Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Cảm phục những gương thương binh giàu nghị lực ở Quảng Ninh
05:31 PM 16/11/2022
(LĐXH) – Dù mang trên mình nhiều thương tật do chiến tranh để lại, nhưng với ý chí kiên cường của người lính, không khuất phụ khó khăn, những thương binh ở Quảng Ninh đã vượt lên số phận, vươn lên xây dựng cuộc sống đủ đầy, ấm no hơn; đồng thời tích cực tham gia vào các phong trào của địa phương, chung tay cùng cả hệ thống chính trị thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Là bệnh binh hạng 3/3, cựu chiến binh Trần Đăng Tính (thôn Hải Thành, xã Quảng Thành, huyện Hải Hà) đã vượt qua mọi khó khăn trở ngại, trở thành tấm gương sáng trong phát triển kinh tế ở địa phương.
Bệnh binh hạng 3/3 Trần Đăng Tính (ngoài cùng bên trái) chia sẻ kinh nghiệm vượt khó phát triển kinh tế
tại Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu tỉnh, ngày 26/7/2022.
Sau khi rời quân ngũ trở về với cuộc sống đời thường, cuộc sống gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn. Cả vợ chồng đều là bộ đội nghỉ hưu theo chế độ bệnh binh. Không lâu sau, vợ ông bị mất do tai nạn, khó khăn chồng chất khó khăn, một mình ông nuôi dạy 4 người con đang tuổi ăn học. Có những lúc ông cảm thấy bế tắc, tưởng chừng không thể vượt qua. Với ý chí của người lính Cụ Hồ, không lùi bước trước khó khăn, ông Tính đã mạnh dạn cải tạo vườn đồi, trồng nhiều loại cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao. Đồng thời, học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật trồng hoa lan và một số loại cây cảnh để tăng thu nhập cho gia đình. Tận dụng nhà ở mặt đường, ông vay vốn ngân hàng mở dịch vụ kinh doanh hàng hóa tổng hợp gắn với đời sống người dân xã. Ông thường xuyên ứng trước vật tư nông nghiệp không tính lãi từ đầu vụ đến lúc thu hoạch, thậm chí từ đầu năm tới cuối năm mới thanh toán. Mô hình phát triển kinh tế đem lại thu nhập cho gia đình ông khoảng 200 triệu đồng/năm; tạo công ăn việc làm từ 3-5 lao động địa phương với thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng.
Hay như thương binh Bùi Văn Quý, sinh năm 1947, đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, trở thành tấm gương sáng thực hiện lời Bác Hồ dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”.
Sinh ra và lớn lên ở khu Phú Thanh, phường Yên Thanh, thành phố Uông Bí. Ngày 23/7/1968, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Bùi Văn Quý (khi ấy là chàng thanh niên trẻ 21 tuổi đời) viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau một năm huấn luyện tại Khu Di tích Yên Tử, ông được phân công vào tiểu đoàn độc lập đặc công thuộc chiến trường miền đông Nam Bộ. Đến tháng 4 năm 1970, với Chỉ thị mở vùng giải phóng, ông tiếp tục cùng đồng đội sang Campuchia để chiến đấu và cũng tại đây, ông được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Vào một ngày đầu tháng 10/1972, trong một lần làm nhiệm vụ đặc công, không may ông bị thương, cánh tay trái trúng đạn địch, dập nát, ông được chuyển về đơn vị điều dưỡng tại Miền Nam. Mặc dù các bác sĩ hết lòng cứu chữa nhưng vẫn không thể giữ lại cánh tay cho ông.
Những ngày đầu nằm điều trị, ông rất bi quan, nhưng rồi, bên cạnh ông là những thương binh khác vẫn yêu đời, nhất là khi nhớ lời Bác dạy: “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông như được tiếp thêm nghị lực sống và bắt đầu luyện tập, làm những công việc hàng ngày khi chỉ còn một cánh tay. Đầu năm 1974, ông được tập kết ra Bắc và đi học bổ túc văn hoá. Học xong, ông được điều động về ngành giáo dục thành phố Uông Bí công tác. 30 năm công tác trong ngành, trải qua nhiều vị trí, ông luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ và là tấm gương sáng để đồng nghiệp noi theo. Năm 2006, ông được về nghỉ chế độ theo quy định.
Thương binh Bùi Văn Quí phát triển kinh tế gia đình với mô hình nuôi thỏ giống và thỏ thương phẩm
Khi được nghỉ chế độ, về hưu với đồng lương ít ỏi, thương binh Bùi Văn Quý đã bàn với gia đình tìm cách phát triển kinh tế. Ban đầu là trồng rau, nuôi gà tạo thêm thu nhập. Sau đó, từ đôi thỏ người bạn cho, nhận thấy thỏ dễ nuôi và cho giá trị kinh tế cao, ông đã cùng gia đình đầu tư mở rộng chuồng trại. Đến nay, gia đình ông đã tạo được nguồn thỏ giống và thỏ thành phẩm cung cấp ra thị trường, đem lại nguồn thu nhập ổn định. Ngoài ra, thương binh Bùi Văn Quý còn tích cực tham gia các hội, đoàn thể, là hội viên đi đầu trong các phong trào thi đua của địa phương. Chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, nhiều năm liền, ông được bình xét danh hiệu “Thương binh gương mẫu”. Ông còn tích cực luyện tập thể thao, vừa giải trí vừa rèn luyện sức khỏe. Năm 2007, ông tham gia Hội thi thể thao, văn nghệ người khuyết tật toàn quốc và giành huy chương đồng. Hàng năm, ông đều tham gia liên hoan văn nghệ và các giải thi đấu dành cho người khuyết tật do tỉnh Quảng Ninh tổ chức.
Với những nỗ lực không ngừng trong những tháng ngày tham gia quân ngũ cũng như vượt qua thương tật để trở về với cuộc sống đời thường, thương binh Bùi Văn Quý đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Ba, Huân chương giải phóng hạng Nhì; được tặng bằng khen, giấy khen của tỉnh và Thành phố trong các phong trào thi đua. Năm 2020, ông vinh dự được nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng./.
Hưng Cảnh
TAG:
Tin khác
Bắc Giang: Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, giúp người dân thoát nghèo
Huyện Bình Đại triển khai có hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững
Hà Nội gặp mặt, tri ân người có công tham gia giải phóng Thủ đô
Hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em bị ảnh hưởng do bão lũ tại miền Bắc
Vũng Liêm tích cực giải bài toán giảm nghèo bền vững
Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân Mỏ Cày Bắc giảm nghèo bền vững
Chương trình của Vinamilk hỗ trợ hơn 6 tỷ đồng cho học sinh, sinh viên vùng bão lũ qua Trung ương đoàn
Đề nghị trẻ em không có giấy tờ tùy thân cũng được cấp thẻ BHYT
TPHCM: Long trọng tổ chức lễ phát động “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2024”