Cần thành lập Câu lạc bộ người làm CTXH và nâng cao chất lượng đào tạo nghề CTXH
Tại Hội nghị Chuyên đề về công tác bảo trợ xã hội năm 2016 vừa được Bộ Lao động - TBXH tổ chức, đã có nhiều ý kiến cho rằng cần thiết phải đẩy mạnh công tác truyền thông về nghề CTXH để các cấp, các ngành và người dân hiểu rõ hơn; đồng thời chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực CTXH, tránh tình trạng khủng hoảng thừa, sinh viên ra trường khó tìm được việc làm.
Thành lập Câu lạc bộ những người làm CTXH
Theo ông Trần Ngọc Diễn, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội, trong 5 năm qua, thực hiện Đề án 32 và Đề án 1215, công tác thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức từng bước đưa CTXH thành một nghề chuyên nghiệp ở Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Báo chí không chỉ là một kênh thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về vai trò, tầm quan trọng của nghề CTXH với sự phát triển xã hội mà còn là cầu nối đưa chính sách, chế độ mới đi vào cuộc sống. Tạp chí Lao động và Xã hội có bề dày 50 năm phát triển, ngoài việc đăng tải những tin bài về chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ, Tạp chí còn tuyên truyền những bài viết trong các lĩnh vực của ngành, đặc biệt là lĩnh vực CTXH, đã xây dựng chuyên trang chuyên mục.
Cũng theo ông Trần Ngọc Diễn, để nâng cao hơn nữa công tác thông tin truyền thông về nghề CTXH trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí, đồng thời cần thiết phải thành lập “Câu lạc bộ những người làm CTXH” để thông tin nhanh nhạy về lĩnh vực của ngành nói chung cũng như những nội dung, hoạt động của Đề án phát triển nghề CTXH. Tham gia Câu lạc bộ, các thành viên sẽ được tập huấn nghiệp vụ báo chí. Có như vậy, công tác truyền thông mới đẩy được lên cao trào, xã hội mới nhận biết được nghề CTXH.
Cần xây dựng rõ chiến lược đào tạo, sơ đồ các cấp đào tạo ngành CTXH
Đối với công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên CTXH, bà Nguyễn Thị Thái Lan, giảng viên Trường Đại học KHXHNV chia sẻ, triển khai Đề án 32 về phát triển nghề CTXH, đứng từ góc độ nhà nghiên cứu và trực tiếp tham gia đào tạo, các trường cần xây dựng chiến lược đào tạo, sơ đồ các cấp đào tạo khác nhau phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực đầu ra, cụ thể là cần bao nhiêu tiến sĩ, CTXH, thạc sĩ CTXH chứ không như hiện nay việc đào tạo ngành CTXH đang như “bông hoa đua nở”. Tỷ lệ người biết về ngành CTXH chưa lớn, chế độ ưu đãi nghề còn thấp, nhất là ở cơ sở, môi trường làm việc còn nhiều khó khăn. Để Đề án 32 thực sự chuyên nghiệp cần phải có khung về mặt pháp lý, luật hóa, quy chuẩn quy định rõ ràng để các trường đào tạo đi theo và các cơ sở thực hiện. Đồng thời, các Bộ, ngành liên quan cần có sự liên kết nhất định để nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm sau khi ra trường, sinh viên ngành CTXH có năng lực đáp ứng tốt nhu cầu thực tế.
Phát biểu tại Hội nghị chuyên đề về công tác bảo trợ xã hội năm 2016, ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết, về phía Bộ LĐTBXH cũng đang nghiên cứu tiếp tục còn phải làm nhiều việc, điều đầu tiên là rào cản về nhận thức, khi nào chưa hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách tự chủ, đa dạng hóa nguồn thu, có chất lượng tốt phục vụ nhân dân, các cơ sở phải cạnh tranh, tạo ra thị trường thì mới có thể thu hút được sinh viên ngành CTXH vào làm việc.
Cùng với đó, phải đẩy mạnh công tác truyền thông, đưa truyền thông về lĩnh vực bảo trợ đến với dư luận, đến với người dân và các cấp, các ngành. Để tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, Cục sẽ dành kinh phí tuyên truyền về lĩnh vực này sâu hơn, người dân được hưởng lợi gì. Các địa phương truyền thông giới thiệu về trung tâm, các dịch vụ, phương thức hoạt động của trung tâm, tiến tới khi làm tốt người dân sẵn sàng chi trả phí dịch vụ mà họ sử dụng.
Hồng Phượng
TAG: