Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Việt Nam luôn nỗ lực thực thi các cam kết quốc tế về lao động
09:59 AM 18/01/2024
(LĐXH)- Đây là những chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại buổi tiếp và làm việc với ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện châu Âu (EU) vào chiều 17/1.
Việc làm thỏa đáng, bền vững phù hợp với Hiệp định EVFTA
Tại buổi tiếp, ông Bernd Lange đánh giá cao và rất ấn tượng với tiềm năng, khả năng, triển vọng trong hợp tác giữa EU và Việt Nam. Đồng thời, bày tỏ mong muốn được nghe lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trao đổi về tình hình triển khai Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), đặc biệt là tiến độ thực thi các cam kết quốc tế về lao động trong Hiệp định.
Trong đó, một số vấn đề khác cũng được ông Bernd Lange quan tâm đó là việc thực hiện các công ước của ILO mà Việt Nam đã gia nhập và kế hoạch phê chuẩn Công ước số 87 mà hai bên kỳ vọng sẽ thông qua vào năm 2023.
Quang cảnh buổi tiếp tại trụ sở Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Ngoài ra, Đoàn Nghị viện châu Âu cũng kiến nghị lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thúc đẩy các đơn vị đang phụ trách hai dự án "Việc làm thỏa đáng" và dự án "Đào tạo nhân lực chất lượng cao" đã ký kết.
Phát biểu tại buổi tiếp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết: Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, Việt Nam đã từng bước vượt qua những "cơn gió ngược", tăng trưởng kinh tế đạt mức tăng trưởng 5,05%. Trong đó, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được đảm bảo, thu đủ chi, xuất đủ nhập, lương thực đảm bảo, thị trường lao động được duy trì ổn định, xăng dầu đảm bảo…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thông tin: Ngày 24/11/2023, Trung ương ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đến năm 2030, tầm nhìn 2045 để đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới.
Nghị quyết này nêu định hướng xây dựng chính sách xã hội trong tình hình mới với tư duy đổi mới, chuyển từ cách tiếp cận chính sách xã hội với mục tiêu "đảm bảo và ổn định" sang "ổn định và phát triển".
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 42-NQ/TW sẽ từng bước chuyển từ bảo đảm an sinh cho đối tượng khó khăn, yếu thế sang thực hiện phúc lợi xã hội để mở rộng đối tượng được thụ hưởng thành quả phát triển chung của xã hội.
“Mục tiêu Việt Nam đề ra đến 2030 là sẽ trở thành quốc gia tiên phong về xây dựng chính sách xã hội và việc làm thỏa đáng, bền vững. Điều này phù hợp với chương 13 của EVFTA, trong đó có 3 vấn đề đột phá được xác định đều liên quan trực tiếp đến người lao động” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chào mừng Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện châu Âu Bernd Lange
Theo đó, thứ nhất là mục tiêu xây dựng thị trường lao động linh hoạt, đa dạng, hiện đại và hội nhập; xây dựng và phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; tôn trọng quyền người lao động và chủ sử dụng lao động dựa trên quan hệ 3 bên và công ước của ILO.
Thứ hai là tập trung xây dựng sàn an sinh tối thiểu. Trong đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 98% người dân có BHYT; đến năm 2030, 60% người lao động Việt Nam có BHXH.
Thứ ba là vấn đề nhà ở, xóa nhà tạm, nhà dột cho người dân, đặc biệt là ở vùng nghèo, vùng khó khăn. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, sẽ không còn nhà tạm, cùng với đó sẽ xây dựng 1 triệu căn hộ giá rẻ cho công nhân. Riêng năm 2024, cả nước phấn đấu hoàn thành được 130.000 nhà ở xã hội.
Ai làm nhiều, làm tốt, làm giỏi thì hưởng lương cao
Đối với vấn đề mà đoàn Nghị viện châu Âu quan tâm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, khẳng định: Việt Nam luôn thể hiện tinh thần nỗ lực, bền bỉ của mình trong việc thúc đẩy, thực thi các cam kết quốc tế về lao động trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), đặc biệt là chương về Thương mại và Phát triển bền vững của Hiệp định.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Chủ tịch Bernd Lange trao đổi vấn đề hai bên cùng quan tâm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, chia sẻ thêm: Việt Nam sẽ tiến hành cải cách tiền lương toàn diện từ 1/7/2024. Và đây thực sự là một cuộc cải cách tiền lương chứ không phải điều chỉnh chính sách tiền lương.
“Cùng với cải cách tiền lương khu vực công, Việt Nam sẽ cải cách tiền lương ở cả khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhà nước với 5 nội dung cải cách căn bản” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Như vậy, người quản lý và người lao động sẽ hưởng cùng một bảng lương. Nhà nước không can thiệp vào thang bảng lương của doanh nghiệp nhưng Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo lương tối thiểu (mức sàn) để bảo vệ người lao động (bên vẫn được xem là yếu thế hơn). Khi đó, theo vị trí việc làm, ai làm nhiều, làm tốt, làm giỏi thì hưởng lương cao.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ điều chỉnh chính sách lương hưu, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội. Dự kiến, có khoảng 20 triệu đối tượng sẽ được điều chỉnh chính sách cùng thời điểm 1/7/2024.
Đối với Công ước 87, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh: Không chỉ Nghị viện châu Âu quan tâm, Việt Nam cũng mong muốn sớm thông qua Công ước này. Tại thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chuẩn bị cơ bản những tài liệu, nội dung, đánh giá tác động cho vấn đề này.
Chủ tịch Bernd Lange đánh giá cao tiềm năng, khả năng, triển vọng trong hợp tác giữa EU và Việt Nam
Đối với dự án "Việc làm thỏa đáng" và dự án "Đào tạo nhân lực chất lượng cao", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cam kết sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị có liên quan sớm thúc đẩy hai dự án này. Bởi lẽ, hai dự án này cũng chính là định hướng Việt Nam đang hướng tới. Cùng với cải cách thể chế, đầu tư phát triển hạ tầng, vấn đề nguồn nhân lực, trong đó nòng cốt là đào tạo nhân lực chất lượng cao chính là một khâu đột phá chiến lược Đảng, Nhà nước đề ra.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết: Thời gian tới, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực sẽ được đặc biệt quan tâm. Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tập trung đào tạo lao động chất lượng cao để chiếm lĩnh những ngành nghề mới như chip bán dẫn, hydrogen, nhân lực làm tín chỉ carbon...

Trần Thắng

TAG: Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện châu Âu
Tin khác
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024
Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật