An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Cải thiện hiệu quả đào tạo nghề cho người khuyết tật
10:34 PM 24/11/2021
Đánh giá nhanh của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) về tác động KT - XH của đại dịch Covid-19 đối với người khuyết tật chỉ ra rằng, khoảng 30% người khuyết tật bị mất việc làm, gần 50% bị giảm giờ làm và gần 60% bị cắt lương...

Đa phần là lao động thủ công

Để bảo đảm sự bình đẳng về việc làm cho người khuyết tật, nhiều chính sách ưu đãi về vốn, học nghề cho người khuyết tật đã được triển khai. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác trợ giúp người khuyết tật, nhất là việc tạo việc làm bền vững cho người khuyết tật vẫn là một thách thức lớn. Theo thống kê của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có hơn 6,2 triệu người khuyết tật nhưng chỉ có 31,7% trong số này nằm trong lực lượng lao động. Tỷ lệ có việc làm đối với người khuyết tật từ 15 tuổi trở lên: 36%, trong khi tỷ lệ này ở người không khuyết tật là 60%. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người khuyết tật là đối tượng yếu thế chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi mất việc làm.

Chính sách hỗ trợ người khuyết tật học nghề có ý nghĩa quan trọng trong việc trợ giúp đối tượng tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống

Chia sẻ về nguyên nhân khiến tỷ lệ người khuyết tật thất nghiệp gia tăng, bà Đào Thu Hương - cán bộ về quyền của người khuyết tật, UNDP Việt Nam cho biết, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường lao động ngày càng đặt ra những yêu cầu cao về năng lực cũng như chất lượng của người lao động. Trong đó, các doanh nghiệp hướng đến phát triển và vận hành sản xuất theo phương thức chuyển đổi số. Người bình thường khi tham gia vào thị trường lao động cũng đã là một thách thức không hề nhỏ, với lao động là người khuyết tật càng khó khăn hơn. Nhất là hiện nay, đa phần lao động người khuyết tật là lao động thủ công, không có trình độ thì việc bị loại trừ ra khỏi thị trường lao động là điều dễ nhận thấy. Với 2 triệu người khuyết tật thất nghiệp tương đương với việc Việt Nam mất đi 3% GDP tiềm năng mỗi năm. Việc loại trừ người khuyết tật ra khỏi hoạt động phát triển kinh tế chung thông qua việc làm, tương đương Việt Nam “hao hụt” từ 1 - 7% tổng sản phẩm trong nước.

Cụ thể như tại TP. Hà Nội, dù có nhiều thuận lợi về giao thông, cơ sở vật chất nhưng theo Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội Dương Thị Vân, số người khuyết tật có nhu cầu học nghề khá cao, tuy nhiên số người lao động được dạy nghề, tạo việc làm thấp. Nguyên nhân, do nhiều người khuyết tật và gia đình họ còn mặc cảm, tự ti. Mặt khác, kinh phí hỗ trợ cho các dự án đào tạo nghề, tạo việc làm còn hạn chế; thời gian dạy nghề cho người khuyết tật quá ngắn (chủ yếu là dưới 3 tháng), nhiều nghề không còn phù hợp với thị trường lao động khiến nhiều người khuyết tật không mặn mà với việc học nghề.

Dạy nghề cần thực chất

Theo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có 1.912 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổng số giáo viên tham gia dạy nghề cho người khuyết tật là 3.359 giáo viên.

Trên thực tế, để người khuyết tật có việc làm bền vững, Nhà nước đã có nhiều chính sách từ hỗ trợ từ dạy nghề đến ưu đãi về chính sách cho doanh nghiệp khi sử dụng lao động là người khuyết tật. Tuy nhiên, hiện nay đa phần lao động người khuyết tật vẫn chỉ làm những công việc thủ công có thu nhập thấp và thiếu bền vững. Chính vì vậy, đa phần lao động người khuyết tật không tham gia bảo hiểm xã hội, dễ bị thất nghiệp nhất. Để người khuyết tật có việc làm bền vững, UNDP tại Việt Nam đã khuyến nghị: Cần đưa chính sách hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật vào trong các chiến lược và kế hoạch quốc gia cũng như các chính sách địa phương. Bên cạnh đó, tăng cường cấu trúc thể chế, hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy việc làm của người khuyết tật; xây dựng định mức việc làm công và tư của người khuyết tật. Đặc biệt, cần có cơ chế thực hiện có hiệu quả các khuyến khích tài chính đối với việc làm của người khuyết tật; Bổ sung quy định về các phương pháp tiếp cận trong đánh giá kỹ năng nghề quốc gia…

Ở góc độ là người lao động khuyết tật và đồng thời cũng là người sử dụng lao động khuyết tật, chủ cơ sở dạy nghề - việc làm 3.12 (quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) Nguyễn Kim Khôi cho rằng: Các cơ quan chức năng cần quan tâm mở rộng thêm các ngành, nghề hỗ trợ đào tạo cho người khuyết tật, cũng như cần bổ sung chính sách trợ giúp việc làm cho người khuyết tật theo hướng linh hoạt, phù hợp với đặc thù của từng dạng tật.

Chia sẻ về thực trạng cũng như vai trò của đào tạo nghề cho người khuyết tật, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết, hiện Chương trình Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030 đã tăng thêm 3 nhóm hoạt động (12 nhóm), bao gồm: Nhóm đối với phụ nữ khuyết tật; Hội người khuyết tật; Trợ giúp cho người khuyết tật sống độc lập thông qua trợ giúp về phương tiện. Trong đó, riêng đối với hoạt động trợ giúp giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế sẽ tập trung các nhiệm vụ: Rà soát và hoàn thiện văn bản hướng dẫn tổ chức đào tạo nghề, tạo việc làm đối với người khuyết tật; thống kê, đánh giá các cơ sở đào tạo nghề và nhu cầu học nghề của người khuyết tật; xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo nghề linh hoạt về thời gian, địa điểm, tiến độ đào tạo; các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ có sử dụng lao động là người khuyết tật hoặc của người khuyết tật./.


PV

TAG:
Tin khác
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công