Những cái bẫy tinh vi
Theo Công an TP HCM, tội phạm lừa đảo thường giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án, gọi điện đe dọa nạn nhân liên quan đến một vụ án nào đó. Kẻ gian yêu cầu người già chuyển tiền "xác minh" để chứng minh mình vô tội. Vì hoảng sợ, nhiều nạn nhân đã chuyển khoản hàng tỷ đồng mà không hay biết mình bị lừa.

Một thủ đoạn phổ biến khác là giả danh bác sĩ, nhân viên y tế, thông báo con cháu nạn nhân bị tai nạn giao thông nghiêm trọng, cần chuyển tiền gấp để phẫu thuật. Lợi dụng tâm lý lo lắng, kẻ gian yêu cầu nạn nhân chuyển tiền ngay, thậm chí dùng công nghệ cao gọi video call để tạo lòng tin.
Ngoài ra, tội phạm mạng còn giả danh nhân viên nhà mạng, hỗ trợ nâng cấp SIM 4G/5G, nhưng thực chất nhằm chiếm đoạt tài khoản ngân hàng. Một số đối tượng còn sử dụng công nghệ Deepfake AI giả giọng nói, khuôn mặt người thân để lừa đảo. Các tin nhắn trúng thưởng, nhận quà tặng, chuyển nhầm tiền… cũng là những chiêu trò quen thuộc nhằm chiếm đoạt tài sản của người già.
Cảnh giác để không thành nạn nhân
Trước thực trạng trên, Công an TP HCM khuyến cáo các gia đình cần quan tâm, cảnh báo người lớn tuổi về những phương thức lừa đảo. Khi nhận được cuộc gọi có dấu hiệu đáng ngờ, người già cần bình tĩnh, không vội làm theo yêu cầu của đối tượng và thông báo ngay cho con cháu hoặc cơ quan chức năng.
Người dân không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, mã OTP cho bất kỳ ai; không click vào đường link lạ hay cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, khi bị đe dọa hoặc nhận tin nhắn tống tiền, cần lưu lại bằng chứng và báo ngay cho công an để được hướng dẫn xử lý.
Công an TP HCM khuyến nghị, để bảo vệ người thân khỏi các chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi, các gia đình cần chủ động trang bị kiến thức, hỗ trợ người già sử dụng mạng xã hội một cách an toàn.