Dân tộc-Tôn giáo
Trang chủ / Xã hội / Dân tộc-Tôn giáo
Bài 3: Để nâng cao hiệu quả trợ giúp của công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu
03:41 PM 11/10/2019
(LĐXH)-Biến đổi khí hậu (BĐKH), thiên tai, bão lụt đã và đang đe dọa những nỗ lực tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững trong dài hạn ở nước ta. Do vậy, Việt Nam cần sử dụng có hiệu quả công tác xã hội thích ứng với BĐKH. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả trợ giúp của CTXH khi BĐKH, thiên tai cần sự phối kết hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cấp, các ngành và cả cộng đồng.
Những tồn tại, bất cập của công tác xã hội trong ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu
Sau gần 10 năm triển khai, Đề án đào tạo và phát triển nghề CTXH (gọi tắt là Đề án 32) như một cú hích quan trọng phát triển nghề CTXH. Theo đánh giá chung, công tác phát triển nghề CTXH đã và đang đạt được những thành quả quan trọng, hình thành và phát triển đội ngũ cán bộ CTXH các cấp.
Đề án đã thúc đẩy sự hình thành trên 30 trung tâm CTXH, nâng tổng số các cơ sở liên quan đến cung cấp dịch vụ CTXH trên toàn quốc đạt 432 cơ sở. Tổng số cán bộ, nhân viên CTXH làm việc tại các cơ sở này và mạng lưới CTXH tại cấp xã là 35.000 người. Đồng thời, việc triển khai cụ thể Thông tư 07/2013/TT-BLĐTBXH hướng dẫn tiêu chuẩn cộng tác viên CTXH cấp xã, phường đã giúp hình thành đội ngũ khoảng trên 10.000 cộng tác viên CTXH ở nhiều địa phương trên cả nước. Hiện tại, công tác đào tạo bồi dưỡng đã được tiến hành với hàng ngàn lượt cán bộ là nhân viên CTXH, cán bộ, viên chức đang làm nghề CTXH góp phần xây dựng một lực lượng cán bộ CTXH mạnh và chuyên nghiệp.   
Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì sự nghiệp phát triển nghề CTXH nói chung và việc thực hiện đào tạo CTXH còn có hạn chế, trong bối cảnh mới và dưới tác động của BĐKH. Đó là khuôn khổ pháp lý cũng như các văn bản quy phạm pháp luật về nghề CTXH và thực hành nghề CTXH chưa hoàn chỉnh và chưa đồng bộ. Việc kết nối với cơ quan chức năng và các đoàn thể cũng rất khó khăn và thiếu cơ sở pháp lý vì hiện nay chưa có văn bản nào quy định các cơ quan chức năng, các đoàn thể phải phối hợp với các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH để thực hiện các biện pháp hữu hiệu trong các trường hợp can thiệp, hỗ trợ khẩn cấp. Bên cạnh đó, cán bộ CTXH ngoài hỗ trợ về tư vấn tâm lý, ổn định tinh thần đối tượng cần trợ giúp và kết nối với các cơ quan chức năng thì cũng chưa có cơ sở pháp lý để có thể đưa ra quyết định cụ thể việc cung cấp dịch vụ nào phù hợp và có hiệu quả cho đối tượng.
Nội dung đào tạo bồi dưỡng về công tác xã hội thích ứng với BĐKH là một nội dung mới, chưa được nghiên cứu, chưa được đưa vào đào tạo tại Việt Nam với cả hệ thống các cơ sở đào tạo cũng như đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên cho lực lượng nhân viên làm nghề CTXH.
Cần làm tốt vai trò kết nối các nguồn lực để trợ giúp kịp thời và hiệu quả người dân bị thiên tai, thảm họa
(Ảnh minh họa)
Người nghèo là một nhóm đối tượng yếu thế dễ bị ảnh hưởng bởi BĐKH. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vẫn còn thiếu một số dịch vụ CTXH cho người nghèo. Nhất là người nghèo chưa được tiếp cận với dịch vụ tham vấn trực tiếp, dịch vụ vận động tham gia xây dựng chính sách, dịch vụ biện hộ hay hỗ trợ kết nối,  huy động nhiều nguồn lực bên trong và bên ngoài vào quá trình giải quyết vấn đề…
Các hoạt động nghiên cứu và tuyên truyền mới chỉ dừng lại ở các tác động của BĐKH đến các nhóm yếu thế, vấn đề an sinh xã hội và trợ giúp xã hội đối với các nhóm đối tượng yếu thế trước các tác động của BĐKH. Hoạt động truyền thông về nghề CTXH thích ứng với biến đổi khí hậu nói riêng vẫn còn nhiều tồn tại. Các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay chủ yếu vẫn tập trung vào các biểu hiện và hậu quả của BĐKH mà chưa quan tâm nhiều đến thông tin các vấn đề và hiện trạng môi trường, BĐKH ở địa phương, cơ sở. Chủ yếu thông tin về các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, mà thiếu thông tin phân tích các chủ trương, chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch cụ thể về bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH. Mặt khác, chưa có nhiều các chương trình tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH chuyên sâu, phù hợp với từng nhóm đối tượng khác nhau.
Việc phối hợp giữa các cơ quản quản lý Nhà nước, các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH với các cơ quan báo chí cũng còn có những hạn chế nhất định. Đến nay, vẫn còn một bộ phận công chúng chưa có hiểu biết đầy đủ về nghề CTXH, về vấn đề biến đổi khí hậu...
Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác xã hội khi thiên tai, biến đổi khí hậu
Theo TS Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trước hết cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về nghề CTXH, trong đó có vấn đề nghề CTXH  thích ứng với BĐKH. Việc ban hành Luật về nghề CTXH là rất cần thiết để chuẩn hóa nghề CTXH, để người yếu thế, cần được bảo vệ, được tiếp cận dịch vụ xã hội theo đúng nghĩa.
TS.Nguyễn Hải Hữu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề CTXH Việt Nam khẳng định: “Pháp luật về CTXH là khuôn khổ pháp lý quan trọng cho việc phát triển nghề CTXH. Hầu hết các quốc gia có nghề CTXH phát triển họ đều có luật về nghề CTXH. Luật này điều chỉnh các hoạt động nghề nghiệp CTXH, bảo vệ quyền và lợi ích của người cung cấp dịch vụ (nhân viên CTXH) và bảo vệ lợi ích của người sử dụng dịch vụ CTXH. Để phát triển CTXH thành một nghề chuyên nghiệp ở Việt Nam theo Đề án 32 của Chính phủ, cần thiết phải xây dựng và ban hành luật về CTXH”.
Theo TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, CTXH được đưa vào các luật cụ thể theo 3 thể thức: Để xác định cụ thể nhiệm vụ và trách nhiệm của cán bộ, nhân viên CTXH trong từng lĩnh vực cụ thể; để xác định vai trò và nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên CTXH cùng với các nghề khác và để xác định nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan cung cấp dịch vụ CTXH.
Đưa hàng cứu trợ tới người dân vùng bị bão lụt.
Định hướng các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro do BĐKH ở góc độ lĩnh vực CTXH chủ yếu tập trung vào các giải pháp lồng ghép chính sách, xây dựng và phát triển các chương trình hỗ trợ, kết nối để giảm thiểu rủi ro và đa dạng hoá sinh kế cho người dân. Mục tiêu mà các giải pháp hướng tới là: Giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến an ninh con người; đặc biệt các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất như người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ, người khuyết tật, nhân dân sống ở các vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo;
Coi trọng việc nâng cao năng lực tự ứng phó của người dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế trước tác động của BĐKH kết hợp với sự hỗ trợ của Nhà nước và sự tham gia của cộng đồng;
CTXH cần thực hiện tốt tất cả các vai trò, trong đó cần làm tốt vai trò kết nối các nguồn lực nhằm phục hồi, cải thiện và đa dạng các điều kiện sinh kế để đảm bảo đời sống người dân các vùng dễ bị tổn thương, bao gồm các hỗ trợ về kỹ thuật, hỗ trợ tài chính, huy động sự tham gia của các cơ quan nhà nước (trung ương và địa phương), các tổ chức quốc tế, các tổ chức chính trị xã hội, các hiệp hội nghề nghiệp và doanh nghiệp, cộng đồng dân cư.
Cụ thể, để phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro do BĐKH với CTXH cần thực hiện tốt các nhiệm vụ: Gắn CTXH với nghiên cứu, khảo sát; đánh giá, dự báo và đề xuất các giải pháp ứng phó với tác động của BĐKH đến các lĩnh vực của ngành: Khảo sát, thu thập, xử lý và lưu trữ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu ban đầu về tác động của BĐKH đến các lĩnh vực lao động, việc làm, và xã hội; Phân tích, đánh giá, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học có liên quan đến các vấn đề lao động và xã hội trong bối cảnh tác động của BĐKH; Đề xuất các giải pháp đảm bảo việc làm và an sinh cho người dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế ở các vùng bị ảnh hưởng nặng của BĐKH.
Thực hiện các dự án, mô hình CTXH với ứng phó với BĐKH: Xây dựng mô hình và thử nghiệm các mô hình thí điểm ứng phó với BĐKH trong các lĩnh vực của ngành dựa vào cộng đồng có sự tham gia của chính quyền các cấp, các tổ chức hội đoàn thể, sự tham gia của người dân trong ứng phó và tự ứng phó với BĐKH và nước biển dâng. Trong đó, mô hình việc làm công là một giải pháp tốt, sẽ đảm bảo cả hai mục tiêu: thứ nhất, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động (thuộc nhóm yếu thế) hoặc người tàn tật, lao động bị thất nghiệp v.v… có được việc làm và có được nguồn thu nhập tối thiểu nuôi sống bản thân. Thứ hai, các chương trình này nhằm vào việc tái thiết hoặc xây dựng mới các công trình công cộng phục vụ phòng chống lụt bão, thiên tai, ứng phó với BĐKH.
CTXH sẽ trực tiếp tham gia việc xây dựng các chính sách vĩ mô về việc lồng ghép các giải pháp ứng phó với BĐKH vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, chính sách ở quy mô quốc gia và địa phương: Lồng ghép hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho nông dân vào Đề án Đào tạo nghề cho lao động Nông thôn; Lồng ghép các vấn đề, yếu tố gây suy giảm tư liệu sản xuất do thiên tai, BĐKH vào các chương trình tín dụng tạo việc làm và các chương trình giải quyết, chuyển đổi việc làm gắn với di cư; Lồng ghép vấn đề rủi ro và khắc phục rủi ro sản xuất, ổn định sinh kế thông qua hỗ trợ nông dân mua bảo hiểm cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là các hộ nghèo; Lồng ghép vấn đề rủi ro do thiên tai vào các chính sách di dân, tái định cư như hỗ trợ xây dựng các khu định cư ổn định để di chuyển người dân ra khỏi những địa bàn bị rủi ro cao nhất do hiện tượng nước biển dâng, mà trước hết là những địa bàn chịu ảnh hưởng lớn do triều cường; Các chính sách trợ giúp đột xuất, mở rộng diện thụ hưởng của các chính sách trợ giúp xã hội trên cơ sở xây dựng một bộ chỉ tiêu xác định đối tượng thụ hưởng trợ giúp đột xuất bị thiên tai dẫn đến mất nguồn sinh kế.
Đối với hệ thống các cơ sở đào tạo là các trường đại học đang đào tạo nghề CTXH, cần lồng ghép nội dung tác động của BĐKH vào chương trình đào tạo, gồm cả đào tạo chính quy các bậc trung cấp, cao đẳng, đại học và trên đại học. Các nội dung chủ yếu, cơ bản cần thiết phải đưa vào giảng dạy đó là nhận thức về biến đối khí hậu và tác động của BĐKH đến đối tượng phục vụ của CTXH; vai trò, nhiệm vụ và hoạt động CTXH trong trợ giúp người dân phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục hậu quả tác động của thiên tai, thời tiết cực đoan do BĐKH.
Cùng với đó cần sớm tổ chức nghiên cứu đánh giá thực trạng nhu cầu đào tạo liên quan đến tác động của BĐKH với các đối tượng yếu thế. Từ đó làm cơ sở để xác định mục tiêu, chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo bồi dưỡng phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn. Phát triển đội ngũ cán bộ CTXH có trình độ, hiểu biết chuyên sâu về bảo vệ môi trường và BĐKH thông qua các chương trình đào tạo trong nước và quốc tế. Qua đó, cán bộ CTXH không chỉ có chuyên môn sâu về CTXH mà còn am hiểu về vấn đề BĐKH để tuyên truyền rộng rãi và hiệu quả các chính sách, giải pháp cũng như những tác động của BĐKH đến đời sống người dân, đặc biệt là những người yếu thế. Từ đó, người dân và cộng đồng sẽ chủ động tìm các giải pháp hữu hiệu nhằm thích ứng với BĐKH, đảm bảo an sinh xã hội.
CTXH với người nghèo cần đảm bảo là hoạt động trợ giúp chuyên nghiệp nhằm nâng cao năng lực, chức năng xã hội của người nghèo; thúc đẩy các chính sách liên quan tới nghèo đói; huy động các nguồn lực, dịch vụ nhằm giúp cá nhân, gia đình và cộng đồng nghèo giải quyết vấn đề nghèo đói và hướng tới bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt, người nghèo cần được trang bị kiến thức về sản xuất thích ứng với BĐKH, nhất là sản xuất nông nghiệp.
Về công tác tuyên truyền về CTXH thích ứng với BĐKH, các cơ quan chức năng và các đối tác có liên quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí trong việc đẩy mạnh truyền thông về phát triển nghề công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu một cách thường xuyên, có định hướng đúng về những vấn đề liên quan đến CTXH và BĐKH. Chủ động cung cấp thông tin về CTXH thích ứng với BĐKH cho các cơ quan báo chí, trong đó cần ưu tiên cho các cơ quan báo chí tham gia ngay từ đầu quá trình xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, dự án liên quan.
Các cơ quan báo chí cũng cần đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, cần xác định rõ đối tượng thụ hưởng và những đặc thù của CTXH, những tác động, thách thức của biến đổi khí hậu để tạo sự thay đổi về nhận thức, hành động của cộng đồng.
Thảo Lan
 

 

 

 

 

TAG:
Tin khác
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật
Kon Tum: Thực hiện tốt chính sách trợ giúp người khuyết tật
Nữ doanh nhân Phượng Hồng Kông: Hỗ trợ người nghèo bằng trái tim nhân ái