Bình Thuận: Chủ động, kịp thời phân bổ nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
(LĐXH) - Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Thuận đã chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành tham mưu Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện.
Kết quả huy động nguồn vốn giai đoạn 2021-2023 thực hiện hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh: Năm 2021 là 1,177 tỷ đồng từ ngân sách trung ương (kinh phí được chuyển sang năm 2022). Năm 2022 là 25,290 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương phân bổ là 21,991 tỷ đồng, vốn đối ứng của địa phương là 3,299,3 tỷ đồng. Năm 2023 là 59,440 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương phân bổ là 51,687 tỷ đồng, vốn đối ứng của địa phương là 7,753 tỷ đồng. Tỉnh đã phân bổ kinh phí cho các địa phương và sở, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện; nguồn vốn được phân bổ tập trung chủ yếu thực hiện các dự án nâng cao năng lực, truyền thông giảm nghèo, kiểm tra, giám sát đánh giá chương trình, giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo…
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Thuận, nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo được phân bổ theo cơ chế bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý, tạo quyền chủ động cho các sở, ban, ngành, địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ của Chương trình; Ưu tiên bố trí vốn cho địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo; số hộ nghèo, hộ cận nghèo cao góp phần thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển, thu nhập và mức sống của dân cư giữa các địa bàn trong toàn tỉnh; bảo đảm công khai, minh bạch trong việc phân bổ nguồn vốn của Chương trình. Công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình được tỉnh đặc biệt quan tâm, cùng với nguồn vốn trung ương hỗ trợ, ngân sách tỉnh cân đối để thực hiện các dự án, chính sách giảm nghèo. Các chính sách giảm nghèo được triển khai tương đối đồng bộ và kịp thời, nhất là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho người nghèo, chính sách BHYT đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với học sinh, sinh viên... Nhờ đó, đời sống và thu nhập của người dân, đặc biệt là người nghèo được cải thiện, nâng lên. Các dự án, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội đã tạo điều kiện cho người nghèo, đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được thụ hưởng, có điều kiện vươn lên thoát nghèo.
Các địa phương trong tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền về cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội đối với người nghèo. Công tác vận động xã hội hóa, huy động nguồn lực trợ giúp cho người nghèo vượt qua khó khăn cũng được triển khai rộng khắp, thu hút được sự tham gia, hưởng ứng của toàn thể hệ thống chính trị cũng như cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
Tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải quyết cho 630 hộ nghèo vay với kinh phí 35,025 tỷ đồng; cho 1.573 hộ cận nghèo vay 89,417 tỷ đồng, 2.755 hộ mới thoát nghèo vay 135,803 tỷ đồng để đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh. Toàn tỉnh đã cấp thẻ BHYT cho 56.395 là người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo để khám, chữa bệnh; thực hiện đảm bảo việc miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh, sinh viên đang học tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài tỉnh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Quỹ “Vì người nghèo” đã vận động được 14,3 tỷ đồng/9,5 tỷ đồng, đạt 151,3%. Công tác hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp quan tâm thực hiện đạt kết quả tốt. Trong 9 tháng đầu năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận đã phối hợp trao tặng 37 căn nhà Đại đoàn kết với tổng trị giá 2,1 tỷ đồng; cấp huyện và cơ sở phối hợp trao tặng 64 căn nhà Đại đoàn kết và sửa chữa 02 căn với tổng trị giá 3,59 tỷ đồng. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội được Ủy ban MTTQ các cấp quan tâm triển khai thực hiện, góp phần chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, qua đó đã phối hợp trao tặng 80.646 phần quà với tổng trị giá 31,29 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cơ sở tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động từ thiện nhân đạo với 7.083 phần quà cho tín đồ, nhân dân thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn với tổng trị giá 2,815 tỷ đồng.
Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm. Cuối năm 2022, theo kết quả rà soát hộ nghèo, tỉnh Bình Thuận còn 8.659 hộ, chiếm tỷ lệ 2,58%, giảm 2.030 hộ so với đầu năm (10.689 hộ), giảm 0,62% so với tỷ lệ hộ nghèo đầu năm (3,20%). Hộ cận nghèo còn 14.355 hộ, chiếm 4,27%, giảm 639 hộ so với số hộ cận nghèo đầu năm (14.994 hộ), giảm 0,22% so với tỷ lệ hộ cận nghèo đầu năm (4,49%).
Tuy nhiên cũng theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Thuận, tiến độ phân khai và giải ngân nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững còn chậm. Việc lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội khác và việc huy động nguồn lực trong xã hội tập trung cho công tác giảm nghèo còn gặp nhiều khó khăn. Công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách giảm nghèo ở cơ sở chưa được thường xuyên nên có nơi người dân chưa nắm bắt được thông tin đầy đủ các chủ trương, chính sách giảm nghèo bền vững; nhận thức, trách nhiệm của người dân tham gia vào công tác giảm nghèo còn hạn chế; một số xã chưa làm tốt công tác tuyên truyền để làm thay đổi nhận thức của người dân trong thực hiện chương trình giảm nghèo. Thời gian tới, tỉnh Bình Thuận tiếp tục chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo. Triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án một cách thiết thực, mang lại hiệu quả, xây dựng các mô hình thực tế để áp dụng tại các địa phương./.
Hồng Phượng
TAG: