Bình Thuận: Phấn đấu giải quyết việc làm cho 20.000 lao động trong năm 2023
(LĐXH) - Năm 2023, toàn tỉnh Bình Thuận phấn đấu giải quyết việc làm cho 20.000 lao động; trong đó, vay vốn giải quyết việc làm cho 1.400 lao động. Tổ chức tuyển mới đào tạo nghề nghiệp cho 10.000 người, gồm: tuyển mới đào tạo trình độ cao đẳng cho 580 người, tuyển mới đào tạo trình độ trung cấp cho 700 người, tuyển mới đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho 8.720 người.
Năm 2022, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) phối hợp với các sở, ngành và địa phương tổ chức triển khai, tham mưu UBND tỉnh ban hành các Quyết định, chương trình, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo, đôn đốc, sự quan tâm, phối hợp của các sở, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện; nhờ đó, công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề đạt kết quả khá tốt. Toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 21.956 lao động, đạt 109,78% kế hoạch. Trong đó, vay vốn giải quyết việc làm 5.341 lao động, đạt 381,5% kế hoạch; cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh 3.712 lao động; có 232 lao động được các doanh nghiệp đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội đã giải quyết việc làm cho 12.671 lao động.
Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh (Sở LĐTBXH) tăng cường công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động cho doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh: Đã thực hiện tư vấn nghề, tư vấn việc làm cho 18.693 lao động/8.858 nữ đạt 169,9% so với kế hoạch; giới thiệu việc làm, cung ứng lao động cho 4.143 lao động/2.163 nữ, đạt 150,7% so với kế hoạch; thu thập thông tin về lao động, việc làm, các chế độ chính sách, mức lương bình quân và nhu cầu tuyển dụng lao động của 168 đơn vị, doanh nghiệp, khai thác 10.763 chỗ việc làm trống, đạt 215,3% so với kế hoạch; tăng cường tổ chứ các phiên giao dịch việc làm, đến nay đã tổ chức 18 phiên (08 phiên trực tiếp, 10 phiên trực tuyến) thu hút được 131 lượt doanh nghiệp và 2.221 lao động tham gia được các doanh nghiệp phỏng vấn, lựa chọn vào các vị trí việc làm phù hợp, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Trung tâm còn phát triển mạng thông tin về việc làm nhằm hỗ trợ các hoạt động thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu tìm kiếm việc, việc tìm người như đăng tin hồ sơ việc tìm người, người tìm việc trên website của Trung tâm và có 4.085.293 lượt truy cập lên trang Website http://vieclambinhthuan.com.vn. Qua đó đã giúp cho người lao động có nhu cầu tìm việc đễ dàng tiếp cận các thông tin việc làm, đáp ứng phần nào nhu cầu của người lao động và người sử dụng lao động.
Công tác đào tạo nghề được tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về công tác tuyển sinh, mở lớp đào tạo nghề ở các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và dưới 3 tháng. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động liên tục cập nhật, tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh trên trang tuyển sinh của cơ sở, thông qua các trang mạng xã hội (zalo, facebook, fanpage), xây dựng ứng dụng tuyển sinh trực tuyến trên website, phát hành hàng ngàn tờ rơi tuyển sinh tạo điều kiện thuận lợi cho người học tìm hiểu thông tin, đăng ký dự tuyển; các Trường cao đẳng, trung cấp tích cực phối hợp với các trường THCS, THPT tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh nhằm giúp các em nắm bắt đầy đủ các thông tin về giáo dục nghề nghiệp, giúp các em học sinh có cơ sở để lựa chọn vào học giáo dục nghề nghiệp; tuyển sinh thông qua đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên của Trường. Phối hợp với Báo Bình Thuận truyền thông về giáo dục nghề nghiệp dưới hình thức báo giấy và báo điện tử với tiêu đề “lựa chọn nghề phù hợp cho tương lai”; truyền thông về giáo dục nghề nghiệp trên Đài phát thanh truyền hình tỉnh. Kết quả, đã tuyển mới và đào tạo nghề nghiệp cho 17.930/10.000 người, đạt 179,30% so với kế hoạch. Trong đó: trình độ cao đẳng 596/605 người, đạt 98,51% so với kế hoạch; trình độ trung cấp 924/680 người, đạt 135,88% so với kế hoạch; trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng 16.410/8.715 người, đạt 188,30% so với kế hoạch.
Ngoài ra, Sở quan tâm đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong năm có 67 người là cán bộ quản lý, giáo viên tham gia tập huấn và được cấp giấy chứng nhận nghiệp vụ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp; 06 cán bộ, quản lý của các Trường tham gia lớp tập huấn về quyền con người; 52 cán bộ, quản lý của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham dự lớp đào tạo kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp, lớp tập huấn, bồi dưỡng về bảo đảm chất lượng và phát triển chất lượng giáo dục nghề nghiệp do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức.
Năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu giải quyết việc làm cho 20.000 lao động; trong đó, vay vốn giải quyết việc làm cho 1.400 lao động. Tổ chức tuyển mới đào tạo nghề nghiệp cho 10.000 người, gồm: tuyển mới đào tạo trình độ cao đẳng cho 580 người, tuyển mới đào tạo trình độ trung cấp cho 700 người, tuyển mới đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho 8.720 người.
Để triển khai thực hiện tốt hơn công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề trong năm 2023, Sở LĐTBXH Bình Thuận sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có uy tín, có đơn hàng tốt được tuyển dụng lao động tại địa phương. Tiếp tục chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động cho doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Nâng cao hiệu quả các phiên giao dịch việc làm tại các huyện, thị xã, thành phố. Thực hiện đầy đủ, kịp thời đúng quy định chính sách bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động.
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí tuyên truyền công tác tuyển sinh; tăng cường tư vấn, hướng nghiệp trong nhà trường. Đẩy mạnh tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực lao động có tay nghề cao cả về số lượng, chất lượng cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo; tạo mọi cơ hội và điều kiện thuận lợi để thực hiện hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, đa dạng, linh hoạt theo yêu cầu của người học và nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động. Tập trung triển khai tuyển sinh, tổ chức đào tạo các ngành nghề trọng điểm. Mở rộng hình thức đào tạo nghề theo hợp đồng đào tạo giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đảm bảo giải quyết việc làm cho người lao động sau khi tốt nghiệp khóa học nghề. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác giải quyết việc làm ở các địa phương, việc thực thi pháp luật tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về nội dung, chương trình giảng dạy và sử dụng kinh phí do ngân sách cấp để thực hiện hợp đồng đào tạo theo quy định của pháp luật./.
Hiền Minh
TAG: