An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Cà Mau: Chú trọng kiểm soát, cải thiện môi trường làm việc và chăm sóc sức khỏe cho người lao động
03:49 PM 18/08/2023
(LĐXH)-Hiện nay, các Sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã tích cực triển khai hoạt động chăm lo cho người lao động khó khăn, hạn chế tối đa tranh chấp lao động, thực hiện nghiêm quy định về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ... Từ đó giúp người lao động được làm việc trong môi trường đảm bảo an toàn, từ đó an tâm làm việc, gắn bó lâu dài cùng doanh nghiệp và địa phương phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cùng Chủ tịch LĐLĐ tỉnh trao quà cho đoàn viên, người lao động đặc biệt khó khăn, bị tai nạn lao động và mắc  bệnh nghề nghiệp
Cụ thể, để chăm sóc sức khỏe cho người lao động, thực hiện rà soát, đo kiểm môi trường lao động làm cơ sở xây dựng các biện pháp phòng ngừa rủi ro tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tích cực thực hiện quan trắc môi trường lao động và tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Riêng trong Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2023, đã có 311 cuộc quan trắc môi trường lao động tại 102 cơ sở sản xuất kinh doanh; tổ chức 40 cuộc khám sức khỏe cho 26.632 lao động. Một số đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp thực hiện tốt như: các đơn vị thuộc Sở Công thương tổ chức khám sức khỏe cho 10.621 lao động, Sở Y tế 1.327 lao động, thành phố Cà Mau 9.962 lao động, Công ty Điện lực Cà Mau tổ chức khám sức khỏe cho 825 lao động, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau tổ chức khám sức khỏe định kỳ 726 lao động, Viễn thông Cà Mau (VNPT Cà Mau) tổ chức khám sức khỏe cho 320 lao động, Công ty cổ phần cấp nước Cà Mau tổ chức khám sức khỏe cho 252 lao động, Công ty Điện lực Dầu khí Cà Mau tổ chức khám sức khỏe cho 233 lao động…
Để quan tâm, thăm hỏi động viên người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có hoàn cảnh khó khăn, các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp đã tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi tặng quà cho người lao động và gia đình người lao động. Trong dịp Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023, các cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 42 gia đình, người lao động bị tai nạn lao động. Cụ thể: Hội đồng An toàn, vệ sinh lao động tỉnh gồm Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với UBND Thành phố Cà Mau tổ chức thăm, tặng quà cho 10 lao động (mỗi suất quà trị giá 2 triệu đồng); Công ty Điện lực Dầu khí Cà Mau tổ chức thăm, tặng quà cho 1 gia đình; Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Cà Mau thăm, tặng quà cho 03 gia đình; Sở Công thương tổ chức thăm và tặng quà cho 12 gia đình; huyện U Minh thăm và tặng quà cho 06 gia đình; huyện Năm Căn tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 10 gia đình với số tiền 10 triệu đồng và hỗ trợ căn nhà “Mái ấm Công đoàn” cho 01 hộ đoàn viên công đoàn, với số tiền 40 triệu đồng; huyện Thới Bình thăm và tặng 41 phần quà với số tiền 20,5 triệu đồng và hỗ trợ nhà “Mái ấm Công đoàn” cho 04 hộ đoàn viên công đoàn, với số tiền 160 triệu đồng.
Ngoài ra, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức 04 đoàn đi thăm hỏi, động viên người lao động bị tai nạn lao động có hoàn cảnh khó khăn tại doanh nghiệp, với 710 suất quà (mỗi suất 500.000 đồng), trao tặng 19 căn nhà “Mái ấm Công đoàn”, với tổng số tiền là 745 triệu đồng cho các gia đình đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở nhân dịp Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2023; Đoàn cơ sở Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau tặng 1 căn nhà trị giá 50 triệu đồng cho hộ gia đình ở xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi, là công nhân bị tai nạn lao động mất 4 ngón tay, có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.
Tại các gia đình, các đoàn lãnh đạo đã ân cần thăm hỏi tình hình sức khỏe, cuộc sống của công nhân bị tai nạn lao động. Đồng thời động viên công nhân lao động bị tai nạn lao động vượt qua nỗi đau, khắc phục khó khăn, sống tích cực, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Có thể nói, hậu quả của tai nạn lao động là không đo, đếm hết được. Về phía chủ sử dụng lao động, thiệt hại là không nhỏ khi phải đứng trước các khoản chi phí y tế, bồi thường, trợ cấp cho người lao động. Mặt khác, uy tín của DN cũng bị ảnh hưởng; hoạt động sản xuất có thể bị gián đoạn. Song, thiệt thòi về phía người lao động vẫn nặng nề hơn hết. Không chỉ bị tổn hại về tính mạng, sức khỏe, khả năng làm việc, cuộc sống gia đình người lao động bị đảo lộn, có thể rơi vào tình trạng đói nghèo. Chính vì vậy, việc quan tâm cải thiện điều kiện lao động, thăm hỏi, tặng quà người lao động bị tai nạn trong quá trình lao động sản xuất đã góp phần động viên, an ủi và chia sẻ với các gia đình nạn nhân. Nhiều người lao động đã vượt lên hoàn cảnh, khắc phục khó khăn nhiều mặt để làm việc, chăm lo cho cuộc sống của bản thân và gia đình, đóng góp vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đồng  thời hoạt động này cũng là dịp để nhắc nhở trách nhiệm của các doanh nghiệp và toàn xã hội trong việc nâng cao ý thức về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động./.

Hằng Quyên
 
TAG: đo kiểm môi trường lao động khám sức khỏe cho người lao động
Tin khác
Nam Định: Khẳng định vị thế của Trung tâm Dịch vụ việc làm
Xã Hành Đức: Nỗ lực kết nối việc làm cho người nghèo
Huyện Đức Hoà (Long An) nỗ lực tìm kiếm giải pháp tạo việc làm ổn định cho người lao động
Long An chủ động kết nối doanh nghiệp đưa lao động sang Nhật Bản làm việc
Kiên quyết không để đối tượng xấu lừa đảo đưa lao động sang Úc làm việc bất hợp pháp
Dấu ấn trong phái cử lao động đi làm việc tại Hàn Quốc
Tăng cường kết nối cung – cầu lao động trên địa bàn tỉnh Nam Định
Thanh Hóa tăng cường kết nối cung cầu lao động
Huyện Quế Phong: Tích cực kết nối việc làm cho người lao động