An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Bình Dương: Nâng cao nhận thức về chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động
02:08 PM 25/03/2021
(LĐXH) - Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp, tập trung nhiều khu công nghiệp với nhiều công ty, xí nghiệp đang hoạt động thu hút số lượng lớn người lao động (NLĐ). Do đó, nhiệm vụ bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho NLĐ cũng như tuyên truyện, nâng cao nhận thức về chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN luôn được tỉnh quan tâm thực hiện.
Thực hiện Kế hoạch của Ban chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động Trung ương về việc triển khai Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2021, Ban chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động tỉnh Bình Dương ban hành kế hoạch yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều hoạt động trước, trong và sau Tháng hành động, trong đó có các nội dung: Nhận diện các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại; phân tích khả năng xuất hiện và hậu quả của việc mất an toàn, vệ sinh lao động phát sinh từ yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại được nhận diện để trên cơ sở đó tổng hợp kết quả đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động; đề xuất các biện pháp nhằm chủ động phòng, ngừa TNLĐ, BNN, cải thiện điều kiện lao động, phù hợp với tình hình thực tế của cơ sở sản xuất, kinh doanh;  Rà soát, xây dựng nội quy, quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị, vật tư tại nơi làm việc và tổ chức hướng dẫn cho người lao động học tập; Tự kiểm tra về an toàn, vệ sinh của máy, thiết bị, hệ thống điện, nhà xưởng,… và việc chấp hành các quy trình, biện pháp làm việc an toàn tại nơi làm việc, các quy định của pháp luật về ATVSLĐ-PCCN; Tổ chức huấn luyện về ATVSLĐ-PCCN cho người lao động, củng cố mạng lưới an toàn vệ sinh viên, bộ phận phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động tại doanh nghiệp; Hướng dẫn người lao động nhận biết các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc bằng các tài liệu, hình ảnh, âm thanh, cuộc thi tìm hiểu về ATVSLĐ-PCCN nhằm nâng cao nhận thức tự bảo vệ sức khoẻ, tính mạng người lao động và bảo vệ tài sản của doanh nghiệp; Tổng vệ sinh, sắp xếp khu vực làm việc; Treo các băng rôn có khẩu hiệu tuyên truyền trước cổng và trong khu vực sản xuất, làm việc của doanh nghiệp…
Đối tượng hưởng chế độ TNLĐ-BNN đã được mở rộng trên cơ sở phù hợp với đối tượng đóng BHXH
Trước đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương đã tổ chức Hội nghị tập huấn nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN cho các sở, ngành, các huyện, thành phố và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tại Hội nghị tập huấn, các đại biểu đã thông tin, phổ biến các nội dung về pháp luật lao động, Luật An toàn, vệ sinh lao động, trong đó có quy định về đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động; các chế độ, chính sách đối với người bị TNLĐ, BNN; trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động và công tác quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động; Luật Bảo hiểm xã hội và một số quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; Thông tư số 26 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc; trình tự, thủ tục giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm TNLĐ, BNN.
Đặc biệt, theo quy định mới thì chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN có nhiều thay đổi như: Hỗ trợ 100% chi phí chữa bệnh cho người lao động. Quy định này áp dụng cho người lao động phát hiện bị bệnh nghề nghiệp khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp. Mức hỗ trợ kinh phí chữa bệnh không quá 15 triệu đồng, bằng 50% chi phí chữa bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá chữa bệnh nghề nghiệp tại thời điểm người lao động chữa bệnh nghề nghiệp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 15 triệu đồng/người. Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là hai lần và chỉ được nhận hỗ trợ một lần trong năm.
Theo Điều 54 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do TNLĐ hoặc bệnh tật do BNN, trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 - 10 ngày cho một lần bị TNLĐ, BNN. Nhưng, tại Điều 9 Nghị định 88/2020/NĐ-CP quy định số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, nghỉ hằng tuần theo quy định của pháp luật về lao động...
Hội nghị tập huấn được tổ chức thành công với nhiều nội dung thiết thực đã giúp cho người sử dụng lao động, các cán bộ làm công tác tổ chức lao động, an toàn, vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp nắm vững và triển khai thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN, giải quyết tốt chính sách, chế độ cho người lao động tại các doanh nghiệp.

Nhằm triển khai sâu rộng chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN trong các đơn vị, doanh nghiệp, nâng cao ý thức của người sử dụng lao động trong việc chấp hành đầy đủ quy định, BHXH Bình Dương chỉ đạo BHXH các thành phố, quận, huyện và các đơn vị, ngành liên quan tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách đến từng đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn; hướng dẫn cách thức tham gia, giải quyết chế độ chính sách cho các trường hợp cụ thể bảo đảm nhanh chóng, chính xác. Bên cạnh việc tuân thủ pháp luật về BHXH thì các doanh nghiệp nhất thiết phải xem trọng công tác phòng ngừa, hạn chế thấp nhất xảy ra TNLĐ; bản thân NLĐ cũng cần phải chủ động theo dõi, bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách tham gia BHXH, BHYT đầy đủ, để hạn chế những rủi ro xảy ra.


Thảo Lan
TAG:
Tin khác
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững
Một số định hướng cho việc làm bền vững ở Kiên Giang