An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Cà Mau: Áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động
01:12 PM 28/09/2023
(LĐXH)-Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức và sự tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động và người lao động; đảm bảo an toàn tính mạng cho người lao động, tài sản của Nhà nước, tài sản của doanh nghiệp, của tổ chức, cá nhân, tạo môi trường làm việc an toàn, hiệu quả, chất lượng, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh, tỉnh Cà Mau đã thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về an toàn, vệ sinh lao động; trong đó tập trung tuyên truyền về các biện pháp phòng chống tai nạn lao động, bệnh tật liên quan đến lao động và triển khai mở rộng áp dụng hệ thống quản lý, các mô hình điểm, hỗ trợ, tư vấn về an toàn, vệ sinh lao động.
Từ đầu năm đến nay, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội  Cà Mau (Thường trực Hội đồng An toàn, vệ sinh lao động) đã phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh và UBND thành phố Cà Mau tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng công nhân năm 2023 tại Công viên văn hóa Hùng Vương, thành phố Cà Mau với sự quan tâm của UBND tỉnh cùng toàn thể các sở, ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố Cà Mau cùng đại diện các doanh nghiệp tham gia và đã thu hút trên 500 đại biểu là công đoàn, viên chức, công nhân, người lao động đến dự. Tại buổi Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng công nhân năm 2023 với chủ đề “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc” “Kết nối công nhân, xây dựng tổ chức”, các cơ quan chức năng của tỉnh đã truyền thông, tuyên truyền rộng rãi tới các đơn vị, doanh nghiệp, người lao động và người sử dụng lao động chính sách, pháp luật về ATVSLĐ; tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức được trách nhiệm, sự tuân thủ các quy định pháp luật của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp về công tác ATVSLĐ và các biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động; chăm lo cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong quá trình lao động, sản xuất.
Hoạt động tuyên truyền về ATVSLĐ được thực hiện thường xuyên đối với các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau
Công tác thông tin, tuyên truyền về ATVSLĐ tại thời điểm trước, trong và sau Tháng hành động về ATVSLĐ đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tích cực hưởng ứng. Nhiều hoạt động thông tin, truyền thông, xây dựng các ấn phẩm tuyên truyền về ATVSLĐ, phát động triển khai các chiến dịch, phong trào thi đua về ATVSLĐ tại các doanh nghiệp được tổ chức thực hiện hiệu quả. Kết quả, tính đến tháng 7/2023 - thời điểm trước, trong và sau Tháng hành động về ATVSLĐ, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tổ chức 50 cuộc tọa đàm, phóng sự, tin bài, đưa tin trên truyền hình, báo chí; ban hành 29.972 ấn phẩm thông tin (sách, báo, tờ rơi, tranh áp phích, băng rôn); tổ chức tuyên truyền về Tháng hành động ATVSLĐ được 282 cuộc bằng nhiều hình thức khác nhau, thu hút khoảng 177.881 lượt người… Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người sử dụng lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh trong việc chấp hành pháp luật về ATVSLĐ.
Một số cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt các hoạt động như: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch treo 50 Băng gol, câu khẩu hiệu tuyên truyền về ATVSLĐ, phối hợp với Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh đưa tin tuyên truyền trên 01 tin/bài, phóng sự với thời lượng 10 phút; ngành Công Thương tuyên truyền 68 cuộc với 86.400 lượt người; các huyện, đơn vị, doanh nghiệp tuyên truyền trên 45.389 lượt.
Liên đoàn Lao động tỉnh đã thực hiện đăng 12 lượt tin, bài phóng sự về ATVSLĐ, cấp phát trên 540 ấn phẩm thông tin, tuyên truyền tại các doanh nghiệp có đông công nhân lao động.
Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến trong các hội viên nông dân tham gia các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động ATVSLĐ được 59 cuộc với 5.015 lượt người tham dự.
Công an tỉnh đã tổ chức 01 cuộc tọa đàm/hội nghị/hội thảo về ATVSLĐ với hơn 50 người tham dự, đăng tin tuyên truyền 02 phóng sự/tin bài, treo 18 băng rôn khẩu hiệu, phát hành 500 tờ rơi, ấn phẩm thông tin, áp phích… 
Theo đánh giá, công tác tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động cũng được các đơn vị trên địa bàn tỉnh Cà Mau luôn được chú trọng thực hiện, đổi mới, đa dạng về hình thức, nội dung, phổ biến Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật An toàn, vệ sinh lao động theo hướng đơn giản, dễ nhớ, dể hiểu. 
