể từ ngày 01/6/2017; các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN có thể được xem xét giảm mức đóng xuống 0,3% kể từ ngày 15/7/2020 khi đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định tại Nghị định số 58/2020/NĐ-CP. Việc áp dụng mức đóng bằng 0% vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN trong giai đoạn từ ngày 01/07/2021 đến hết 30/6/2022 cũng là chính sách rất kịp thời, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Một số quy định về điều kiện hưởng chế độ TNLĐ, các trường hợp người lao động không được hưởng chế độ TNLĐ trước đây được quy định trong các văn bản dưới Luật đã được luật hóa trong Luật ATVSLĐ. Bổ sung quy định trường hợp người lao động khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các ngành, nghề công việc có nguy cơ bị BNN mà phát hiện bị BNN thì người lao động được giám định và giải quyết chế độ; quy định chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động đối với nhiều người sử dụng lao động. Sửa đổi thống nhất quy định về mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản được quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội. Bổ sung một số nội dung được Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN chi trả như: Chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ, BNN khi trở lại làm việc; chi hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN.
Hồ sơ giải quyết hưởng chế độ TNLĐ, BNN theo Luật ATVSLĐ đã có sự thay đổi theo hướng cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục rườm rà, không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân và doanh nghiệp trong việc tham gia và thụ hưởng chế độ TNLĐ, BNN.
Lãnh đạo Cục An toàn lao động thăm nạn nhân bị tai nạn lao động nhân Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022
Chế độ bảo hiểm TNLĐ đã góp phần giải quyết khó khăn trong cuộc sống cho người lao động và thân nhân gia đình, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm bớt nguy cơ, rủi ro trong lao động, sản xuất kinh doanh.
 Giai đoạn từ năm 2016-2020 đã giải quyết hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN hàng tháng cho 14.255 trường hợp mới, giải quyết hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN một lần cho 30.633 người (trong đó chết do TNLĐ, BNN là 3.517 người). Số người giải quyết hưởng TNLĐ, BNN có xu hướng gia tăng trong giai đoạn từ năm 2016-2019, nhưng giảm vào năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Số chi trợ cấp một lần bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 220 tỷ đồng/năm, tăng gấp 1,75 lần so với số chi bình quân giai đoạn 2013 - 2015, tương ứng tăng 176 tỷ đồng/năm. Số chi trợ cấp hàng tháng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 557 tỷ đồng/năm, tăng gấp 1,6 lần so với số chi bình quân giai đoạn năm 2013 - 2015, tương ứng tăng 212 tỷ đồng/năm. Số chi khám giám định thương tật suy giảm khả năng lao động, chi hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình bình quân giai đoạn năm 2016 - 2020 là 7.2 tỷ đồng/năm. Số chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro, chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp bình quân giai đoạn năm 2016 - 2020 là 2 tỷ đồng/năm, trong đó số chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp chưa phát sinh. Số chi đóng bảo hiểm y tế bình quân giai đoạn 2016 – 2020 là 5 tỷ đồng/năm.
Trong các nội dung được Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN chi trả, số chi trợ cấp TNLĐ, BNN hàng tháng chiếm tỷ trọng lớn nhất: Bình quân giai đoạn 2016 - 2020 số chi trợ cấp TNLĐ, BNN hàng tháng chiếm 70.4% tổng số chi các chế độ từ nguồn Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN. Số chi dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau TNLĐ, BNN và số chi hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình bình quân giai đoạn 2016 - 2020 chiếm tỷ trọng nhỏ nhất lần lượt là 0.08% và 0.23% so với tổng số chi các chế độ từ nguồn Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN cũng còn những hạn chế. Cụ thể như: Việc thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp đối với người bị TNLĐ, BNN theo Điều 55 Luật ATVSLĐ và hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN theo Điều 65 Luật ATVSLĐ còn hạn chế; chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp chưa thực hiện được, chính sách hỗ trợ phòng ngừa TNLĐ, BNN triển khai còn chậm. Thiếu một số hoạt động phòng ngừa cần thiết từ Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN như các hoạt động xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, hoạt động thông tin, tuyên truyền, tư vấn, cải thiện điều kiện lao động, việc triển khai công tác ATVSLĐ tại nơi làm việc.
Nghị định số 88/2020/NĐ-CP quy định hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ, BNN bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên; chưa quy định cho người bị suy giảm khả năng lao động dưới 31%.
Tại Điều 45 Luật ATVSLĐ năm 2015 quy định điều kiện hưởng chế độ TNLĐ đối với người lao động nhưng chưa có quy định hưởng chế độ TNLĐ đối với người sử dụng lao động, trong khi người sử dụng lao động cũng tham gia bảo hiểm TNLĐ, cần xem xét, sửa đổi cho phù hợp.
Đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc theo quy định tại Điều 43 của Luật ATVSLĐ mới chỉ giới hạn đối với khu vực có quan hệ lao động và người lao động có hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên. Bảo hiểm tự nguyện TNLĐ, BNN đã quy định đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Tuy nhiên, đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động dưới 1 tháng, người làm công việc bán chuyên trách ở xã, phường chưa được Luật ATVSLĐ điều chỉnh…
Tại hội nghị tổng kết 5 năm triển khai Luật ATVSLĐ, các đại biểu đến từ các Bộ, Ban, ngành, địa phương đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất như: Cần rà soát, tách riêng nội dung chi mang tính chất khắc phục hậu quả quy định tại Điều 56 của Luật ATVSLĐ; rà soát, bổ sung một số hoạt động phòng ngừa cần thiết vào nội dung chi từ Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN như các hoạt động xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, hoạt động thông tin, tuyên truyền, tư vấn, cải thiện điều kiện lao động, việc triển khai công tác ATVSLĐ tại nơi làm việc, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, không có bộ phận chuyên trách ATVSLĐ để gia tăng giá trị, ý nghĩa của các hoạt động bảo hiểm TNLĐ, BNN.
Đồng thời, rà soát hướng dẫn các thủ tục, hồ sơ hỗ trợ phòng ngừa TNLĐ, BNN theo hướng đơn giản, khả thi hơn, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thực hiện chính sách một cách dễ dàng tại Nghị định 88/2020/NĐ-CP; Rà soát Điều 45 Luật ATVSLĐ năm 2015 để chỉnh sửa phù hợp, mọi đối tượng tham gia bảo hiểm TNLĐ, bao gồm cả người sử dụng lao động khi bị TNLĐ, BNN đều được hưởng chế độ TNLĐ, BNN; Rà soát, bổ sung vào Điều 57 và 58 Luật ATVSLĐ quy định về hồ sơ hưởng chế độ TNLĐ, BNN đối với trường hợp chết người để thuận tiện trong việc áp dụng. Xem xét, cân nhắc thành phần hồ sơ hưởng chế độ TNLĐ để xác định những trường hợp loại trừ không được hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ theo quy định tại khoản 3 Điều 45 và Điều 40 của Luật ATVSLĐ…/.
Minh Cảnh
TAG:
Tin khác
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững
Một số định hướng cho việc làm bền vững ở Kiên Giang
Việc làm bền vững từ sự chủ động kết nối cung - cầu lao động ở Kiên Giang
Huyện Con Cuông (Nghệ An) hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho lao động địa phương
Tiểu dự án Hỗ trợ việc làm bền vững: Một số vướng mắc cần tháo gỡ
Huyện Yên Dũng (Bắc Giang): Đẩy mạnh tuyên truyền, kết nối việc làm cho người nghèo