CCB Bắc Giang giúp nhau giảm nghèo góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, hạn chế tái nghèo.
(LĐXH) - Phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, cán bộ, hội viên Hội CCB Bắc Giang cùng các cấp huyện và UBND tỉnh luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, tích cực thi đua sản xuất, phát triển các ngành nghề trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, trồng rừng, chế biến, bảo quản, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ…, đã góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, hạn chế tái nghèo, đảm bảo đời sống an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, nâng tỷ lệ hộ hội viên khá, giàu, giảm tỷ lệ hộ hội viên nghèo đáng kể so với năm 2016.
Tính đến tháng 6/2021: Hộ khá, giàu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 85.149 hộ (76,64%), tăng 16.434 hộ = 10,64 %; hộ trung bình có 22.317 hộ (20,08%), giảm 1.060 hộ = 4,75%; hộ cận nghèo có 2.413 hộ (2,17%), giảm 1.829 hộ = 1,93%; hộ nghèo có 1.235 hộ (1,11 %), giảm 4.922 hộ = 4,89%. (năm 2016: Hộ nghèo có 6.157 hộ chiếm 6 %). Trong số hộ nghèo nói trên có 81 hộ nghèo chiếm 0,08% thuộc đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
Đời sống, vật chất, kinh tế của hội viên CCB Bắc Giang ngày càng được cải thiện, nhiều hội viên đã xây mới được những ngôi nhà khang trang. Tuy nhiên, còn nhiều hội viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, phải ở trong những ngôi nhà tạm, nhà dột. Hưởng ứng cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Trung ương Hội CCB Việt Nam và UBMTTQ tỉnh Bắc Giang hằng năm phát động giúp đỡ hội viên xây mới, sửa chữa xóa nhà dột, nhà tạm, Thường trực Hội CCB tỉnh đã vận động các cấp Hội và hội viên CCB quyên góp tiền ủng hộ, xây dựng “Quỹ Nghĩa tình Cựu chiến binh”. Đến tháng 6/2021, đã xoá được 478/555 nhà dột, nhà tạm, tổng kinh phí hỗ trợ xây dựng 14 tỷ 340 triệu đồng, trong đó: Các tổ chức Hội chính trị-xã hội ở địa phương và gia đình hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp 421 nhà trị giá 10 tỷ 350 triệu đồng; Hội CCB tỉnh hỗ trợ xây mới 57 nhà, tổng trị giá 3 tỷ 990 triệu đồng trích từ Quỹ “Nghĩa tình Cựu chiến binh” và các nguồn tài trợ khác.
Bên cạnh việc chăm lo đời sống, vật chất, tinh thần cho hội viên, Hội CCB tỉnh phối hợp với các Trrung tâm bồi dưỡng và đào tạo nghề trong tỉnh tập huấn hướng dẫn, tạo điều kiện giúp các tổ chức Hội và hội viên đẩy mạnh chuyển đổi mô hình sản xuất, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, quan tâm giải quyết việc làm sau đào tạo. Đến tháng 6/2021 đã giải quyết được việc làm mới cho 6.750 người, trong đó: Xuất khẩu lao động 572 người; giới thiệu việc làm trong nước 3.676 người, tạo việc làm từ các dự án mới cho 735 người, góp phần tạo việc làm và có thu nhập ổn định cho các hội viên trong tỉnh.
Trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2021, Chính phủ đã ban hành nhiều Chương trình, cơ chế, chính sách giảm nghèo, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Để tiếp cận được các nguồn vốn, Hội CCB các cấp đã tích cực tuyên truyền các chủ trương về giảm nghèo, phối hợp chặt chẽ với NHCSXH nhận ủy thác, thành lập các tổ vay vốn và tiết kiệm, khuyến khích tạo mọi điều kiện cho các hộ hội viên nghèo tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng. Đến nay, toàn tỉnh có 415 tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội CCB quản lý hoạt động ở 155/209 xã. Thông qua các tổ vay vốn và tiết kiệm đã có 15.000 hộ được vay vốn NHCSXH với tổng số tiền hơn 611 tỷ đồng, tăng 313 tỷ so với năm 2016, gửi tiết kiệm được hơn 27 tỷ đồng. Chất lượng hoạt động ủy thác của các tổ tiết kiệm và vay vốn: Tổ tốt và khá chiếm 98,7%, không có tổ yếu; tỷ lệ nợ quá hạn đạt 0,07%.
Ngoài nguồn vay vốn ưu đãi từ các NHCSXH, Hội viên CCB các cấp còn được vay 150 tỷ từ các tổ chức tín dụng khác để phát triển kinh tế; vay vốn từ Chương trình 120 hỗ trợ việc làm, trong đó: Nguồn vốn của TW Hội có 635 triệu đồng; nguồn vốn của địa phương hơn 36 tỷ 881 triệu đồng; vay hơn 155 tỷ đồng từ Quỹ nội bộ do Hội CCB cơ sở vận động quyên góp giúp nhau phát triển kinh tế không lãi hoặc lãi suất thấp. Nhiều đơn vị có Quỹ Hội cao như Hội CCB huyện: Hiệp Hòa, Lạng Giang, bình quân 535.000đ/ hv, có Hội đạt bình quân 800.000đ/hv. Quỹ Hội đã góp phần không nhỏ cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn được vay kịp thời mà không phải qua nhiều thủ tục, lãi suất thấp (có nơi không lấy lãi), tạo sự gắn bó tình cảm đồng đội, đồng chí.
Trong 5 năm qua, Hội CCB các cấp đã huy động từ các nguồn vốn được hơn 1.200 tỷ, đang quản lý 57 dự án kinh tế, giải quyết việc làm cho 515.000 lao động, đây là một nguồn lực quan trọng để giúp CCB tỉnh Bắc Giang phát triển sản xuất, kinh doanh, có việc làm ổn định, tăng thu nhập cho gia đình, giúp gần 5.000 hộ hội viên thoát nghèo một cách bền vững; nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã do hội viên CCB làm chủ phát triển sản xuất theo hướng áp dụng công nghệ cao, tạo ra nhiều sản phẩm thương hiệu có giá trị cạnh tranh, xuất khẩu, hội nhập sâu vào thị trường thế giới; nhiều hội viên trở nên giàu có. Nhìn chung đời sống kinh tế của các gia đình hội viên CCB có sự chuyển biến nhanh, mức sống cao hơn mức sống của người dân tại cộng đồng dân cư. Tóm lại: Từ các nguồn vốn vay nói trên đã được hội viên CCB sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả thiết thực, nhờ đó đã khắc phục được tình trạng thiếu đất, thiếu vốn sản xuất, thiếu việc làm, loại trừ được quỹ tín dụng đen, giảm các tệ nạn xã hội, từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hội nhập kinh tế quốc tế của hội viên.
Lê Minh.
TAG: