An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Giảm nghèo thực sự trở thành cuộc cách mạng của toàn xã hội
06:00 AM 18/11/2023
(LĐXH)- Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại Hội nghị sơ kết 03 năm thược hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2023 được tổ chức ngày 17/11 tại tỉnh Lào Cai.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong. Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương; lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững của 63 tỉnh, thành phố và đại diện lãnh đạo 74 huyện nghèo của cả nước.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Lê Văn Thanh, cho biết: Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Đây là giai đoạn thứ 2 cả nước thực hiện chuẩn nghèo đa chiều, Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 đã thay đổi căn bản về mục tiêu, yêu cầu và đòi hỏi cao hơn so với giai đoạn trước. Đặc thù công tác giảm nghèo trước đây đã khó, giai đoạn này còn khó khăn hơn. Ngoài chiều về thu nhập còn phải giảm 6 chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản khác, chuyển hoàn toàn cơ chế hỗ trợ từ cho không sang hỗ trợ có điều kiện; trong khi đó địa bàn, đối tượng thực hiện Chương trình lại tập trung vào vùng lõi nghèo, địa bàn khó khăn nhất của cả nước. Vì vậy, mục tiêu giảm nghèo không chỉ đơn thuần là giảm nghèo về thu nhập mà cao hơn, toàn diện hơn, bao trùm hơn.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định công tác giảm nghèo thực sự trở thành cuộc cách mạng của toàn xã hội
“Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với người người nghèo. Đồng thời là sự cam kết của Việt Nam với quốc tế về chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 1-1,5%/năm, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; riêng các huyện nghèo, giảm tỷ lệ nghèo từ 4 - 5%/năm” - Thứ trưởng Lê Văn Thanh, phát biểu.
Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội phê duyệt với tổng kinh phí tối thiểu là 75 nghìn tỷ đồng được kết cấu thành 7 dự án thành phần và 11 tiểu dự án để thực hiện nhiều mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong Chương trình. Qua 03 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương quan tâm, cùng với sự tham gia, ủng hộ tích cực của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân nên bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực.
Đến nay, các chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cơ bản đều đạt được. Việt Nam cũng được cộng đồng quốc tế ghi nhận là điểm sáng về công tác giảm nghèo và là quốc gia duy nhất ở châu Á thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, địa phương đã rất cố gắng, nỗ lực tập trung giải quyết công tác giảm nghèo tại vùng lõi nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân đã có sự thay đổi, thời gian qua nhiều địa phương có hàng trăm hộ nghèo chủ động viết đơn xin thoát nghèo và chủ động nhường quyền hỗ trợ cho hộ khác. Người dân cũng không còn băn khoăn, e ngại khi nhận mình là hộ nghèo và tự mình vươn lên thoát nghèo…
Phát biểu chào mừng Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong, khẳng định: Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững thể hiện tính nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước nhằm giúp cho người dân, nhất là các vùng khó khăn có điều kiện phát triển sản xuất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng đời sống.
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong phát biểu chào mừng Hội nghị
“Cùng với cả nước, Lào Cai luôn coi công tác giảm nghèo là mục tiêu xuyên suốt, quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Là tỉnh biên giới, miền núi, điểm xuất phát thấp. Song hơn 30 năm qua, Lào Cai đã nỗ lực vượt khó vươn lên và đã đạt được những kết quả quan trọng; kinh tế - xã hội, bộ mặt đô thị và nông thôn phát triển, thay đổi nhanh chóng, tỷ lệ nghèo giảm. Tuy nhiên đến nay, Lào Cai vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn, vẫn là tỉnh nghèo của cả nước với 04/74 huyện nghèo/26 tỉnh, 66 xã đặc biệt khó khăn...” - Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong, thông tin.
Nhiều mô hình haycách làm sáng tạo
Nhìn lại kết quả trong quá trình triển khai thực hiện các chủ trương của Trung ương về giảm nghèo bền vững, nhiều tỉnh, thành phố đã có nhiều mô hình hay và cách làm sáng tạo, ban hành được các chính sách giảm nghèo đặc thù. Trong đó, công tác thông tin, tuyên truyền, truyền thông về Chương trình được đặc biệt quan tâm thực hiện, đổi mới phương thức thực hiện; công tác giám sát đánh giá được chú trọng, tăng cường. Các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã tổ chức 1.412 lớp tập huấn cho 181.875 lượt cán bộ làm công tác giảm nghèo; 36 đoàn học tập kinh nghiệm; khoảng 48.000 người dân được tập huấn và tổ chức thực hiện 1.056 đoàn kiểm tra, giám sát cấp tỉnh, 406 đoàn cấp huyện.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu khai mạc
Trong 3 năm, tổng nguồn vốn đã phân bổ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 là 23.529,867 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 21.855,107 tỷ đồng, chiếm 92,88%; ngân sách địa phương 1.494,67 tỷ đồng, chiếm 6,35%; nguồn vốn huy động 180,09 tỷ đồng, chiếm 0,77%. Giai đoạn 2021 – 2025, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê duyệt phân bổ 20.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển; phân bổ vốn đầu tư phát triển và sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương năm 2021, năm 2022, năm 2023…
Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều là 4,03%, giảm 1,17%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số là 21,02%, giảm 4,89%; tỷ lệ hộ nghèo 74 huyện nghèo là 38,62%; 01 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và đạt tiêu chí được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Ước năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 2,93%, giảm 1,1%; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33%, giảm 5,62%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82%, giảm 3,2%; dự kiến có thêm 09 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo...
Mặc dù đã có bước phát triển nhanh chóng song nhiều địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, khó khăn còn cao… Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ và tìm ra các giải pháp để thực hiện tốt hơn 04 vấn đề chính như: vai trò của công tác truyền thông nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèo bền vững để thực hiện Chương trình; kinh nghiệm và giải pháp nâng cao năng lực hoàn thiện văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình; giải pháp phát huy vai trò chỉ đạo, điều hành, phối hợp tổ chức nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn và phân cấp, phân quyền; nâng cao năng lực cán bộ thực hiện công tác giảm nghèo, đặc biệt là cán bộ cấp cơ sở.
Ông Sùng Đại Hùng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Giang tham luận tại Hội nghị
Trong đó, tỉnh Hà Giang với tham luận: Kết quả và giải pháp hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo; Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn gắn với hỗ trợ, giải quyết việc làm (tỉnh Bình Định); Giải pháp hỗ trợ đầu tư duy tu, bảo dưỡng trên địa bàn các đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo (tỉnh Bến Tre); Hiệu quả triển khai hoạt động đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (tỉnh Ninh Thuận và huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình)…
Việt Nam là điểm sáng trong công tác giảm nghèo
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá các báo cáo, tham luận của đại biểu rất sâu sắc. Những ý kiến này sẽ được Bộ tổng hợp, hoàn thiện để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đây chính là cơ sở để trình Chính phủ trong việc sửa đổi, đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm giao quyền để địa phương thực hiện chính sách một cách linh hoạt, hiệu quả.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đánh giá: Khách quan mà nói, đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng 3 năm qua, công tác giảm nghèo đạt được kết quả rất lớn và đáng được ghi nhận. Từ một nước đói nghèo, phải lo cái ăn, nay Việt Nam đã phát triển vượt bậc, hướng đến cuộc sống sung túc, hạnh phúc. Thực tế, Liên Hợp quốc đã đánh giá Việt Nam là một điểm sáng trong công tác giảm nghèo và là quốc gia duy nhất ở châu Á thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Đặc biệt, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững thực sự là một cuộc cách mạng của toàn xã hội.
Bà Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội phát biểu tại Hội nghị
“Trong chuyến thăm Việt Nam gần đây, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc còn bày tỏ, muốn chọn Việt Nam làm quốc gia tiên phong trong việc phát triển chính sách an sinh xã hội và xây dựng cơ chế việc làm thỏa đáng” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Thực hiện Chương trình này, cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, địa phương đã rất cố gắng, nỗ lực tập trung giải quyết công tác giảm nghèo tại vùng lõi nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Nhiệm kỳ này, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đòi hỏi cao hơn, khó hơn vì không chỉ giảm nghèo về thu nhập mà đòi hỏi giảm nghèo đa chiều, cao hơn, toàn diện hơn và bao trùm hơn. Càng thời gian cuối thực hiện Chương trình thì càng nhiều khó khăn hơn. 
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thẳng thắn chỉ rõ những khó khăn, tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện cần khắc phục, tháo gỡ trong thời gian tới.
“Kết quả giảm nghèo nói chung nhanh nhưng tính bền vững chưa cao. Nhiều hộ gia đình có thể trở lại diện nghèo sau một biến cố như thiên tai, địch họa, đau ốm, mất nhà, thậm chí là mất một vài con bò. Chương trình giảm nghèo giai đoạn này đã bước sang năm thứ 3 nhưng nhiều khâu, nhiều việc còn chậm, trì trệ, tư tưởng trông chờ vào Nhà nước còn phổ biến, cấp trên thúc làm mà cấp dưới chần chừ, e sợ” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhìn nhận.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đề nghị: Sau Hội nghị ngày hôm nay, các địa phương rà soát lại công việc đang thực hiện, còn tồn tại những gì thì tập trung vào xử lý vướng mắc đó; đôn đốc, tập trung, khẩn trương thực hiện giải ngân Chương trình một cách nhanh nhất, sử dụng nguồn kinh phí hiệu quả nhất và đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đã đặt ra.  
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình. Tới đây, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất Trung ương đồng ý chủ trương thí điểm mỗi tỉnh chọn ít nhất 01 huyện để trao quyền cho HĐND, UBND quyết định tất cả nội dung thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia với mục đích đạt được hiệu quả cao nhất; sau thí điểm sẽ rút kinh nghiệm và nếu thành công sẽ nhân rộng triển khai đại trà.
“Sau Hội nghị này, sự nghiệp, công cuộc giảm nghèo của cả nước sẽ có sự chuyển biến thực chất và huy động được sự vào cuộc tích cực của người dân tham gia Chương trình…” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn và tin tưởng.

Trần Thắng

TAG: 3 năm thược hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2023
Tin khác
An Giang: Không còn hồ sơ người có công với cách mạng tồn đọng thuộc quy định giải quyết
An Giang: Quan tâm, chăm lo đời sống người có công với cách mạng
Trọn vẹn nghĩa tình ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng
Lào Cai: Tập trung hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
An Giang chú trọng tôn tạo, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ
An Giang: Đa dạng các hoạt động truyền thông thúc đẩy công tác bình đẳng giới
An Giang: Tăng cường phối hợp thực hiện phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới
Phát huy bình đẳng giới trong một số cơ quan, đơn vị ở An Giang
Đẩy mạnh trợ giúp, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người khuyết tật