An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Bình Định triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững
03:00 PM 22/10/2018
(LĐXH)- Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, thời gian qua, tỉnh Bình Định đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực và tập trung vào một số chỉ tiêu như: cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các cơ chế, chính sách giảm nghèo...
Đặc biệt, thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, Bình Định đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo chung xuống còn dưới 6%, bình quân mỗi năm giảm từ 1,5% - 2%/năm; riêng các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm 5%/năm. Cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng lên 1,5 lần; các huyện nghèo, xã nghèo, thôn đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần. Đồng thời, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống của người nghèo và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, chính sách phát triển sản xuất, đất sản xuất, chính sách tín dụng ưu đãi, chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế, giáo dục và đào tạo, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin.
Cán bộ Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội huyện Phù Mỹ (Bình Định) giải ngân cho hộ nghèo
Cụ thể, Bình Định sẽ tập trung nguồn lực đưa 30% số xã (từ 5 đến 6 xã) đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, 20% - 30% số xã (từ 5 đến 8 xã), 9 - 14 thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh phù hợp quy hoạch dân cư và quy hoạch sản xuất, đảm bảo phục vụ có hiệu quả đời sống và phát triển sản xuất của người dân. 100% đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; 70% đường trục thôn, làng và đường liên thôn, làng ít nhất được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm.
Bên cạnh đó, để đảm bảo cho các hộ nghèo có điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh phấn đấu nâng thu nhập của hộ nghèo tham gia mô hình giảm nghèo tăng 20 - 25%/năm, bình quân mỗi năm có 15% hộ tham gia mô hình thoát nghèo, thoát cận nghèo. Tập trung đào tạo nghề cho 15.000 lao động nông thôn (Đề án 1956), lao động qua đào tạo, bồi dưỡng nghề đạt 56%; hỗ trợ đào tạo nghề và giáo dục định hướng cho 1.000 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số, trong đó khoảng 50% lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Tỉnh cũng đặt mục tiêu 100% xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế; 100% xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân. 80% số xã có cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn nông thôn mới; 99% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương, MTTQ, các sở, ban, ngành, đoàn thể ở Bình Định đã xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm nên đã tích cực vận động các tầng lớp nhân dân tham gia với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững đã đề ra. Từ đó, chú trọng tập trung phát triển sản xuất, ngành nghề, chuyển giao khoa học, công nghệ, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, vay vốn, xuất khẩu lao động, tạo điều kiện thuận lợi để hộ nghèo, hộ cận nghèo ổn định cuộc sống, góp phần thúc đẩy nền kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Trong năm 2018, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, tổng kinh phí Nhà nước đã cấp cho Bình Định gần 161 tỷ đồng; trong đó, kinh phí Chương trình 30a là gần 110 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng (các huyện nghèo hơn 55 tỷ đồng, 16 xã bãi ngang 16 tỷ đồng); hỗ trợ sự nghiệp trên 38 tỷ đồng (các huyện nghèo hơn 31 tỷ đồng, 16 xã bãi ngang gần 5,5 tỷ đồng, xuất khẩu lao động là 2 tỷ đồng). Chương trình 135, kinh phí gần 48 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn, hỗ trợ sự nghiệp và nâng cao năng lực cho cộng đồng, cán bộ xã, thôn. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã giải ngân vốn tín dụng cho hơn 25.000 hộ vay vốn ưu đãi, kinh phí thực hiện gần 862 tỷ đồng; trong đó có 5.671 lượt hộ nghèo vay trên 225 tỷ đồng, 4.588 lượt hộ cận nghèo vay hơn 212 tỷ đồng, 2.592 lượt hộ mới thoát nghèo vay 120,7 tỷ đồng, 517 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay trên 17 tỷ đồng…

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
TP Lào Cai tặng quà Tết cho gia đình người có công bị ảnh hưởng cơn bão số 3
Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội tích cực tổ chức các hoạt động từ thiện, xã hội nhân dịp Tết Ất Tỵ
Nhân rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên vùng đất Thép Thái Nguyên
Du khách mang thuốc lá điện tử vào Việt Nam có thể bị xử tù
Bé gái sơ sinh bị bỏ rơi kèm mảnh giấy: ‘Em là sinh viên, không nuôi được con’
Thị trường bưởi, quất cảnh 'vỉa hè' ảm đạm
Đọ dáng linh vật Tết Ất Tỵ: “Bé Na” nào sẽ đăng quang?
Những khu giải trí từng hot nhất Hà Nội: Hoàng kim rồi vụt tắt
“Bữa ăn hạnh phúc” cùng 662 phần quà được trao cho học sinh trường Khao Mang