Nhằm đưa công tác ATVSLĐ trở thành một phong trào rộng rãi, góp phần xây dựng văn hoá an toàn trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã tổ chức phát động chiến dịch, phong trào thi đua, Cuộc thi tìm hiểu pháp luật về ATVSLĐ với 96 phong trào/chiến dịch, thu hút 114/1.954 tập thể/cá nhân tham gia. Trong đó, điển hình như: ngành Công thương tổ chức 03 phong trào, với 33 tập thể  và 766 cá nhân tham gia; Công ty Điện lực Dầu khí Cà Mau tổ chức 01 phong trào với 07 tập thể, 241 cá nhân tham gia; Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau tổ chức 01 phong trào với 26 tập thể, 125 cá nhân tham gia; Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Cà Mau tổ chức 01 phong trào với 04 tập thể và 66 cá nhân tham gia….Bên cạnh đó, có 02 doanh nghiệp, công ty tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật về ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ, cụ thể: Cty TNHH MTV Co.opmart Cà Mau tổ chức 01 cuộc với 118 cá nhân tham gia; Viễn thông Cà Mau (VNPT Cà Mau) tổ chức 01 cuộc với 179 cá nhân tham gia.
Tiếp tục nâng cao sự nhận thức về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong quá trình lao động, sản xuất; nâng cao trình độ, nghiệp vụ của người lao động, tính đến tháng 7/2023, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 35 lớp tập huấn, huấn luyện về ATVSLĐ cho 1.919 người; Trong đó: huấn luyện 70 người quản lý phụ trách công tác ATVSLĐ (nhóm 1), huấn luyện cho 40 người lao động làm công tác ATVSLĐ (nhóm 2), huấn luyện 862 lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ (nhóm 3), huấn luyện cho 606 người lao động (nhóm 4), huấn luyện cho 132 người làm công tác y tế (nhóm 5), huấn luyện cho 85 an toàn vệ sinh viên (nhóm 6) và huấn luyện cho 124 lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Một số đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động như: Sở Công thương đã phối hợp tổ chức 10 cuộc tập huấn trong ngành công thương với hơn 300 người tham gia; Sở Y tế phối hợp tập huấn trong lĩnh vực y tế được 8 cuộc với 197 người tham gia; Công an tỉnh tổ chức 01 lớp tập huấn, huấn luyện về công tác ATVSLĐ cho 45 người; Công ty Điện lục Cà Mau tổ chức 06 lớp tập huấn cho 734 người, Công ty Điện lực Dầu khí Cà Mau tổ chức 10 lớp tập huấn cho 300 lao động, Công ty TNHH MTV Co.opmart Cà Mau tổ chức 01 lớp tập huấn cho 101 lao động, Công ty Cổ phần Tôm Miền Nam chi nhánh Cà Mau tổ chức 01 lớp tập huấn cho 188 công nhân, người lao động…
Nhìn chung, qua triển khai công tác truyền thông, tuyên truyền về Tháng hành động về ATVSLĐ, chính sách pháp luật về ATVSLĐ, tại Cà Mau, các doanh nghiệp đã nhận thức rõ tác động của công tác ATVSLĐ đến năng suất, hiệu quả sản xuất, sự phát triển của doanh nghiệp nên đã quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân và các biện pháp chăm lo sức khỏe người lao động. Người lao động nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ đến sức khỏe và tính mạng nên chấp hành nghiêm nội quy, quy trình, quy phạm an toàn, trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình lao động. Qua đó, góp phần tạo tâm lý ổn định cho người lao động, tạo dựng mối quan hệ gắn kết giữa người lao động và doanh nghiệp./.

Mỹ Hạnh
TAG: tuyên truyền pháp luật về an toàn vệ sinh lao động
Tin khác
Bình Dương: Tăng cường các phiên giao dịch, kết nối việc làm góp phần tạo việc làm mới cho hơn 36.000 lao động
Giải pháp việc làm để đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Cam Ranh
Đắk Lắk đưa sàn giao dịch việc làm về địa phương giúp người lao động kết nối việc làm hiệu quả
Thành phố Bắc Kạn: Đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động
Trung tâm Dịch vụ việc làm Yên Bái tăng cường kết nối cung – cầu lao động
Nam Định: Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả
Nghệ An kết nối cung cầu tạo việc làm bền vững cho người nghèo
Nam Định: Hỗ trợ việc làm bền vững cho người nghèo
Quảng Ngãi hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động