An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau: Mô hình sinh hoạt nhân văn, thiết thực của người cao tuổi ở Lai Châu
06:41 PM 16/11/2021
(LĐXH)-Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau là một trong những mô hình ý nghĩa, nhân văn ở Lai Châu, được thành lập nhằm thực hiện tốt công tác chăm sóc, phát huy và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người cao tuổi. Đây thật sự là mái nhà chung, là sân chơi bổ ích, thiết thực, phù hợp với nhu cầu, tâm lý, lứa tuổi của người cao tuổi.
Bản Hưng Phong thuộc xã Bản Bo, huyện Tam Đường có Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau hoạt động rất hiệu quả, rất thiết thực, nhất là khi nơi đây lại ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.
Theo ông Phạm Đình Bằng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ, Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau bản Hưng Phong được UBND xã ra quyết định thành lập năm 2018. Ban đầu, gặp rất nhiều khó khăn do người đứng đầu còn thiếu kinh nghiệm cộng với sự thiếu thốn về vật chất. Tuy nhiên, Câu lạc bộ lại nhận được sự quan tâm của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và Hội Người cao tuổi xã nên ngày càng hoạt động tốt, có nề nếp, giúp nhiều thành viên là bà con dân tộc, người nghèo, người cao tuổi nâng cao đời sống vật chất và sức khỏe.
Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau bản Hưng Phong hoạt động trên cơ sở phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ủy viên trong Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ, có quy chế hoạt động và kế hoạch hằng năm với nhiều hoạt động đa dạng trên nhiều lĩnh vực, từ giúp nhau vay vốn phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo đến chăm sóc sức khỏe, khám bệnh định kỳ, hoạt động thể thao, văn hóa văn nghệ…
Một buổi sinh hoạt tại Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau bản Hưng Phong thuộc xã Bản Bo, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu
Bà Đinh Thị Ngọt - Tổ trưởng Tổ chăm sóc sức khỏe của Câu lạc bộ cho biết: Tổ chăm sóc sức khỏe của bà có 5 thành viên, hằng tháng đều tổ chức cân đo, kiểm tra huyết áp cho các thành viên vào kì sinh hoạt và phân công nhau chăm sóc tại nhà giúp đỡ cho những những thành viên khó khăn không đi lại được. CLB đã tạo ra cuộc sống vui khỏe gắn kết tình làng ngõ xóm, giúp các thành viên phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Đến đây, ai cũng được múa hát, sinh hoạt thể dục thể thao. Về nhà vui vẻ hơn, ăn ngon hơn ngủ ngon hơn. Vì thế mà lãnh đạo xã, thôn đều là thành viên CLB.
Bà Phạm Thị Huệ, 75 tuổi, quê ở Thái Bình lên đây từ năm 1978. Bà từng là cô giáo bản nhưng nay đã về hưu và luôn tích cực tham gia vào Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau ở bản nơi mình sinh sống. Tham gia Câu lạc bộ, bà thường xuyên ca hát, luyện tập dưỡng sinh với bà con ở bản đều đặn. Vì vậy, tinh thần bà nay rất thoải mái và khỏe mạnh hơn, bớt đi những cơn cao huyết áp và đau mỏi xương cốt.  
Bên cạnh đó, nhiều bà con sinh hoạt Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau ở bản Hưng Phong còn được giúp đỡ về vốn và kiến thức để tự làm kinh tế, tăng thu nhập. Ban đầu, Câu lạc bộ được “rót vốn” 25 triệu đồng nguồn vốn hỗ trợ ban đầu của Nhà nước. Bằng nhiều hình thức huy động phong phú như vận động hội viên đóng góp, cho mượn không lấy lãi, thu phí sinh hoạt CLB, thu lãi từ cho vay phát triển kinh tế… đến nay Câu lạc đã có 155 triệu đồng. Nguồn vốn này đã được triển khai cho 9 thành viên ở bản tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ vay đầu tư phát triển sản xuất, mở rộng ngành nghề dịch vụ, buôn bán nhỏ… từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Cùng với cho vay vốn, CLB còn tổ chức các tổ nhóm tương trợ giúp đỡ nhau, vừa bảo toàn nguồn vốn, vừa tăng nguồn thu như hỗ trợ kĩ thuật, giống, vốn… Tiêu biểu các mô hình trồng chè của ông bà Nguyễn Thị Nụ, Nguyễn Thị Diện, Nguyễn Thị Là, Phạm Thị Phú; nuôi thủy sản của ông Phạm Văn Bằng; mô hình kinh doanh dịch vụ của một số thành viên khác.
Có thể nói, Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau ở bản Hưng Phong nói riêng và ở tỉnh Lai Châu nói chung là một tổ chức xã hội tự nguyện tại cộng đồng, tập hợp nhiều đối tượng, nhiều lứa tuổi ở cộng đồng, trong đó phần lớn là người cao tuổi, người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ. Họ có tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống.
Gia đình bà Nguyễn Thị  Bé (tổ 8, phường Quyết Tiến, thành phố Lai Châu) được hỗ trợ vay vốn từ CLB liên thế hệ tự giúp nhau để mở rộng mô hình nuôi dê 
Được biết, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành theo Quyết định số 307/QĐ-UBND ngày 5/4/2017 phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2017 – 2020.  Ban Công tác Người cao tuổi tỉnh chủ trì hội nghị triển khai thực hiện và thành lập Ban Điều hành đề án do Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh làm Trưởng ban, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm Phó Trưởng ban, đại diện lãnh đạo các ngành có liên quan làm ủy viên.
Tiếp đó, Ban Thường vụ Hội Người cao tuổi tỉnh ban hành kế hoạch hướng dẫn thực hiện; xây dựng điểm 4 Câu lạc bộ; tập trung chỉ đạo những nhiệm vụ trọng tâm như khảo sát, lập danh sách hội viên, ban chủ nhiệm; huy động nguồn lực; tổ chức ra mắt và đi vào hoạt động. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 25 Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau ở 25 xã, phường, thị trấn của 8/8 huyện, thành phố, thu hút 1.064 người cao tuổi tham gia, trong đó có 15% gia đình người cao tuổi nghèo, cận nghèo, khó khăn.
Cùng với số vốn trợ giúp của Nhà nước, các Câu lạc bộ đã tích cực tuyên truyền, vận động
các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm quyên góp ủng hộ xây dựng, phát triển Quỹ tăng thu nhập vì người cao tuổi nghèo, khó khăn. Đến nay, với số Quỹ tăng thu nhập của 25 Câu lạc bộ đã có 1,5 tỷ đồng giúp cho 260 lượt người cao tuổi nghèo, khó khăn vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, xóa đói giảm nghèo.
Nhằm nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho các hội viên, các Câu lạc bộ liên thế hệ trên địa bàn tỉnh đã triển khai đa dạng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, dưỡng sinh tâm thể, khiêu vũ thể thao để các thành viên sinh hoạt đều đặn, có nơi để rèn luyện sức khỏe. giải tỏa tinh thần, chia sẻ với nhau những niềm vui, nỗi buồn và khó khăn trong cuộc sống.
Người cao tuổi, người nghèo, người dân tộc bị bệnh còn được Các Câu lạc bộ cùng với các cơ sở y tế phổ biến kiến thức, tư vấn miễn phí về sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ, cấp kính thị lực, kiểm tra cân nặng, đo huyết áp, cấp thuốc miễn phí và hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho NCT.
Tham gia Câu lạc bộ liên thế hệ, các thành viên còn được phân công giúp đỡ những gia đình có người cao tuổi ốm đau, bệnh tật tại nhà, giúp đỡ các thành viên khó khăn, neo đơn, không nơi nương tựa…, giúp đỡ nhau khi các thành viên có lời nhờ trong những dịp đặc biệt như thu hoạch cây trồng khi đến mùa vụ, cưới hỏi, làm nhà mới, tang lễ. Các Câu lạc bộ cũng vận động bà con giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo phong trào vệ sinh thôn, bản, nơi công cộng xanh, sạch, đẹp ở cả thành thị lẫn vùng sâu vùng xa; tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, tỉnh, thành phố đến nhân dân trong các buổi sinh hoạt định kỳ.
Với những việc làm nhân văn, thiết thực, Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau ở Lai Châu đã phát huy vai trò của các thành viên Câu lạc bộ nói riêng, người cao tuổi nói chung và được các cấp, các ngành chức năng ghi nhận và đánh giá cao. Thông qua hoạt động, Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đã từng bước khẳng định là mô hình hiệu quả nhằm thích ứng với tình trạng già hóa dân số ngay tại cộng đồng và phù hợp điều kiện kinh tế, văn hóa - xã hội ở Việt Nam nói chung và Lai Châu nói riên. Câu lạc bộ đã mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội, cộng đồng và đặc biệt là người cao tuổi, người nghèo có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ, cải thiện về kinh tế, sức khỏe, tinh thần, góp phần làm tốt công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi tại cộng đồng, tạo điều kiện để người cao tuổi tiếp tục đóng góp cho cộng đồng và sống vui, sống khỏe, sống có ích. Dự kiến đến năm 2025, Lai Châu sẽ thành lập mới thêm 47 Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau với bộ máy cán bộ, nhất là ban chủ nhiệm CLB có phẩm chất, uy tín, nhiệt tình và trách nhiệm./.
Mỹ Hạnh
 
TAG:
Tin khác
Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh: Tích cực sàng lọc, trị liệu tâm lý đối với trẻ tự kỷ
Quảng Ninh: Tập trung thực hiện công tác cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai
Bắc Giang: Tăng cường các hoạt động công tác xã hội trong chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Bắc Giang: Đặt mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 50% số cơ sở trợ giúp xã hội có cung cấp dịch vụ công tác xã hội
Bắc Giang: Nâng cao chất lượng dịch vụ công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe người dân
Nhiều hoạt động tri ân thiết thực ở huyện Trực Ninh
Cơ sở Chăm sóc người tâm thần tỉnh Bắc Giang: Nơi gửi gắm niềm tin
Xã Trực Thanh thực hiện tốt chính sách đối với người có công
Nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái tỉnh Quảng Ninh