Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao Quyết định qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp
07:04 PM 21/08/2017
(LĐXH) Chiều ngày 21/8, tại Trụ sở Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) diễn ra cuộc họp triển khai thực hiện Quyết định 29/2017/QĐ-TTg ngày 3/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Đồng chí Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH phát biểu tại cuộc họp triển khai thực hiện Quyết định 29/2017/QĐ-TTg ngày 3/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.
Đến dự cuộc họp có đồng chí Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH); đồng chí Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; đồng chí Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hội Dạy nghề Việt Nam; đại diện một số Bộ, ban, ngành; các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ LĐ TBXH; lãnh đạo một số Sở LĐTBXH và cơ sở GDNN.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao Quyết định 29/2017/QĐ-TTg cho đồng chí Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN.
Điểm lại quá trình hình thành và phát triển của Tổng cục GDNN, đồng chí Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết: Nhìn lại lịch sử phát triển của cơ quan quản lý Nhà nước về GDNN từ sau Cách mạng tháng 8/1945 đến nay, chúng ta đã qua nhiều lần thay đổi tên gọi, chức năng với tính chất và qui mô phát triển khác nhau. Từ chỗ chúng ta chỉ có một bộ phận quản lý GDNN thuộc Bộ Lao động để đào tạo đội ngũ công nhân, cán bộ quốc phòng, y tế, nông nghiệp... theo hình thức trường lớp nhỏ, ngắn hạn, phân tán trong chiến khu, vùng tự do, vừa làm vừa học, phù hợp với hoàn cảnh “toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến”, đến nay mạng lưới cơ sở GDNN đã phát triển rộng khắp cả nước với 1.989 cơ sở, đa dạng về loại hình, trình độ và qui mô hoạt động, qui mô tuyển sinh hàng năm hơn 2,2 triệu người, nhờ đó cung cấp đội ngũ chuyên gia kỹ thuật, công nhân trình độ cao và hàng triệu lao động qua đào tạo nghề nghiệp theo yêu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao Quyết định của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH về đổi tên, nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý cho đồng chí Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN.
Trước nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nhân lực trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước, thực hiện Quyết định của Bộ Chính trị, ngày 23/5/1998, Chính phủ đã thành lập Tổng cục Dạy nghề thuộc Bộ LĐTBXH.
Sau khi Luật GDNN có hiệu lực thi hành, Chính phủ đã thảo luận, thống nhất và đồng thuận cao giao Bộ LĐTBXH thống nhất quản lý Nhà nước về GDNN trên phạm vi cả nước (tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 3/9/2016). Chính phủ đã ban hành Nghị định số 14/2017/NĐ-CP, trong đó đổi tên Tổng cục Dạy nghề thành Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cụ thể của Tổng cục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 29/2017/QĐ-TTg và có hiệu lực thi hành từ ngày 21/8/2017. Đây là niềm vui, vinh dự lớn của toàn ngành GDNN, đồng thời là trách nhiệm đòi hỏi thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ được giao đối với Tổng cục và đội ngũ cán bộ, công chức.
Đồng chí Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN báo cáo về quá trình hình thành, phát triển của Tổng cục GDNN.
Theo Quyết định số 29/2017/QĐ-TTg, Tổng cục GDNN là tổ chức thuộc Bộ LĐTBXH, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ LĐTBXH quản lý Nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về giáo dục nghề nghiệp (trừ sư phạm) trong phạm vi cả nước; quản lý, thực hiện các dịch vụ công về GDNN thuộc thẩm quyền theo qui định của pháp luật.
Tổng cục GDNN có tư cách pháp nhân, con dấu hình Quốc huy, có tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước, trụ sở tại thành phố Hà Nội
Tổng cục GDNN có 22 trách nhiệm, quyền hạn. Cơ cấu tổ chức của Tổng cục gồm: Vụ Đào tạo chính quy; Vụ Đào tạo thường xuyên; Vụ Nhà giáo; Vụ Cơ sở vật chất và thiết bị; Vụ Công tác học sinh, sinh viên; Vụ Kỹ năng nghề; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Vụ Pháp chế - Thanh tra; Văn phòng; Cục Kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao Quyết định về đổi tên, nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý cho đồng chí Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại cuộc họp: Tổng cục Dạy nghề đã đi qua một chặng đường rất dài, trầm có, sâu lắng có và thăng hoa cũng có, chúng ta đã đổi tên và đổi các cơ quan quản lý nhiều lần, nhưng có một vấn đề chung nhất không bao giờ thay đổi là lo công ăn việc làm, lo dạy nghề cho học sinh, sinh viên và những người có nhu cầu trong xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội trong việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của Việt Nam. Từ khi Trung ương quyết định tái lập lại Tổng cục GDNN, với sự vào cuộc quyết liệt của các đồng chí lãnh đạo Bộ LĐTBXH các thời kỳ, chúng ta đã có những bước đi tương đối dài, có những kết quả được xã hội khẳng định. Vai trò, vị trí của GDNN ngày càng được nâng lên. Chúng ta đang đứng trước rất nhiều thời cơ và thách thức, nhưng chắc chắn thách thức sẽ nhiều hơn.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng có những điểm mới đối với GDNN như sau: Thứ nhất là bản thân từ GDNN đã hàm chứa cái mới, Đảng và Nhà nước muốn chúng ta lưu tâm nhiều hơn đến vai trò sư phạm của GDNN, đến công tác hướng nghiệp cho người lao động, chứ không chỉ trang bị kiến thức về tay nghề. Và điều quan trọng hơn khi bàn về Quyết định 29/2017/QĐ-TTg, Thủ tướng đã lưu ý chúng ta cần chú trọng vào việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho xã hội để giải quyết bài toán hài hòa giữa thầy và thợ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao Quyết định về đổi tên, nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý cho đồng chí Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN.
Với việc ra đời của Quyết định 29 nói trên, chỉ việc triển khai Quyết định này thì không có gì thay đổi nhưng sau khi Triển khai Quyết định 29 với một tư duy mới, nhận thức mới, cách làm mới thì nhất định sẽ thay đổi, vì thế Bộ trưởng mong muốn từ đồng chí Tổng Cục trưởng đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức cần có nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về việc thay tên đổi họ này. Chính việc thay tên đổi họ này cũng là sự thay đổi về chất của giáo dục nghề nghiệp để chúng ta có một quyết tâm mới, cách làm mới, tư duy mới trong công việc, từ đó đầu tiên là sớm hoàn thành toàn bộ hệ thống văn bản pháp qui để toàn bộ hệ thống GDNN được vận hành trong khuôn khổ pháp lý đầy đủ, hoàn thiện và thông thoáng nhất. Thứ hai là chúng ta cần sớm hoàn thiện qui hoạch mạng lưới GDNN theo hướng tinh gọn, chất lượng nhất. Thứ ba là chúng ta phải tập trung vào 10 nhóm giải pháp đột phá, trong đó có 3 nhóm giải pháp có tính chất là mở đường, đột phá đối với GDNN, đó là: Tự chủ, kết nối với doanh nghiệp và chuẩn hóa. Thứ tư là sự nghiệp GDNN này không phải của riêng Tổng cục GDNN, của riêng Bộ LĐTBXH, cái chính là từ Tổng Cục GDNN phải làm chuyển đổi nhận thức của toàn xã hội để trước hết là thanh niên, các bậc phụ huynh có nhận thức đúng về GDNN, qua đó người không có khả năng, chưa có khả năng hoặc không có nhu cầu học đại học tự nguyện học nghề, và rồi khi ra trường họ có việc làm.
Đồng chí Bộ trưởng nhấn mạnh: “Hôm nay là một ngày rất có ý nghĩa, từ đồng chí Tổng cục trưởng, Tổng cục phó, 29 đồng chí cán bộ chủ chốt và tất cả các cán bộ, công chức, viên chức hãy đứng về cùng một phía, nhìn về cùng một mục tiêu, tất cả cùng chung hành động để sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp của chúng ta ngày càng thăng hoa, xứng đáng với niềm tin mà Đảng, Nhà nước và Bộ LĐTBXH đã giao cho chúng ta”.
Cũng tại cuộc họp, đồng chí Trịnh Minh Trí, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ LĐTBXH đã công bố và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã trao Quyết định 29/2017/QĐ-TTg cho đồng chí Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN và các Quyết định của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH về đổi tên, nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý đối với đồng chí Tổng cục trưởng, các Phó Tổng cục trưởng và 29 đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Tổng cục GDNN.
Các đại biểu cũng chứng kiến lễ gắn biển Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tại Trụ sở của Tổng cục tại số 37 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Thảo Lan
TAG:
Tin khác
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững
Một số định hướng cho việc làm bền vững ở Kiên Giang
Việc làm bền vững từ sự chủ động kết nối cung - cầu lao động ở Kiên Giang
Huyện Con Cuông (Nghệ An) hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho lao động địa phương
Tiểu dự án Hỗ trợ việc làm bền vững: Một số vướng mắc cần tháo gỡ
Huyện Yên Dũng (Bắc Giang): Đẩy mạnh tuyên truyền, kết nối việc làm cho người nghèo