Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà và Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đồng chủ trì chương trình. Tham dự toạ đàm còn có các đại biểu của Uỷ Ban văn hoá, giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, các chuyên gia y tế, giáo dục về vấn đề tự kỷ, đại diện phụ huynh có con bị tự kỷ và nhà tài trợ Công ty Cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đồng hành khởi xướng dự án về tự kỷ...
Vấn đề trẻ tự kỷ đang được các cơ quan, ban ngành quan tâm, tìm hiểu để có cái nhìn toàn cục hơn
Tại Việt Nam chưa có con số nghiên cứu chính thức về số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ, nhưng theo thống kê sơ bộ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nước ta có khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỷ, nếu tính theo cách tính của Tổ chức Y tế thế giới, con số này chừng 500.000 và thực tế số lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị ngày càng tăng từ năm 2000 đến nay. PGS. Phạm Minh Mục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, nghiên cứu mô hình tàn tật ở trẻ em của Khoa Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Nhi Trung ương giai đoạn 2000-2007 cũng cho thấy, thực tế số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ đến khám năm 2007 tăng gấp 50 lần so với thời điểm 7 năm trước đó, xu thế mắc cũng tăng nhanh từ 122% đến 268% trong giai đoạn 2004-2007 so với năm 2000.
Từ thực tế đó, việc xây dựng trường học dành riêng cho trẻ được cha mẹ và nhiều nhà chuyên môn thực hiện, giúp các em có môi trường thuận lợi được can thiệp, được học tập, được vận động và vui chơi. Ở các tỉnh cũng bắt đầu hình thành nhiều cơ sở can thiệp đặc biệt, góp phần hạn chế những khó khăn về kinh tế cho gia đình, giúp các em có thể can thiệp và trị liệu lâu dài mà không làm ảnh hưởng đến công việc của bố mẹ. Ngày trước nhiều người cho rằng “Tự kỷ” chỉ có con nhà giàu mới bị nhưng theo WHO: “Tự kỷ là một loại khuyết tật phát triển suốt đời và rất khó chữa khỏi, được thể hiện trong vòng 3 năm đầu đời. Tự kỷ là do rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ. Tự kỷ có thể xảy ra ở bất kỳ cá nhân nào không phân biệt giới tính, chủng tộc, giàu nghèo và địa vị xã hội. Tự kỷ được biểu hiện ra ngoài bằng những khiếm khuyết về tương tác xã hội, khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, có hành vi, sở thích cũng như những hoạt động mang tính hạn hẹp và lặp đi lặp lại.”.
Với những gia đình có điều kiện, việc can thiệp và trị liệu cho con sẽ được diễn ra lâu dài và bền vững hơn, do đó việc trẻ tiến bộ, cải thiện hành vi và phát triển năng khiếu ở một vài lĩnh vực cho trẻ (hội họa, âm nhạc, hát, toán học...) sẽ là cơ hội giúp trẻ trở thành người có ích cho xã hội. Còn với những gia đình có hoàn cảnh kinh tế và thu nhập thấp, bố mẹ là công nhân tại các khu công nghiệp, hay bố mẹ là những công chức bình thường thì việc cho con can thiệp trị liệu lâu dài sẽ là một gánh nặng về kinh tế. Chính vì vậy việc đảm bảo một liệu trình can thiệp bền vững, giảm thiểu hành vi, xây dựng và củng cố những tác động tích cực giúp trẻ tiến bộ là khó thực hiện, đôi khi ở những trẻ em này sẽ là sự phát triển thụt lùi kèm với những rối loạn giác quan ngày càng nghiêm trọng. Điều đó là một yếu tố không nhỏ gây ra các vấn đề khó khăn cho sự phát triển xã hội sau này, là gánh nặng cho cả gia đình và xã hội.
Bà Vũ Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung Tâm Hừng Đông chia sẻ tại tọa đàm
Trước đó, ông Hoàng Văn Tiến, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cho biết, hoạt động hỗ trợ trẻ tự kỷ trong những năm gần đây đã được triển khai. "Từ năm 2014, Quỹ đã phối hợp với đối tác Hàn Quốc để thực hiện hoạt động hỗ trợ trẻ em tự kỷ trong các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ban đầu chỉ 100 đến 200 trẻ ở Thành phố sau đó chúng tôi hỗ trợ tiếp cho trẻ tự kỷ ở miền Trung và miền Bắc. Hiện tại Qũy hỗ trợ được khoảng trên 300 em trong các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đây là con số rất nhỏ so với số trẻ tự kỷ bởi thực sự chúng ta chưa đủ điều kiện”, ông Tiến chia sẻ.
Với mục tiêu góp phần xây dựng các chính sách của Đảng và Nhà nước cho trẻ em tự kỷ ở Việt Nam, chương trình toạ đàm "Vấn đề trẻ em tự kỷ ở Việt Nam" mong muốn đẩy mạnh công tác truyền thông vân động cộng đồng cùng tham gia vào các hoạt động can thiệp, hỗ trợ trẻ em tự kỷ.
Sau khi nghe Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) trình bày Dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" các đại biểu tham dự đã đóng góp những ý kiến tham luận về vấn đề trẻ em tự kỷ ở Việt Nam và các vấn đề chính trong dự án.
Dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" đề xuất tập trung vào 5 mục tiêu cơ bản: Biên tập và phát hành bộ tài liệu chuẩn về hỗ trợ trẻ em tự kỷ ở Việt Nam; Đào tạo nâng cao năng lực 100 cán bộ nòng cốt (giảng viên nguồn) về tuyên truyền và hỗ tợ trẻ em tự kỷ; Phổ biến kiến thức về tự kỷ cho 10.000 cha, mẹ, người chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em tự kỷ, người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và cộng đồng; Hỗ trợ 10.000 giáo viên, cán bộ dự án, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tiếp cận và chuẩn hóa kiến thức về tự kỷ tại Việt Nam. Thông qua kết quả phổ biến kiến thức có khoảng 4.000 trẻ em tự kỷ được hưởng lợi gián tiếp từ dự án để hòa nhập cộng đồng./.
Đăng Doanh