Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "...Hà Nội tạo cơ chế chính sách rõ ràng, nâng cao hiệu quả trong công tác cai nghiện ma túy..."
08:57 AM 13/09/2018
(LĐXH)- “Thời gian qua, Hà Nội đã rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống ma túy nên đã kìm chế được gia tăng. Thành phố có cơ chế chính sách rõ ràng như hỗ trợ 65% chi phí cho học viên cai nghiện tự nguyện và có phụ cấp cho cán bộ trực tiếp phục vụ đối tượng và gián tiếp là 1,4%, 1,25% tính theo mức lương cơ sở... để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy bắt buộc và tự nguyện với nhiều mô hình tốt...”.
Đó là ý kiến ghi nhận, biểu dương của đồng chí Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động – TBXH, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm trong chuyến kiểm tra thực tế tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 và Cơ sở cai nghiện ma túy số 5 thuộc Sở Lao động - TBXH Hà Nội chiều ngày 12/9.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm hỏi và nói chuyện với các học viên tại Cơ sở cai nghiện số 1
Tham gia cùng Đoàn công tác có ông Đoàn Hữu Bảy, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo Văn xã (Văn phòng Chính phủ), Thư ký Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; lãnh đạo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế); lãnh đạo đơn vị liên quan thuộc Bộ Lao động – TBXH; lãnh đạo Sở Lao động – TBXH Hà Nội...
Nhân rộng mô hình hiệu quả
Đoàn công tác đã kiểm tra công tác cai nghiện ma túy tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 đóng trên địa bàn xã Yên Bài (huyện Ba Vì) - nơi đang quản lý 323 học viên, trong đó có 294 học viên thuộc diện bắt buộc; Cơ sở cai nghiện ma túy số 5 ở phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) - nơi đang quản lý 230 học viên cai nghiện tự nguyện, 110 bệnh nhân điều trị thay thế bằng Methadone.  
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao công tác cai nghiện ma túy tại Hà Nội
Qua kiểm tra và khảo sát thực tế, thay mặt Đoàn công tác, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho rằng: Cai nghiện ma túy là công việc khó khăn, phức tạp, nhưng đã và đang được thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm chỉ đạo sát sao. Nhiều chính sách mới được thành phố triển khai mang lại hiệu quả, trong đó Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước triển khai chính sách hỗ trợ 65% chi phí cho học viên tại cơ sở cai nghiện tự nguyện; hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, nguồn sinh kế cho người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng. Từ các quy trình tiếp nhận học viên, cắt cơn, chăm sóc sức khỏe, tư vấn, lao động, trị liệu được thực hiện bài bản, khoa học và chặt chẽ đến một số mô hình mới được Hà Nội áp dụng đã mang lại hiệu quả tại các cơ sở cai nghiện như: “phòng hạnh phúc” dành cho những học viên cai nghiện tốt; nhà truyền thống, sân chơi thể thao…giúp học viên cai nghiện có không gian thư giãn...
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Đoàn công tác thăm mô hình dạy nghề cho học viên
Thị sát 2 cơ sở này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và đoàn công tác đã vào thăm từng khu vực nơi ăn chốn ở, xem xét chỗ ăn ở, lao động, vui chơi của học viên. Bộ trưởng quan tâm hỏi han các học viên vì sao nghiện, những ngày đầu cắt cơn có vất vả và có tâm tư nguyện vọng gì không? Trước sự quan tâm đó, học viên Nguyễn Đình T. (29 tuổi) đã hào hứng thể hiện quyết tâm cai nghiện để trở về hòa nhập cộng đồng và mong muốn được nâng số giờ lao động trị liệu lên 6 tiếng/ngày.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung động viên các học viên mới vào cơ sở cai nghiện
Ông Đỗ Trọng, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 5, cho biết: Từ năm 2015, cơ sở được giao nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, chữa bệnh cho người nghiện ma túy tự nguyện và điều trị chất dạng thuốc bằng thuốc thay thế Methadone, với khả năng tiếp nhận 300 học viên cai nghiện tự nguyện 250 bệnh nhân điều trị methadone. Việc giáo dục các kỹ năng sống để phòng, tránh tái sử dụng ma túy khi hòa nhập cộng đồng là hết sức cần thiết. Từ khi triển khai mô hình cai nghiện tự nguyện, Cơ sở đã cử cán bộ đến một số phường, xã, quận, huyện để làm công tác tuyên truyền, tư vấn, vận động người nghiện đến cơ sở để điều trị cai nghiện và uống thuốc thay thế methadone.
Ông Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở Lao động - TBXH Hà Nội báo cáo khái quát công tác cai nghiện ma túy
Tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 1, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh: Phải đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất cho tương xứng với công việc. Làm gì có chuyện  đòi hỏi cao mà không đầu tư, nhất là với công việc phức tạp như thế này. Công tác cai nghiện các chất ma túy là lĩnh vực đặc thù, rất khó, rất khổ, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Không chủ quan, nhưng vì sao hơn 20 năm qua, cơ sở cai nghiện ở đây bền vững, không xảy ra gì cả, không để “vỡ” cơ sở. Một thành tích đáng tự hào, một mô hình tốt cần nhân rộng.
Quyết tâm không để “vỡ” cơ sở cai nghiện ma túy    
Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Nguyễn Ái Ngọc, cho biết: Công tác quản lý học viên được duy trì nghiêm túc, chế độ quản lý học viên khép kín 24/24h. Đồng thời, bố trí, phân công, giao trách nhiệm cán bộ giám sát, kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động của học viên nhằm ngăn chặn, giải quyết kịp thời, triệt để những mâu thuẫn, bức xúc của học viên. Vì vậy, tâm lý, tư tưởng của học viên có sự ổn định, yên tâm điều trị, cai nghiện phục hồi, không xảy ra hiện tượng học viên đánh nhau có tổ chức hoặc bạo động, gây rối, bỏ trốn... 
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm mô hình dạy nghề điện tử cho học viên
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao đây là cơ sở cai nghiện tự nguyện tốt, mô hình tốt, song quan trọng nhất vẫn là người đứng đầu cơ sở khi có cách thức, cơ chế quản lý đảm bảo không để xảy ra “vỡ” cơ sở. Không chỉ thế, các cơ sở còn được còn đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, nhà xưởng, phòng tư vấn, chăm sóc ban đầu, phân loại học viên để điều trị, thiết kế các khu vui chơi, tổ chức lao động trị liệu cho học viên. Bộ trưởng cũng đã rất ấn tượng với “Ngôi nhà hạnh phúc”, dành cho những học viên có tiến bộ thì được đưa vợ con đến thăm nom và nhà tuyền thống của Cơ sở cai nghiện ma túy số 1…
Thăm hô hình dạy nghề may tại Cơ sở cai nghiện số 1
Kết luận buổi là việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, khẳng định: Trước sự diễn biến phức tạp của ma túy theo chiều hướng gia tăng, đặc biệt là ma túy đá và các loại ma túy tổng hợp. Do đó, Hà Nội không được chủ quan, không thỏa mãn với thành tích của mình, tiếp tục có cơ chế, chính sách, sự quan tâm chỉ đạo một cách cụ thể hơn, sát thực hơn và tìm ra những cách làm mới sáng tạo hơn. Thứ hai là khi chúng ta chấp nhận chuyện có chính sách đối với cai nghiện tự nguyện thì chắc chắn sẽ gia tăng số lượng ở các cơ sở cai nghiện nên phải có những giải pháp thiết thực. Chúng ta không vì trong sạch địa bàn mà đưa tất cả vào, nhưng cũng không vì chuyện đó mà đẩy các cháu ra ngoài đường.
Thăm nhà truyền thống của Cơ sở cai nghiện số 1
“Đến khảo sát thực tế 2 cơ sở tốt, điển hình này, để thấy với một công việc còn nhiều khó khăn, phức tạp, nhưng có điển hình, rằng hoàn toàn có thể làm được. Qua những mô hình này, làm thay đổi nhận thức của một số lãnh đạo ở một số địa bàn. Vì thế vai trò của lãnh đạo địa phương, của cấp ủy chính quyền, nhất là người đứng đầu vô cùng quan trọng để chỉ đạo, tạo sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ từ công an, quân đội đến chính quyền các cấp trong công tác quản lý cai nghiện. Cùng với các cơ chế hỗ trợ, đầu tư nâng cấp, cũng phải chủ động phối hợp bảo đảm an ninh trật tự, kiểm tra thường xuyên, liên tục thì mới tránh tình trạng học viên phá cơ sở bỏ trốn” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh.
Ông Đoàn Hữu Bảy, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo Văn xã (Văn phòng Chính phủ)
phát biểu ý kiến tại buổi kiểm tra và làm việc với các cơ sở cai nghiện ma túy thuôc Hà Nội
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng yêu cầu trong tháng 9 này, các đơn vị liên quan chỉ đạo 105 cơ sở cai nghiện trong cả nước phải có văn bản báo cáo đánh giá thực trạng tình hình của mình. Cùng với đó, Bộ Lao động - TBXH sẽ tổ chức các đoàn đi kiểm tra một số cơ sở trọng điểm, để trên cơ sở đó tổng hợp và báo cáo Chính phủ trong phiên họp chuyên đề thời gian tới.
Chí Tâm
TAG:
Tin khác
Sơn La: Năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,1%
Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật