Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi Hà Nội
(LĐXH) Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau là một tổ chức xã hội tự nguyện tại cộng đồng, tập hợp nhiều đối tượng, nhiều lứa tuổi ở cộng đồng, trong đó phần lớn là người cao tuổi, người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, là phụ nữ, với tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống.
Mô hình này được triển khai nhằm thực hiện Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 17/5/2018 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về thực hiện Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau theo Quyết định số 1533/QĐ-TTg ngày 02/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2012-2020.
Tính đến đầu năm 2021, toàn thành phố Hà Nội đã thành lập được 94 Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau, trong đó có 16 Câu lạc bộ thuộc dự án VIE 070 - Hỗ trợ người cao tuổi thiệt thòi thông qua nhân rộng Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau ở Việt Nam.
Theo đó, tổng số thành viên của các Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau là 5.679 người, trong đó thành viên là người cao tuổi có 4.024 người, thành viên nữ là 4.137 người, 58 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo có 504 người, cô đơn không nơi nương tựa là 222 người và hoàn cảnh khó khăn là 1547 người.
Chúng tôi đã có dịp đến tìm hiểu các hoạt động của Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau ở thôn Lầy, xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ. Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Chức, Phó Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi huyện Phúc Thọ cho biết: Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau thôn Lầy, xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ được thành lập ngày 19/7/2018. Câu lạc bộ hiện có hơn 60 thành viên, trong đó 70% thành viên là người cao tuổi. Ban chủ nhiệm đều là người cao tuổi, Câu lạc bộ được chia làm 4 tổ theo địa bàn khu dân cư, có tổ trưởng và tổ phó. Hằng tháng, Câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt một lần theo các mảng nội dung.
Theo đó, các thành viên Câu lạc bộ được truyền thông nhiều vấn đề bổ ích, thiết thực, như: Truyền thông về quyền và lợi ích; các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người cao tuổi; việc chăm sóc sức khỏe; các bệnh thường gặp và cách thức phòng ngừa, điều trị ban đầu của người cao tuổi và cộng đồng; tiến hành đo huyết áp cho các thành viên; phương pháp, cách làm một số sản phẩm đơn giản ở địa phương để phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập cho người cao tuổi…; tổ chức các tiết mục văn nghệ, thể dục dưỡng sinh; tổ chức các trò chơi phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của người cao tuổi; tổ chức sinh nhật cho các thành viên…
Là một thành viên được vay vốn từ Câu lạc bộ, bác Đặng Thị Nguyên cho biết: “Từ ngày tham gia Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau, tôi cảm thấy rất vui và có ích khi được học hỏi nâng cao kiến thức, được chăm sóc sức khoẻ và đời sống tinh thần. Đặc biệt, nhờ được vay vốn 5 triệu đồng từ Câu lạc bộ, tôi đã mở rộng diện tích trồng rau sạch tại nhà, mỗi tháng thu nhập gần chục triệu đồng từ vườn rau này. Cuộc sống của tôi trở nên ổn định, bản thân cũng tự tin hơn rất nhiều”.
Sau 3 năm ra mắt và đi vào hoạt động, kết quả bước đầu của Câu lạc bộ rất thiết thực. Định kỳ hằng tháng sinh hoạt đều đặn, nền nếp, nội dung phong phú, bổ ích. Các hội viên được nâng cao sức khoẻ, đời sống tinh thần, được vay vốn, hỗ trợ kĩ thuật học hỏi và áp dụng hiệu quả sản xuất giá đỗ, trồng rau sạch tự chủ được kinh tế trong cuộc sống, giúp họ tự tin và yêu đời hơn.
Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau đến thăm hỏi người già neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn
Đặc biệt, các hội viên còn tự nguyện giúp đỡ những người già neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn bằng các việc làm thiết thực như nấu ăn, quét dọn nhà cửa, giặt giũ quần áo, hướng dẫn chăm sóc sức khoẻ… Điển hình như cụ Đặng Thị Mai - một người già neo đơn, bị tim và khuyết tật bẩm sinh đã được hội viên Câu lạc bộ thay nhau đến chăm sóc sức khoẻ và giúp đỡ việc nhà, cơm nước giúp cụ có chỗ dựa về tinh thần lúc tuổi già, ốm đau, bệnh tật.
Ông Đặng Quang Tuyên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vân Phúc, cho hay: Mô hình này được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận và đánh giá cao. Đây là mô hình cơ bản đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi, thích ứng với tình hình già hóa dân số, phù hợp với tâm lí, sức khỏe, nhu cầu của người cao tuổi và điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa xã hội. Thời gian tới, chủ trương của xã sẽ nhân rộng mô hình này tới 5 thôn còn lại.
UBND thành phố Hà Nội giao các cấp, các ngành đến năm 2025, xây dựng mới ít nhất 120 câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau, bảo đảm ít nhất mỗi quận, huyện, thị xã có từ 4 câu lạc bộ mới, thu hút khoảng 6.000 người tham gia.
Đây là những mục trong Kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 22-1-2021 của UBND thành phố về thực hiện đề án nhân rộng mô hình câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau đến năm 2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Cùng với đó, các cấp, các ngành chú trọng nhân rộng mô hình câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau tại các địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động, quản lý 100% câu lạc bộ đã xây dựng trong giai đoạn 2016-2020 và các câu lạc bộ mới được xây dựng.
Theo Kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 22-1-2021, UBND thành phố yêu cầu tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau nhằm duy trì, tiếp tục nhân rộng, huy động sự tham gia của người cao tuổi, Hội Người cao tuổi thành phố, các cấp, các ngành, cộng đồng để nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người cao tuổi; chăm sóc sức khỏe, giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, bảo vệ quyền lợi người cao tuổi…
Các câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau phải bảo đảm chất lượng về cơ cấu, thành phần; có ít nhất 70% câu lạc bộ thực hiện đủ các hoạt động, được quản lý tốt để có ít nhất 50% thành viên có nhu cầu được vay vốn để sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, mọi thành viên được nâng cao sức khỏe về thể chất, tinh thần, nâng cao nhận thức, kiến thức, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người cao tuổi./.
Quang Tuấn
TAG: