Cha mẹ lưu ý tuổi dậy thì đang có xu hướng trẻ hóa
(LĐXH)-Trẻ dậy thì sớm đang trở thành mối lo lắng của nhiều cha mẹ, nhất là hiện nay tuổi dậy thì đang có xu hướng trẻ hóa. Thấy ngực của con gái phát triển bất thường trong hai tháng, bé H.A.L (7 tuổi, ở Bắc Giang) được gia đình đưa đến khám tại Phòng khám Đa khoa MEDLATEC Tây Hồ thì được chẩn đoán dậy thì sớm.
Cha mẹ sốc khi bé gái 7 tuổi dậy thì
Cha mẹ nào cũng mong con khỏe mạnh, phát triển, nhưng trẻ phát triển quá nhanh, đặc biệt nếu thấy cơ thể xuất hiện các dấu hiệu của dậy thì sớm, nhất là tình trạng trẻ hóa độ tuổi dậy thì càng trở thành mối quan tâm, lo lắng của nhiều bậc cha mẹ.
ThS.BS Ngô Thị Cam - Chuyên khoa Nhi, Phòng khám Đa khoa MEDLATEC Tây Hồ cho biết, dậy thì sớm khi trẻ có các dấu hiệu dậy thì bắt đầu trước 9 tuổi ở bé trai và trước 8 tuổi với bé gái. Bé trai thường có biểu hiện chiều cao tăng nhanh, phát triển dương vật, mọc lông mu, lông lách, giọng ồm... Ở bé gái, dậy thì sớm có dấu hiệu như tuyến vú phát triển, xuất hiện lông mu, kinh nguyệt, mụn trứng cá, xuất hiện mùi cơ thể.
Hai tháng trở lại đây, gia đình thấy bé H.A.L, 7 tuổi phát triển nhanh chóng tuyến vú. Quá lo lắng trước dấu hiệu bất thường đó, gia đình quyết định đưa bé L., đến Phòng khám Đa khoa MEDLATEC Tây Hồ thăm khám thì thật ngỡ ngàng với chẩn đoán xác định dậy thì sớm.
Thăm khám bé L., có ngực phát triển tương đương độ II Tanner, chưa có lông mu, chưa lông nách và chưa có kinh nguyệt. Do đó, để chẩn đoán chính xác, bác sĩ chỉ định bé làm các phương pháp cận lâm sàng gồm chụp X-quang, siêu âm tử cung - phần phụ, xét nghiệm nội tiết.
Dựa vào các “tiêu chuẩn” vàng, bé L., được chẩn đoán xác định là dậy thì sớm với kết quả chụp X-quang tuổi xương tương đương 8 tuổi. Kết quả xét nghiệm nội tiết có LH: 0.934 mIU/mL; FSH: 4.82 mIU/mL; Estradiol: 21.75 pg/mL.
Vô cùng bất ngờ với chẩn đoán dậy thì sớm, nhưng gia đình bé L., cảm thấy may mắn khi con được thăm khám kịp thời, chẩn đoán chính xác, sau đó đã được điều trị nội tiết để làm chậm lại tốc độ tăng trưởng và tốc độ dậy thì.
“Với những trẻ dậy thì sớm, nếu được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ làm chậm lại quá trình dậy thì sớm, giúp bố mẹ không chỉ an tâm con phát triển chiều cao lý tưởng, bảo đảm học tập như bạn bè cùng trang lứa. Đồng thời, làm giảm áp lực tâm sinh lý ở trẻ, hạn chế các hệ lụy khôn lường gây nên như quan hệ tình dục sớm làm tăng tỷ lệ nạo, phá thai, tăng nguy cơ mắc hội chứng buồng trứng đa nang khi trưởng thành với các bé gái” - BS Cam chia sẻ.
Nguyên nhân gây dậy thì sớm ở trẻ
Theo bác sĩ Cam, trẻ dậy thì sớm có thể do nhiều nguyên nhân gây nên, cụ thể:
Đối với bé bé trai:
- Dậy thì sớm thực sự (trung ương): Tự phát không rõ nguyên nhân; Tổn thương hệ thần kinh trung ương: ứ nước não thất, viêm não, u não, u xơ thần kinh, u mô thừa, chất thương, tổn thương sau nhiễm khuẩn, bất thường cấu trúc. Nguyên nhân khác: thiểu năng giáp kéo dài.
- Dậy thì sớm giả (ngoại biên):
+ Tinh hoàn: U, quá sản tế bào Leyding, sử dụng nhiều androgen.
+ Thượng thận: Tăng sản thượng thận bẩm sinh, u thượng thận, bệnh Cushing, u sản sinh ACTH.
Đối với bé gái, nguyên nhân gây dậy thì sớm gồm:
- Dậy thì sớm trung ương (phụ thuộc GnRH):
+ Tự phát: Nhiều ở trẻ gái hơn trẻ trai, một số có tính chất gia đình.
+ Tổn thương hệ thần kinh trung ương: U não, u xơ thần kinh, u mô thừa, tổn thương do chấn thương, tổn thương sau nhiễm khuẩn, bất thường cấu trúc.
- Dậy thì sớm ngoại biên:
+ Buồng trứng: U buồng trứng, nang buồng trứng, u nguyên thủy nam hóa buồng trứng.
+ Thượng thận: U thượng thận, tăng sản thượng thận bẩm sinh, bệnh Cushing.
+ Sử dụng nhiều estrogen.
Xét nghiệm hormone có giá trị cho dự đoán dậy thì sớm
Ngoài ra, trẻ dậy thì sớm có thể do nguyên nhân khác như nguồn gốc thực phẩm không rõ ràng, chế độ sinh hoạt thiếu khoa học... Do đó, cha mẹ khi vui chơi cùng con, nếu quan sát trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường về dậy thì sớm thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời. Đồng thời, cha mẹ nên bình tĩnh giải thích cho con sự thay đổi sinh lý này để trẻ tránh quá sốc, lo lắng về những thay đổi bất thường này.
Cách chẩn đoán sớm dậy thì sớm
Để chẩn đoán dậy thì sớm bên cạnh dựa vào lâm sàng như thay đổi về chiều cao cân nặng, vỡ giọng, mụn trứng ca, mọc lông ở mu, nách... thì cần dựa vào trên cận lâm sàng, gồm:
- Siêu âm: Đối với bé gái siêu âm ổ bụng, tử cung, buồng trứng và siêu âm tinh hoàn ở bé trai.
- Chụp X-quang cổ tay giúp xác định độ trưởng thành xương: Thông thường dậy thì sớm tuổi xương hơn 1 tuổi so với tuổi thật.
- Xét nghiệm nội tiết: FSH, LH, Testosteron, Estrogen… Dậy thì sớm thể trung tâm: LH ≥ 0.3 IU/L hoặc LH kích thích ≥ 5 IU/L. Xét nghiệm tuyến giáp.
- Ngoài ra, trong một trường hợp có thể được chỉ định chụp CT, MRI
PV