Cần tháo gỡ những vướng mắc để phát triển ngành logisitcs Việt Nam với khu vực châu Âu – châu Mỹ
(LĐXH) Chi phí dịch vụ, nút thắt cơ sở hạ tầng, kho bãi và những khó khăn trong hoạt động logistics đang ảnh hưởng xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với thị trường Âu - Mỹ. Do đó, Việt Nam cần có giải pháp thích ứng, khơi thông dòng chảy thương mại thông qua tối ưu hóa logistics.
Tại hội thảo “Phát triển ngành logisitcs Việt Nam với khu vực châu Âu – châu Mỹ” ngày 17/12, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những sự phát triển mạnh mẽ. Chỉ số hoạt động logistics gần đây nhất của Ngân hàng Thế giới xếp Việt Nam đứng thứ 39/160 quốc gia, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Đây là kết quả cao nhất mà Việt Nam từng đạt được.
Bên cạnh đó, logistics cũng là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam với mức tăng trưởng trung bình 14-16% mỗi năm, đóng góp vào GDP từ 4 - 5%. Đến nay, cả nước đã có khoảng 30.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, với khoảng 5.000 doanh nghiệp chuyên nghiệp. Đó là những tín hiệu rất đáng mừng cho triển vọng phát triển của ngành logistics của Việt Nam.
Mặc dù vậy, ông Đỗ Thắng Hải cho rằng, ngành logistics Việt Nam vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Trong đó, nổi bật là các vấn đề về chi phí dịch vụ, các nút thắt về cơ sở hạ tầng, kho bãi, thiết bị hay nhân lực. Đặc biệt là việc ùn tắc trên các tuyến vận tải container, vận tải đi khu vực châu Âu - châu Mỹ, cũng như tình trạng thiếu container rỗng diện rộng tiếp nối từ năm 2020, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường này.
Đề cập đến giải pháp lâu dài, tại hội thảo, các chuyên gia cũng để xuất cần phát triển hệ thống e-logistics để doanh nghiệp Việt Nam kịp thời nắm bắt cơ hội phát triển xuất khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Đề cập đến thực tế ùn tắc tuyến vận tải đi khu vực châu Âu – châu Mỹ, Giám đốc phát triển kinh doanh cảng Long Beach, California (Hoa Kỳ) - ông Roger Wu cho biết, đại dịch Covid-19 tạo ra tình huống chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm xử lý. Những tắc nghẽn hiện nay là khối lượng rất lớn đến từ khu vực phía Tây của Hoa Kỳ. Ngoài ra, các chuyến hàng hóa đã được dịch chuyển từ đường hàng không và các biện pháp phong tỏa của Chính phủ trong thời gian qua cũng làm trầm trọng hơn tình trạng tắc nghẽn.
Thông tin thêm về tình trạng tắc nghẽn qua kênh vận tải đi Hoa Kỳ, ông Bùi Huy Sơn – Tham tán công sứ, thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng cho biết, tắc nghẽn ở Hoa Kỳ tác động trực tiếp đến chi phí và khiến doanh nghiệp Việt Nam bị động khi tiếp cận thị trường, đặc biệt ở nhóm mặt hàng có tính thời vụ như may mặc, giày dép, nông sản, điện tử, tiêu dùng.
Tính đến tháng 10 năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thời vụ nêu trên sang Hoa Kỳ đạt 24,8 tỷ USD, chiếm 32,8% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Hoa Kỳ. Nếu doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, bị động sẽ rơi vào tình trạng tắc nghẽn trong chuỗi logisitcs. Nếu quá trình này kéo dài và nghiêm trọng, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam dần bị mất liên kết với chuỗi vận tải, đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa.
Tại hội thảo, đại diện cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng bày tỏ lo ngại về chi phí, giá cước vận tải logistics gia tăng khiến hoạt động xuất khẩu thủy sản gặp khó, đặc biệt đây là thời điểm cuối năm nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao ở các thị trường Âu - Mỹ.
Nếu như trước tháng 11/2020 hầu hết đi trong 2 khu vực Âu, Mỹ cao nhất là 3.000 USD/container thi nay Bờ Đông (Hoa Kỳ) là 17.000 USD/container, Bờ Tây (Hoa Kỳ) khoảng 13.000 -14.000 USD/container. Thực tế nay đang tạo ra áp lực rất lớn cho doanh nghiệp Việt.
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng, bên cạnh các giải pháp của Chính phủ, các doanh nghiệp cần chủ động trong sản xuất, cố gắng ký hợp đồng với đối tác vận tải lớn, để họ sắp xếp đưa hàng đi. “Logistics hoàn toàn tạo nên điểm mạnh cho vấn đề cạnh tranh nếu tranh thủ cơ hội và chủ động sản xuất. Đặt được container và đưa được hàng đi trong thời điểm này chính là một lợi thế”- ông Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh.
Chia sẻ về những giải pháp cho vấn đề logistics hiện nay, ông Hans Kerstens - Phó Trưởng tiểu ban vận tải và hậu cần - Eurocham cho rằng, hiện nay các công ty logistics đang nỗ lực tìm ra các giải pháp để tránh ùn tắc tại các tuyến vận tải.
Vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đến châu Âu cũng cần có sự điều chỉnh, không chỉ phụ thuộc vào vận tải đường biển, mà đa dạng hóa phương thức vận tải, để đảm bảo hàng hóa đến đúng nơi, đúng thời điểm và dự đoán những vấn đề phát sinh sẽ xảy ra.
Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển ngành logistics, từ các hiệp định thương mại đã ký, chính sách cho ngành logistics đến xu hướng các nước châu Mỹ, châu Âu đang hướng về Việt Nam là điểm đến hấp dẫn về địa chính trị và chất lượng lao động. Nếu Việt Nam trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của thế giới thì không chỉ cảng biển mà cả logistics cũng sẽ rất phát triển.
Thảo Lan
TAG: