Bộ Y tế đề xuất COVID-19 là bệnh nghề nghiệp hưởng BHXH
Đề xuất đưa bệnh COVID-19 vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) của Bộ Y tế đang nhận được nhiều ý kiến ủng hộ và góp ý bổ sung đối tượng người lao động tại nơi làm việc nhiễm COVID-19.
Cần thiết, đảm bảo quyền lợi người lao động
Theo Bộ Y tế, bệnh COVID-19 là "bệnh nghề nghiệp khi phát sinh trong quá trình lao động do người lao động phải tiếp xúc với virus SARS-CoV-2". Đối tượng hưởng BHXH là người lao động tại các cơ sở y tế; làm việc tại phòng thí nghiệm SARS-CoV-2 (lấy mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu); làm việc, phục vụ trong các bệnh viện điều trị người nhiễm COVID-19, khu cách ly tập trung, cách ly y tế vùng có dịch, hỗ trợ người nhiễm COVID-19 tại nhà...
Người tham gia phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm SARS-CoV-2 như nhân viên làm công tác xuất nhập cảnh; chiến sĩ hoặc sĩ quan thuộc lực lượng công an, quân đội cũng được đề xuất.
PGS.TS Lương Mai Anh, Phó cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), nhấn mạnh: "Việc bổ sung bệnh COVID-19 nghề nghiệp vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH là rất cần thiết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động".
"Dự thảo thông tư ban hành được thực hiện với quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật rút gọn và đang được lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương theo quy định. Ý kiến của các bộ ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và các cơ quan đơn vị, địa phương đóng vai trò quan trọng cho việc hoàn thiện để sớm ban hành thông tư", PGS.TS Lương Mai Anh thông tin.
Nên mở rộng đối tượng
Ông Bùi Đức Nhưỡng, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Cục đã nhận được dự thảo đề xuất.
"Tất cả quy định về bệnh nghề nghiệp từ thủ tục, quy trình, ban hành đều do Bộ Y tế chủ trì. Những người lao động trong đề xuất nếu được hưởng sẽ nhận chế độ từ bảo hiểm như tất cả bệnh nghề nghiệp khác", ông Nhưỡng cho hay.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Thơ, quyền Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam), cho rằng hàng vạn người lao động nhiễm COVID-19 tại nơi làm việc cũng cần được bổ sung để giải quyết đồng bộ.
Theo luật sư Nguyễn Thiên Quang - Đoàn luật sư TP Hà Nội, Bộ Y tế cần sớm ban hành thông tư theo quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và có thể giảm bớt khâu thẩm tra vì tính cấp thiết lúc này. Sau đó, các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn người sử dụng lao động và các đối tượng khác thực hiện thông tư mới của Bộ Y tế để hỗ trợ người lao động đủ điều kiện.
Người lao động được lợi gì?
Căn cứ theo quy định tại Luật an toàn vệ sinh lao động 2015, nếu trường hợp bệnh lý phát sinh do COVID-19 được bổ sung vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH thì người lao động được người sử dụng lao động hỗ trợ chi phí chữa bệnh, các chi phí mà bảo hiểm y tế (BHYT) không chi trả và được trả phí giám định suy giảm khả năng lao động (kết luận suy giảm dưới 5%). Trường hợp người lao động chưa tham gia BHYT thì được thanh toán toàn bộ chi phí y tế.
Bên cạnh đó, người lao động được trả tiền lương khi nghỉ việc để điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động và giám định y khoa mức suy giảm khả năng lao động, khám bệnh nghề nghiệp hằng năm.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), trên 2.000 cán bộ y tế nhiễm COVID-19 khi làm nhiệm vụ. Trước đó, vào chiều 6-9 tại họp báo Chính phủ, trung tướng Tô Ân Xô, chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an, cho hay hơn 2.400 cán bộ, chiến sĩ công an bị nhiễm COVID-19. |
PV
TAG: