Cà Mau cơ bản hoàn thành thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19
(LĐXH)-Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã có nhiều nỗ lực thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Các chính sách đã đi vào cuộc sống rất kịp thời, đúng đối tượng, minh bạch, không có hiện tượng trục lợi chính sách.
Quyết liệt tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện chính sách
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã ban hành Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 12/7/2021 về việc triển khai thực hiện hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Cà Mau; Quyết định số 1502/QĐ-UBND ngày 09/8/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quy định đối tượng, mức chi hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Trong quá trình thực hiện, UBND tỉnh còn ban hành nhiều Công văn quan trọng khác, trong đó có Công văn đôn đốc, tăng cường trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 và nhiều văn bản chỉ đạo nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng ban hành Công văn số 1478/LĐTBXH-GDNN ngày 12/7/2021 hướng dẫn chi tiết thực hiện Kế hoạch số 97/KH-UBND nêu trên; Công văn số 1731/LĐTBXH-GDNNVL hướng dẫn thực hiện Quyết định số 1502/QĐ-UBND ngày 09/8/2021; Quyết định số 1712/QĐ-UBND ngày 04/9/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (mở rộng đợt 2) và kịp thời ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường công tác theo dõi quản lý, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Sở cũng bám sát và theo dõi tiến độ thực hiện để gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn trên địa bàn tỉnh sớm được hoàn thành, tạo điều kiện người dân, lao động doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; đồng thời, thường xuyên phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Đài phát thanh - Truyền hình, Bảo hiểm xã hội tỉnh và các ngành liên quan trao đổi thống nhất nhất giải pháp thực hiện và tổ chức nhiều cuộc hội nghị mở rộng đến cơ sở, nhằm tăng cường tiến độ thực hiện gói hỗ trợ này.
Thực hiện nhiệm vụ Ủy ban nhân dân tỉnh giao, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Bảo hiểm xã hội tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện, truyền tải thông tin đến các doanh nghiệp qua hệ thống điện tử, Sở, ngành liên quan được biết. Theo đó, công tác tuyên truyền được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên hệ thống phần mềm quản lý bảo hiểm xã hội, trên Website bảo hiểm xã hội.
Công tác thông tin, tuyên truyền chính sách được đẩy mạnh trên Báo Cà Mau với trên 98 tin, bài, ảnh trên các ấn phẩm Báo Cà Mau. Ngoài ra, còn đăng tải 05 video trên truyền hình Online của Báo Cà Mau. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã thực hiện và phát sóng hơn 200 tin, bài. Cổng Thông tin điện tử tỉnh, trang Wesbsite Sở, ngành đã đăng tải Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 12/7/2021, Quyết định số 1502/QĐ-UBND . Đồng thời, thực hiện 45 tin, bài tuyên truyền trong các chuyên mục,…. Cùng với đó, hệ thống truyền thanh cơ sở phát hàng ngày trên sóng FM/Đài Truyền thanh cấp huyện, cấp xã và tuyên truyền bằng loa lưu động với hơn 250 tin, bài được phát; hàng chục lượt tuyên truyền lưu động đã được thực hiện kịp thời cung cấp đầy đủ thông tin về việc triển khai thực hiện hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Cà Mau phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Các huyện, thành phố Cà Mau còn tổ chức triển khai nhiều hình thức linh hoạt như: Phát hành tờ rơi, các trạm truyền thanh ấp, khóm và truyền thông loa lưu động và lồng ghép tuyên truyền các tổ công tác phòng, chống dịch cộng đồng,.… Các Sở, ngành cấp tỉnh thường xuyên tiếp nhận thông tin giải đáp, trả lời hướng dẫn đối tượng thông qua các hình thức trả lời trực tiếp, văn bản hỏi đáp công dân trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ cho hàng nghìn lao động và trả lời trên 40 văn bản. Đường dây nóng tiếp nhận thông tin hướng dẫn đối tượng trên 2.000 lượt công dân lao động, có theo dõi kết quả thực hiện.
Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách ở các cấp được tăng cường. Hội đồng nhân dân tỉnh thành lập nhiều đoàn công tác liên ngành khảo tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và các chính sách hỗ trợ của Ủy ban nhân dân tỉnh tại các địa phương. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lồng ghép khảo sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ tại các huyện, thành phố Cà Mau. Kết quả thực hiện được các đoàn đánh giá thực hiện khá tốt, đối tượng thụ hưởng nhận tiền hỗ trợ đúng quy định, không có trường hợp trục lợi chính sách hỗ trợ.
Chính sách nhanh chóng đến với đối tượng thụ hưởng
Hiện nay các huyện, thành phố Cà Mau, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động đẩy nhanh công tác vừa tuyên truyền vừa thực hiện theo phương châm giải quyết chính sách hỗ trợ của tỉnh nhanh, kịp thời, chính xác đúng đối tượng, tạo điều kiện, an toàn sức khỏe cho người lao động, không bỏ, trùng lặp đối tượng, đảm bảo chính sách hỗ trợ đến tay người thụ hưởng, tuyệt đối không để lợi dụng chính sách.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 31/10/2021, tổng số người được duyệt hưởng chính sách là 219.578 người (11/12 nhóm, còn lại nhóm 3), với số tiền là 249,788 tỷ đồng. Trong đó, đã chi hỗ trợ 197,216 người, với số tiền là 216,445 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 89,8%/tổng số người được duyệt.
Cụ thể, tỉnh đã hoàn thành xong ngày 21/7/2021 về việc thực hiện chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với 1.720 đơn vị, trên 36.905 người, kinh phí giảm 12.401.000.000 đồng, đạt tỷ lệ 100%. Hỗ trợ 16 người tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với tổng số tiền 18.824.000 đồng. Hỗ trợ xong cho 555 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương số tiền là 2.059.050.000 đồng. Hỗ trợ 02 người lao động ngừng việc số tiền 2.000.000 đồng (có 01 trẻ); dự kiến nhóm này sẽ còn phát sinh vì từng lúc còn phát sinh khu phong tỏa. Hỗ trợ 12 người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp số tiền là 44.520.000 đồng. Nguyên nhân, doanh nghiệp phần lớn chỉ thỏa thuận với lao động nghỉ việc không hưởng lương, nghỉ việc nhưng không đủ điều kiện hưởng chính sách do chưa đóng BHTN, một số lao động hoạt động công nhật nghỉ việc chuyển sang hưởng chính sách lao động tự do.
Tính đến thời điểm hiện tại chưa có hồ sơ của các đơn vị, người lao động trên địa bàn tỉnh nộp về Sở để đề nghị được hỗ trợ chính sách đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Nguyên nhân, các doanh nghiệp thực hiện phương án làm việc “3 tại chỗ”, tập trung công tác phòng chống dịch chưa có kế hoạch phối hợp đào tạo lại lao động, chưa thay đổi cơ cấu công nghệ.
Cùng với đó, tỉnh Cà Mau đã chi hỗ trợ thêm tiền ăn cho 443 trẻ em điều trị Covid-19 số tiền là 443 triệu đồng và hỗ trợ 2.062 đối tượng F1 sô tiền là 2.309.541.000 đồng.
Đối với chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV và hướng dẫn viên du lịch, tỉnh đã hỗ trợ cho 39 người số tiền là 144.690.000 đồng. Tỉnh cũng cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ chính sách vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đối với 05 doanh nghiệp, 214 lao động, số tiền 830.060.000 đồng và việc hỗ trợ 1.799 hộ kinh doanh số tiền là 5.397.000.000 đồng
Đối với chính sách hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do)và các đối tượng đặc thù khác, tổng số người tỉnh phê duyệt hỗ trợ là 177.531 người (kể cả 40.158 khẩu thuộc hộ nghèo, cận nghèo), số tiền là 226,138 tỷ đồng. Đến 31/10/2021 đã chi cho 155.517 người, số tiền là 193,926 tỷ đồng, đạt 87,68%/tổng số người được duyệt.
Thực hiện chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Nghị quyết số 116/NQ-CP, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg, tỉnh Cà Mau cũng đã triển khai rất khẩn trương. Cụ thể, về thực hiện giảm mức đóng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) từ 1% xuống bằng 0% trong 12 tháng cho đơn vị sử dụng lao động, đã có 1.102 đơn vị đã gửi thông báo. Số lao động được giảm đóng là 20.080 người. Số tiền giảm đóng sơ bộ: 14,869 tỷ đồng. Về hỗ trợ đối với lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp, tỉnh đã duyệt hỗ trợ 1.375 đơn vị, 23.528 lao động, số tiền 59,604 tỷ đồng. Về hỗ trợ đối với lao động đã dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp, tỉnh đã duyệt hỗ trợ 2.517 lao động, số tiền 5,134 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP; Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg, trước ngày 20/12/2021.
Nhìn chung, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh Cà Mau thời gian qua đã được đơn vị sử dụng lao động, người dân trên địa bàn tỉnh đồng thuận cao, lao động được hưởng chính sách hỗ trợ được tích hợp vào phần mềm quản lý lao động nhằm kịp thời phát hiện trùng lặp đối tượng hưởng hơn 01 định suất hỗ trợ, đối tượng thụ hưởng chính sách được linh hoạt hình thức chi trả đảm bảo an toàn sức khỏe trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp./.
Mỹ Hạnh
TAG: