Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Bình Dương: Những khó khăn trong công tác thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp
05:33 PM 19/06/2023
LĐXH)- Thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tỉnh Bình Dương đang tập trung chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh nỗ lực triển khai các giải pháp tạo điều kiện cho lao động thất nghiệp được thụ hưởng chính sách theo đúng quy định. Tuy nhiên, bên cạnh đó tỉnh cũng gặp một số khó khăn nhất định.
Là địa phương có đông người lao động, tỉnh Bình Dương đặc biệt quan tâm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp
Thống kê hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 31.657 cơ quan, đơn vị thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, trong đó số cơ quan, đơn vị đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 18.335 đơn vị. Tổng số người giao kết hơp đồng lao động, hợp đồng làm việc là hơn 1,6 triệu người. Trong năm 2022, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 85.885 người. Số người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 82.576 người. Số người bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 2.998 người. Số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 80.187 người. Số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp là 1.846.916 triệu đồng. Số tiền chi hỗ trợ học nghề là 14.813 triệu đồng.
Trong tháng 5/2023, tỉnh Bình Dương có 7.760 người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trong đó số người làm việc ở các địa phương khác nộp là 1.467 người. Số người thất nghiệp có quyết định hưởng trợ cấp là 5.312 người (2.528 người có quyết định hưởng 03 tháng và 2.784 người có quyết định hưởng trên 03 tháng).
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tỉnh cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc nhất định. Cụ thể như:
Một là, về quy định về khai báo, cung cấp thông tin đối với NLĐ và DN:
- Đối với người lao động: khi khai báo về tình trạng có việc làm hàng tháng đối với NLĐ đang hưởng TCTN chủ yếu phụ thuộc vào sự trung thực của NLĐ, tuy nhiên đa số NLĐ không tự nguyện khai báo do sợ mất quyền lợi BHTN gây khó khăn cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh trong việc tiếp nhận hồ sơ, ban hành các quyết định chấm dứt, bảo lưu, thu hồi tiền.
- Đối với DN: chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm và quyền lợi của mình đối với chính sách BHTN nên chậm đóng, nợ đọng BHXH không thể chốt sổ BHXH cho NLĐ làm ảnh hưởng quyền lợi NLĐ; bên cạnh đó còn nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện tốt thông báo định kỳ về tình hình biến động lao động theo Nghị định số 28/2015/NĐ-CP nên gây khó khăn trong công tác cập nhật tình hình lao động tại các DN trên địa bàn tỉnh.
Hai là, khó khăn trong giải quyết chính sách hỗ trợ học nghề cho lao động BHTN:
Theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 và Nghị định số 143/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp thì Trung tâm chưa đáp ứng điều kiện về tên gọi Trung tâm theo quy định của pháp luật giáo dục nghề nghiệp. Theo đó kể từ tháng 02/2022, Trung tâm không thể tiếp tục thực hiện chức năng đào tạo nghề trình độ sơ cấp (thời gian đào tạo nghề trên 03 tháng). Điều này ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng ngành nghề đào tạo cho lao động BHTN bởi vì: (1) Trung tâm khó chủ động trong chiến lược lồng ghép hiệu quả các chính sách tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề và chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo Luật Việc làm, khó chủ động thực hiện hiệu quả nhất phương châm: “Đào tạo gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo”. (2) Sự thu hẹp phạm vi ngành nghề đào tạo gây bất lợi cho Trung tâm trong tổ chức, bố trí cho NLĐ được thụ hưởng chế độ hỗ trợ học nghề một cách thiết thực, thuận lợi và nhanh chóng nhất (về đơn vị đào tạo, thời gian và địa điểm đào tạo, ngành nghề học…). (3) Làm giảm hiệu quả trong thực hiện chủ trương đưa các chính sách lao động – việc làm đến gần hơn với người lao động yếu thế theo đúng bản chất an sinh xã hội, làm giảm cơ hội cho NLĐ được học tập để tìm việc làm, tự tạo việc làm, lập thân, lập nghiệp.
Người lao động tư vấn làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh
Hiện tại Trung tâm đang tăng cường công tác liên kết với các trường nghề để đào tạo cho lao động hưởng TCTN. Tuy nhiên có một số tồn tại: Học viên đăng ký học nghề thời gian đầu số lượng đông nhưng sau khoảng một vài tháng bắt đầu nghỉ học với lý do: bận việc gia đình, lớn tuổi, bận công việc, thời gian học, đi lại... nên số lượng học viên không đều theo thời gian học, tỷ lệ tốt nghiệp ít. Việc tuyển và thuê giáo viên giảng dạy các lớp học nghề và liên kết với các Trường nghề để đào tạo cho lao động hưởng TCTN còn khó khăn bởi học phí được tính theo số lượng học viên từng tháng (số lượng học viên mỗi tháng không đều, có những tháng học viên học quá ít). Mặt khác, công tác đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu thị trường lao động và sự phát triển xã hội nên khi có thay đổi thì ngành nghề đào tạo cũng phải thay đổi cho phù hợp.
 Học viên được hỗ trợ học nghề đăng ký học và muốn được học ngay để nhanh chóng tham gia vào thị trường lao động sau khi học xong, đồng thời Trung tâm cũng thực hiện mục tiêu tạo điều kiện cho người lao động thất nghiệp đăng ký học nghề được sớm quay trở lại thị trường lao động nên một yêu cầu đặt ra là Trung tâm phải thường xuyên và liên tục mở lớp theo tháng để đáp ứng nhu cầu học viên đăng ký hàng ngày cả đối tượng hưởng BHTN và tự do. Trong khi đó, các Trường nghề thì chỉ mở lớp theo học kỳ khai giảng cố định nên học viên sẽ không muốn tham gia học vì phải chờ đợi.
 Về tổng hợp báo cáo số lượng học viên thuộc đối tượng bảo hiểm thất nghiệp đăng ký học nghề còn hạn chế: mới chỉ có số liệu đào tạo nghề trực tiếp tại Trung tâm mà chưa tổng hợp đầy đủ được số liệu học viên đăng ký học nghề tại các cơ sở đào tạo nghề khác. Công tác kết nối với doanh nghiệp để tạo việc làm cho học viên sau khi hoàn thành khóa học nghề còn hạn chế.
Ba là, về phần mềm quản lý BHTN:
Hiện tại Trung tâm vẫn sử dụng phần mềm BHTN cũng như lưu trữ dữ liệu BHTN tại Server riêng của Trung tâm, được xây dựng theo Luật Việc làm và quy trình giải quyết BHTN “mô hình 01 cửa”: Giúp cán bộ tư vấn có đầy đủ thông tin về lao động – việc làm, thị trường lao động và định hướng đào tạo nghề. Có hệ thống thông tin hiển thị các kết quả của người lao động khi họ đến giao dịch. Có hệ thống đánh giá về thái độ phục vụ của cán bộ cũng như về sự hài lòng của người lao động. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ kết hợp hệ thống in và xử lý mã vạch vào phần mềm BHTN nhằm giải quyết chế độ BHTN cho người lao động nhanh chóng, chính xác.
Cục Việc làm yêu cầu đồng bộ dữ liệu BHTN tại các địa phương vào cơ sở dữ liệu dùng chung của Cục Việc làm. Tuy nhiên, cấu trúc lưu trữ dữ liệu của phần mềm BHTN tỉnh Bình Dương khác với cấu trúc lưu trữ dữ liệu của phần mềm Cục Việc làm. Do đó, phần mềm chung của Cục Việc làm chưa phù hợp đối với việc thực hiện giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại tỉnh Bình Dương là tỉnh có số lượng lớn hồ sơ (khoảng 85.000 hồ sơ/năm).
Bốn là, Trung tâm chưa kết nối được dữ liệu của Bảo hiểm xã hội về tăng, giảm lao động trong tháng
Việc được phép truy cập vào cổng thông tin của BHXH để biết thông tin về NLĐ theo số tài khoản cán bộ Trung tâm đối với Tỉnh có nhiều lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng BHTN như Bình Dương (một năm khoảng  85.000 hồ sơ và hơn 270.000 lượt người đến thông báo về việc tìm kiếm việc làm) thì nếu khi thực hiện tra cứu trên cổng thông tin BHXH Việt Nam thì cán bộ Trung tâm phải hàng ngày thực hiện theo thứ tự 07 bước cùng việc xác nhận mã OTP trên ĐTDĐ mới có thể đăng nhập tra cứu thông tin được và nếu tạm ngưng không truy cập khoảng hai giờ đồng hồ thì phải thực hiện đăng nhập lại từ đầu, làm mất thời gian. Thêm vào đó, việc tra cứu phải thực hiện đối với từng số sổ BHXH của từng người lao động, làm mất nhiều thời gian và nhân lực của Trung tâm trong việc tra cứu tình trạng của người lao động, ảnh hưởng đến việc xử lý hồ sơ tại Trung tâm có thể bị chậm trễ. Trong quá trình truy cập cổng thông tin để tra cứu về NLĐ thì có khi kết quả cho thông tin không chính xác, cụ thể có trường hợp vẫn để tình trạng NLĐ “đang làm việc” tại công ty cũ.
Năm là, về công tác thu hồi tiền TCTN của NLĐ:
Việc thu hồi tiền hiện nay gặp nhiều khó khăn như: Đa số NLĐ không hợp tác, không tự nguyện trong việc hoàn trả tiền TCTN đã nhận hoặc đưa ra lý do hoàn cảnh khó khăn nên không có tiền để hoàn trả. Nhiều trường hợp Trung tâm đã gửi tin nhắn, gọi điện thoại cho NLĐ nhưng NLĐ đã thay đổi số điện thoại và nơi cư trú nên Trung tâm không thể liên hệ để xác minh hoặc thực hiện thu hồi tiền
Trung tâm đã thực hiện gửi công văn đến các DN có NLĐ phát sinh đóng BHXH đề nghị cung cấp HĐLĐ để làm các thủ tục chấm dứt hoặc thu hồi tiền.
Sáu là, về giải quyết hồ sơ trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (1022): Kể từ ngày 07/5/2022, Trung tâm bắt đầu thực hiện tiếp nhận và xử lý hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, Trung tâm gặp một số vấn đề khó khăn như sau:
(1) Về phía cơ quan BHXH: Khi người lao động nộp hồ sơ trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, bảo hiểm xã hội không kiểm tra hồ sơ của người lao động trước khi chuyển sang Trung tâm. Kết quả: dẫn đến hồ sơ sai sót rất nhiều (như: sổ bảo hiểm xã hội chốt sai, thiếu quá trình đóng, ...).
(2) Một số lượng lớn người lao động (nhất là LĐPT, lớn tuổi, ...) không biết sử dụng phần mềm dịch vụ công.
(3) Phần mềm không cảnh báo (hoặc chặn) người lao động nộp nhiều bộ hồ sơ cùng lúc (nếu nộp ở nhiều tỉnh hoặc vừa nộp trực tiếp vừa nộp trực tuyến sẽ gây khó khăn cho việc giải quyết hồ sơ của người lao động).
(4) Phần mềm không có chức năng trả hồ sơ về cho bảo hiểm xã hội khi Trung tâm phát hiện hồ sơ bị sai (do bảo hiểm xã hội ...).
(5) Phần mềm không có chức năng bổ sung hồ sơ khi người lao động nộp thiếu: người lao động phải chờ bảo hiểm xã hội hoặc Trung tâm trả lời mới biết để nộp lại hồ sơ mới, dẫn đến quá hạn nộp hồ sơ cho lần tiếp theo.
(6) Phần mềm chưa có quy trình cụ thể về thời gian tiếp nhận và xử lý hồ sơ dịch vụ công ở từng cơ quan (Trung tâm, BHXH). Đồng thời, trong tin nhắn người lao động nhận được cũng chưa thể hiện là hồ sơ đang được cơ quan nào tiếp nhận xử lý? thời gian bao lâu?
(7) Sau khi Sở LĐ-TB&XH phê duyệt quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động: phần mềm không gửi tin nhắn lưu ý cho người lao động qua dịch vụ công và cũng không hướng dẫn người động làm gì sau khi nhận tin nhắn. Bởi vì: nếu người lao động không đọc hết nội dung trên quyết định và phụ lục kèm theo, sẽ dẫn đến tình trạng người lao động không biết lịch đi thông báo tìm kiếm việc làm tháng thứ nhất, kết quả họ bị bị tạm dừng hưởng TCTN.
(8) Phần mềm không có mục hỏi đáp mà chỉ có phản ánh khiếu nại: khi người lao động muốn hỏi đáp mà gửi vào phản ánh khiếu nại, khi đó Trung tâm phải trả lời bằng văn bản gây mất nhiều thời gian.
(9) Phần mềm dịch vụ công hiện chưa được kết nối, đồng bộ dữ liệu với phần mềm một cửa (phần mềm bảo hiểm thất nghiệp). Theo đó, Trung tâm phải nhập lại toàn bộ hồ sơ và xử lý trên giấy như hồ sơ nộp trực tiếp, làm mất nhiều thời gian xử lý hồ sơ./.
Hồng Phượng
 
TAG:
Tin khác
Phú Thọ tích cực thu thập thông tin về người lao động, góp phần hỗ trợ việc làm bền vững
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững