Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Bước đi đột phá trong công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ
08:25 PM 06/09/2021
(LĐXH) Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để thu thập thông tin, rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sĩ; kết luận địa bàn, lập bản đồ tìm kiếm qui tập hài cốt liệt sỹ. Đây được coi bước đi có tính đột phá nhằm đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, qui tập hài cốt liệt sỹ.
Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ban chỉ đạo  (BCĐ) quốc gia 515 và các cơ quan chức năng để thu thập thông tin, rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sĩ; kết luận địa bàn, lập bản đồ tìm kiếm, qui tập hài cốt liệt sỹ với nhiều biện pháp thiết thực như: Tổ chức hội thảo; khảo cứu lịch sử, truyền thống; khai thác, sử dụng kết quả giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong chiến tranh; dữ liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội; cử cán bộ đi xác minh, đối chiếu từng danh sách, hồ sơ liệt sĩ; thành lập các tổ công tác nhập dữ liệu, đối chiếu, chuẩn hóa thông tin về liệt sĩ... Đến nay, nhiều đơn vị, địa phương đã cơ bản hoàn thành việc nhập dữ liệu; phân tách, chuyển giao danh sách liệt sĩ về các địa phương theo quê quán, địa bàn nơi hy sinh, nơi an táng ban đầu để phục vụ công tác xác minh, kết luận địa bàn, lập bản đồ và tổ chức tìm kiếm, qui tập hài cốt liệt sỹ, cung cấp thông tin cho thân nhân, gia đình liệt sĩ.
Ban Chỉ đạo 515 Quân khu 4 kiểm tra việc thực hiện lập bản đồ tìm kiếm,
quy tập hài cốt liệt sĩ tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Ban chỉ đạo quốc gia 515 ban hành hướng dẫn lập bản đồ tìm kiếm, qui tập hài cốt liệt sỹ; tổ chức tập huấn triển khai thực hiện đến cấp xã, phường. Đến nay, các địa phương trên toàn quốc cơ bản hoàn thành công tác kết luận địa bàn; một số địa phương lập được bản đồ tìm kiếm, qui tập hài cốt liệt sỹ ở 3 cấp (xã, huyện, tỉnh). Từ kết quả công tác rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ, kết luận địa bàn, lập bản đồ tìm kiếm, qui tập hài cốt liệt sỹ, nhiều địa phương, đơn vị tổ chức tìm kiếm, qui tập hài cốt liệt sỹ đạt hiệu quả.
Thực hiện lập bản đồ tìm kiếm, qui tập hài cốt liệt sỹ, theo đồng chí Đại tá Nguyễn Ngọc Quang, Trưởng Phòng Công tác mộ liệt sĩ, Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị), BCĐ quốc gia 515 lựa chọn hai tỉnh Hải Dương và Quảng Bình làm thí điểm. Dựa vào cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên địa bàn, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) hai tỉnh Hải Dương và Quảng Bình phân tách, cung cấp danh sách liệt sĩ theo thông tin nơi hy sinh, an táng ban đầu về ban CHQS các huyện. Từ đó, ban CHQS các huyện phối hợp với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện rà soát, đối chiếu, bóc tách danh sách liệt sĩ an táng ban đầu trên địa bàn gửi về các xã, thôn. Cùng với việc tiếp nhận danh sách liệt sĩ do ban huyện cung cấp, ban CHQS các xã chủ động phối hợp với cán bộ chính sách rà soát, đối chiếu thông tin liệt sĩ; tham mưu cho UBND xã chỉ đạo các thôn lồng ghép vào buổi sinh hoạt của các tổ chức chính trị-xã hội ở thôn, xóm để phát động phong trào, động viên nhân dân cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ. Đây là lần đầu tiên các phiếu thu thập thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ được phát đến từng hộ gia đình.
Từ kinh nghiệm của hai tỉnh Hải Dương và Quảng Bình, công tác kết luận địa bàn, lập bản đồ tìm kiếm, qui tập hài cốt liệt sỹ được tiến hành trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, quá trình kết luận rõ địa bàn, làm cơ sở lập bản đồ tìm kiếm, qui tập hài cốt liệt sỹ gặp không ít khó khăn, đồng chí Đại tá Nguyễn Bá Duẩn, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị cho biết: “Địa bàn tỉnh Quảng Trị có nhiều lực lượng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, chịu nhiều hy sinh, mất mát do hậu quả chiến tranh để lại; việc đăng ký, quản lý, lưu trữ hồ sơ về liệt sĩ, mộ liệt sĩ chưa đầy đủ. Sau chiến tranh, nhiều đơn vị đã giải thể, sáp nhập, chia tách, việc bàn giao hồ sơ, danh sách liệt sĩ, sơ đồ mộ chí lưu trữ giữa các đơn vị, địa phương còn nhiều hạn chế. Việc đó dẫn đến một số địa phương chưa xác định chính xác được số lượng hài cốt liệt sỹ an táng trên địa bàn, gây khó khăn cho quá trình kết luận địa bàn, lập bản đồ tìm kiếm, qui tập hài cốt liệt sỹ. Song với quyết tâm chính trị cao, bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thu thập thông tin, xác minh thông tin, đối chiếu thực địa, xác định tọa độ các phần mộ liệt sĩ, các khu vực liên quan đến nơi hy sinh, chôn cất ban đầu của liệt sĩ. Tổ chức vẽ sơ đồ mộ chí, làm cơ sở để vẽ bản đồ tìm kiếm, qui tập hài cốt liệt sỹ. Đến nay 125/125 xã, phường, thị trấn; 9/9 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Quảng Trị vẽ xong bản đồ tìm kiếm, qui tập hài cốt liệt sỹ”.
Theo báo cáo từ Văn phòng BCĐ quốc gia 515, đến nay, 100% cấp thôn, xã, huyện, tỉnh, thành phố trong cả nước đã tiến hành xong kết luận địa bàn. Đối với vẽ bản đồ TKQT HCLS, cấp xã đạt 100%, cấp huyện đạt 94,03% và cấp tỉnh đạt 93,65%.
Thiếu tướng Trần Quốc Dũng, Ủy viên BCĐ quốc gia, Chánh văn phòng BCĐ quốc gia 515, Cục trưởng Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị) nhấn mạnh: “Hiệu quả việc kết luận địa bàn, lập bản đồ tìm kiếm, qui tập hài cốt liệt sỹ mang lại là kết luận rõ địa bàn từ cấp thôn trở lên trong cả nước. Trên cơ sở đó, xác định địa bàn nào còn thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ để tập trung nguồn lực, kết nối các dữ liệu phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hải cốt liệt sỹ”.
Khánh Linh
TAG:
Tin khác
Hà Giang: Nỗ lực giải phóng những “vùng đất chết” trả lại đất đai an toàn để phát triển kinh tế - xã hội địa phương
Hỗ trợ nạn nhân mua bán người trở về tái hòa nhập xã hội bền vững
Doanh nhân - Thương binh Tạ Quang Uẩn: Băng qua khói lửa, vươn lên thương trường
Hiệu quả các dự án giảm nghèo bền vững ở huyện Hương Sơn
Thái Nguyên tập trung thực hiện công tác giảm nghèo
Triển khai công tác xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
Nhân rộng các mô hình giảm nghèo ở Mỹ Xuyên
Phát triển năng lực trẻ em - Hành động vì tương lai
Thị xã Hồng Lĩnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững