Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Cần những giải pháp quyết liệt kiểm soát dịch HIV vùng Tây Bắc
10:55 AM 03/06/2016
Theo số liệu thống kê cuối, tính đến năm 2015, khu vực Tây Bắc có khoảng 14,6 triệu người sinh sống, chiếm khoảng 16% dân số của cả nước, nhưng phát hiện khoảng 63.500 người nhiễm HIV, chiếm khoảng 30% số người nhiễm HIV của cả nước.

Tại khu vực này, đường lây truyền HIV chủ yếu là sử dụng chung khi tiêm chích ma túy và quan hệ tình dục không an toàn với 3 nhóm đối tượng nguy cơ cao là người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm, gần đây là vợ, bạn tình của người nhiễm HIV và những người có hành vi nguy cơ cao trên.

 

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đến thăm hỏi, tặng quà cho trẻ và gia đình bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS khu vực Tây Bắc

Nhiều tỉnh vùng Tây Bắc đang có tỷ lệ hiện nhiễm HIV đứng hàng đầu cả nước. Trong khi các nguy cơ lây nhiễm HIV vùng này lại rất phức tạp, trình độ dân trí hạn chế, địa bàn rộng, đi lại khó khăn, độ bao phủ của dịch vụ phòng, chống HIV cũng còn rất hạn chế.

Trước tình hình trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, nếu không có những giải pháp quyết liệt thì rất khó kiểm soát được dịch HIV vùng Tây Bắc và ảnh hưởng đến mục tiêu chung của cả nước. Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị, cán bộ lãnh đạo các cấp cần hành động quyết liệt hơn. Cần tiếp tục coi công tác phòng, chống HIV/AIDS là nhiệm vụ quan trọng.

Bên cạnh đó, các tỉnh cần phải kiện toàn tổ chức, đẩy mạnh vận động chính sách, cung cấp thông tin thích hợp cho các cán bộ lãnh đạo hiểu rõ về chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

Nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV/AIDS cho đồng bào, nhất là người có hành vi nguy cơ cao, người nhiễm HIV. Mỗi địa phương cần có những biện pháp, cách làm thích hợp. Giai đoạn này phải đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trực tiếp đến từng đối tượng, nhóm đối tượng nhất là nhóm có nguy cơ cao và bạn tình của họ.

Hình thái dịch vùng Tây bắc chủ yếu qua tiêm chích, nên cần đẩy mạnh điều trị Methadone với khu vực này. Hiện nay nhiều tỉnh chỉ tiêu đạt được còn rất thấp như Nghệ An hay Sơn La. Hệ thống văn bản pháp luật hiện rất đầy đủ gồm 2 nghị định, 8 thông tư, Bộ Y tế đang trình Chính phủ Nghị định sửa đổi theo hướng mở, giảm và bỏ hầu hết các qua thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho bệnh nhân tiếp cận điều trị Methadone. Việc đào tạo tập huấn cho chương trình này cũng đang mở rộng, các cơ sở sẽ tự công bố triển khai và Sở Y tế tỉnh, thành chịu trách nhiệm giám sát, quản lý.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, nghị định mới sẽ có điểm chặt chẽ hơn, như bệnh nhân đã điều trị đạt liều duy trì mà vẫn sử dụng heroin sẽ chuyển sang cai nghiện bắt buộc. Triển khai điều trị Methadone tại các trại giam, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện.

Về chương trình điều trị ARV, từ năm 2017, Kế hoạch Cứu trợ Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về Phòng, Chống HIV/AIDS (PEPFAR) cắt giảm tiếp 40% thuốc ARV và năm 2018 cắt 100% phần hỗ trợ thuốc ARV. Như vậy, có thể nói năm 2018 chưa có nguồn nào viện trợ ARV cho Việt Nam. Vì vậy, Bộ Y tế đang trình Chính phủ một số giải pháp bảo đảm tài chính cho ARV, tuy nhiên giải pháp khả thi nhất trong lúc này là chuyển điều trị HIV/AIDS và ARV sang do Quỹ bảo hiểm y tế chi trả. Do vậy các địa phương cần nhanh chóng chuyển các cơ sở điều trị HIV/AIDS vào cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đồng thời, tìm mọi giải pháp tăng nhanh tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế. Ngân sách dự án phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu bảo đảm thuốc ARV cho bệnh nhân trong các trại giam vì phạm nhân không có bảo hiểm y tế.

Đối với vấn đề bảo đảm tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện còn 5 tỉnh chưa phê duyệt đề án bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, do đó Thứ trưởng đề nghị, các địa phương cần chủ động phê duyệt sớm, để khi ngân sách quốc gia, quốc tế cắt giảm thì vẫn có kinh phí hỗ trợ. Địa phương nào đã phê duyệt đề án bảo đảm tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS cần cân đối ngân sách theo cam kết.

  Theo tiengchuong.vn

TAG:
Tin khác
Phụ nữ Nam Định với phong trào 'Đền ơn đáp nghĩa'
Đắk Nông: Chú trọng nâng cao năng lực, giám sát và đánh giá Chương trình giảm nghèo
Thành phố Phổ Yên với công tác “Đền ơn đáp nghĩa”
Thái Nguyên: Bám sát thực tiễn, thực hiện tốt chính sách người có công
Đắk Nông: Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp
Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Bắc Giang: Ngôi nhà ấp áp nghĩa tình
Quảng Ninh tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật
Lạng Sơn: Quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo
Trao hỗ trợ sửa chữa nhà ở tới người có hoàn cảnh khó khăn huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang)