Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm việc với TP.HCM về công tác phòng, chống TNXH
06:40 AM 11/06/2016

(LĐXH) - Ngày 10/6/2016, Bộ trưởng Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cùng Đoàn công tác gồm lãnh đạo Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Văn Phòng Bộ cùng đại diện Văn Phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Công an có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về tình hình công tác phòng, chống tệ nạn xã hội.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Đoàn công tác làm việc với lãnh đạo UBND TPHCM 

 

Tại buổi làm việc, ông Huỳnh Thanh Khiết – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố đã báo cáo tình hình triển khai công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm của thành phố. Trong những tháng đầu năm 2016, số người nghiện mới có xu hướng trẻ hóa và sử dụng nhiều loại ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp rất nguy hiểm.  4 tháng đầu năm 2016, có 448 trường hợp nhiễm mới HIV. Tính đến hết tháng 4 năm 2016, thành phố có 42.379 trường hợp nhiễm HIV được quản lý. Tính đến hết tháng 5 năm 2016, ước tính khoảng 28.500 bệnh nhân được điều trị ARV. Tổng số bệnh nhân tham gia điều trị Methadone là 4.029 người; hiện quản lý và tổ chức cai nghiện phục hồi, quản lý sau cai cho 7.225 người.

Đối với công tác quản lý người nghiện ma túy không nơi cư trú, ông Khiết cho biết: Qua 18 tháng thực hiện (từ ngày 5/12/2014 đến ngày 5/6/2016), tổng số người được phát hiện biểu hiện nghi vấn sử dụng ma túy và được xét nghiệm tìm chất ma túy là 21.914 người, tổng số người xét nghiệm dương tính với chất ma túy là 15.854 người. Cơ sở xã hội đã xác định tình trạng nghiện cho 10.173 người, trong đó nghiện heroin là 4.465 trường hợp, ma túy tổng hợp là 5.461 trường hợp; đã hoàn tất hồ sơ và đề nghị Tòa án nhân dân xem xét áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với 7.479 trường hợp. Tòa án nhân dân các quận, huyện xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 7.193 trường hợp.

Tuy nhiên, ông Huỳnh Thanh Khiết cũng nêu nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác này. Đó là việc triển khai Đề án đổi mới công tác cai nghiện gặp khó khi chưa có tài liệu, phương pháp điều trị nghiện, các biện pháp dự phòng và điều trị nghiện ma túy. Xử lý người nghiện ma túy không nơi cư trú ổn định còn nhiều cách hiểu, phối hợp chưa tốt giữa các địa phương nên thành phố kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương hỗ trợ tích cực thành phố nhanh chóng xác định nơi cư trú của người nghiện ma túy ở các tỉnh, thành phố khác.

 

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Đoàn công tác làm việc với lãnh đạo UBND và các Sở, ban ngành về công tác cai nghiện


Trước những vướng mắc của thành phố, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng: công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai không phải dễ dàng nhưng thành phố vẫn là nơi có những cách làm sáng tạo, triển khai nhiều mô hình có hiệu quả, phù hợp với đặc thù của thành phố. Tuy nhiên, thành phố cũng cần lưu tâm mấy vấn đề, đó là thành phố vẫn là địa bàn trọng điểm ma túy, vấn đề xu hướng trẻ hóa người nghiện, xu hướng sử dụng loại chất gây nghiện làm tình hình các tội phạm ma túy tại thành phố phức tạp hơn, gay go và hậu quả khó lường hơn.

Do đó, Bộ trưởng đề nghị: Thành phố Hồ Chí Minh với truyền thống đầu tàu của cả nước sẽ tích cực tổng hợp bài học kinh nghiệm  từ thực tiễn trong công tác phòng, chống tệ  nạn xã hội để đi sâu tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp, hướng đến thực hiện công tác cai nghiện ma túy dựa vào cộng đồng. Giáo dục gia đình là “gốc” căn bản, có tác động đến chính bản thân người nghiện và đồng hành, hỗ trợ người nghiện có thể cai nghiện, hòa nhập với cộng đồng.

Bên cạnh đó, thành phố tăng cường kiện toàn Ban chỉ đạo, nâng cao nhận thức về phòng và điều trị nghiện, trong đó huy động sức mạnh tổng hợp để triển khai nhiều giải pháp thực hiện Đề án quản lý người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định của thành phố.

Sáng cùng ngày, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng Đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với Cơ sở xã hội Bình Triệu, Trung tâm  tư vấn và cai nghiện ma túy thành phố.

 

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Đoàn Công tác thăm và làm việc với Cơ sở Xã hội Bình Triệu


Tại mỗi nơi đến, Bộ trưởng cùng Đoàn công tác đã tìm hiểu tình hình các mặt hoạt động của các cơ sở; ghi nhận những vướng mắc, kiến nghị của các cơ sở trong quá trình tiếp nhận, cắt cơn, điều trị nghiện ma túy; các trình tự thủ tục hồ sơ để Tòa án xem xét, quyết định đưa người nghiện không nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Làm việc tại Cơ sở xã hội Bình Triệu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung biểu dương tinh thần trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo, công nhân viên trong quá trình công tác. Đặc biệt, nêu gương Cơ sở đã có cách làm hay, ghi danh những học viên cai nghiện ma túy thành công để giáo dục ý thức, tinh thần cho những học viên còn lại cố gắng hoàn thành việc cai nghiện ma túy để hòa nhập với cộng đồng, xã hội.

Báo cáo với Bộ trưởng cùng Đoàn công tác, ông Lê Bá Hoàng – Giám đốc Cơ sở xã hội Bình Triệu cho biết: Cơ sở có chức năng và nhiệm vụ tiếp nhận người nghiện ma túy được giới thiệu hoặc bản thân người nghiện tự nguyện đến điều trị; tiếp nhận và điều trị cho người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ để Tòa án nhân dân xem xét, quyết định đưa vào cơ cở điều trị  nghiện bắt buộc. Hiện cơ sở đang quản lý 432 người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định, trong đó có 395 học viên nam và 37 học viên nữ.

Cơ sở xã hội Bình Triệu là nơi được Ủy ban nhân dân thành phố cho phép thực hiện Đề án “Quản lý, cắt cơn, giải đọc, tư vấn tâm lý cho người nghiên ma túy không cơ nơi cư trú ổn định tại các cơ sở xã hội trong thời gian lập hồ sơ để Tòa án nhân dân xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”. Theo đó, tính từ ngày 5/12/2014 đến ngày 9/6/2016, Cơ sở đã tiếp nhận 2.527 người nghiện không nơi cư trú ổn định, trong đó có 2.291 nam và 236 nữ.

 

 

Bộ trưởng thăm hỏi các học viên đang cai nghiện tại Cơ sở xã hội Bình Triệu

 

Bên cạnh đó, cơ sở đã cắt cơn, giải độc ma túy cho 2.527 ca, kết quả có 1.896 ca sử dụng ma túy tổng hợp, chiếm 75%; 631 ca sử dụng heroin, chiếm 25%; tổ chức chuyển giao 1.555 học viên cho các cơ sở khác và có 521 học viên chuyển giao về địa phương.

Tìm hiểu tình hình điều trị Methadone tại Trung tâm tư vấn và cai nghiện ma túy thành phố, Bộ trưởng đánh giá cao và hoan nghênh mô hình thí điểm triển khai Đề án “Điểm triển khai thực hiện Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone” của Trung tâm. Kết quả tính từ 15/5/2014 đến ngày 31/5/2016, Trung tâm tiếp nhận và khởi liều điều trị Methadone cho 359 bệnh nhân. Hiện có 287 người đang điều trị Methadone tại đây.

Riêng 6 tháng đầu năm 2016, Trung tâm thực hiện 499 lượt test cho bệnh nhân, trong đó test tiếp nhận đầu vào cho 70 bệnh nhân, test kiểm tra dò liều chuyển sang duy trì liều 124 lượt bệnh nhân, test kiểm tra bệnh nhân duy trì liều 305 lượt người.

Qua tìm hiểu tình hình thực tế của các cơ sở, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá: Điều đáng lo ngại tại TP.HCM là tình trạng gia tăng người nghiện ma túy tổng hợp nên thành phố cần vào cuộc quyết liệt; tăng cường đào tạo đội ngũ làm công tác cai nghiện tại các cơ sở. Việc triển khai điều trị nghiện ma túy cho người nghiện bằng Methadone và nỗ lực đưa người nghiện ma túy không nơi cư trú ổn định vào các cơ sở xã hội là hướng đi đúng, thể hiện tính nhân đạo, nhân văn để giúp họ thoát khỏi ma túy, tệ nạn xã hội. Hướng tới việc cai nghiện ma túy dựa vào cộng đồng là chủ trương phù hợp đối với điều kiện như hiện nay

Bộ trưởng cũng yêu cầu: Tại các cơ sở này cần có những trao đổi thông tin giữa người cai nghiện ma túy ở cơ sở với gia đình, nhất là kỹ năng tư vấn tâm lý và cắt cơn. Trong đó, với mô hình điều trị Methadone cần được duy trì tiếp tục và thành phố nên có những tổng kết kinh nghiệm nhằm giúp Bộ tổng kết, có sự điều chỉnh phù hợp và để có cơ sở nhân rộng.

                                                                                                                                                                               Thương Hoài

 

 

TAG:
Tin khác
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24
Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai cho vay các đối tượng đặc thù từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương