An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Bình Định: Triển khai hiệu quả công tác trợ giúp người khuyết tật
11:15 AM 19/10/2018
Tỉnh Bình Định hiện có trên 32 nghìn người khuyết tật (NKT), chiếm 1,98% dân số. Trong đó, có 8.442 NKT đặc biệt nặng, chiếm tỷ lệ 26,08%; 20.324 NKT nặng, chiếm tỷ lệ 62,78 %; 3.606 NKT nhẹ, chiếm 11,14 %. Thời gian qua, nhờ sự quan tâm thực hiện đồng bộ các chính sách trợ giúp, đời sống của NKT trong tỉnh đã ổn định và từng bước nâng lên. NKT được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách theo quy định.
Căn cứ Luật Người khuyết tật và các Nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành, Sở LĐTBXH đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện chính sách trợ giúp NKT. Các sở, ngành liên quan, địa phương đã cụ thể hóa các chính sách của Nhà nước về trợ giúp NKT trên địa bàn bằng việc ban hành các quyết định về quy định chế độ trợ cấp, trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội nhằm đảm bảo thực hiện quyền của NKT; trợ giúp pháp lý cho NKT khi có nhu cầu cần trợ giúp.
Các cấp, các ngành trong tỉnh đã tập trung tuyên truyền rộng rãi những chủ trương, chính sách trợ giúp đối với NKT với nhiều hình thức như: Biên soạn, in ấn và cấp phát hàng ngàn tờ rơi, cẩm nang truyền thông về Luật Người khuyết tật; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; tổ chức hoạt động thăm, tặng quà NKT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhân các ngày lễ, tết; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác trợ giúp NKT ở các cấp; tuyển sinh, đào tạo trình độ trung cấp công tác xã hội...
Trong công tác xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy nhận mức độ khuyết tật,  căn cứ Thông tư liên tịch số 37/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BTC-BGDĐT của Bộ LĐTBXH, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện, tỉnh Bình Định có 159/159 (100%) cấp xã đã thành lập Hội đồng xác định mức độ khuyết tật và thực hiện tốt công tác xác định mức độ khuyết tật, cấp giấy xác nhận khuyết tật cho NKT. Tuy nhiên theo chính sách trợ giúp hiện nay nhóm NKT nhẹ hầu như chưa có chính sách nào đáng kể, vì vậy phần đông NKT không đăng ký để xác định mức độ khuyết tật, nên không được cấp giấy chứng nhận, do vậy thống kê NKT nhẹ chỉ chiếm hơn 11 % so với tổng số NKT.

Lãnh đạo Sở LĐTBXH tỉnh tặng quà cho người cao tuổi khuyết tật trong tỉnh
Cùng với đó, NKT còn được quan tâm hỗ trợ các chính sách về BHYT, giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm. Hiện nay, 100% NKT đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và NKT nhẹ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ sinh sống tại các thôn, xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo trong tỉnh được cấp thẻ BHYT. Người khuyết tật có nhu cầu được cung cấp phương tiện trợ giúp như: xe lăn, xe lắc, phẫu thuật chỉnh hình và trợ giúp phục hồi chức năng. Bình Định hỗ trợ triển khai giáo dục hòa nhập ở các cấp học thông qua việc xây dựng chương trình, tài liệu; bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý tham gia giáo dục NKT, nhờ đó số lượng học sinh là NKT luôn tăng qua các năm học.
Mạng lưới cơ sở dạy nghề của tỉnh được phát triển theo quy hoạch, đến nay đã có 36 cơ sở dạy nghề đảm nhận đào tạo nghề từ sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề. Trong đó, có 02 Trung tâm Giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp  của 02 huyện miền núi được tỉnh giao thêm nhiệm vụ đào tạo nghề và 06 cơ sở dạy nghề tổ chức dạy nghề lưu động ở các huyện miền núi, từng bước đáp ứng được yêu cầu học nghề của NKT.
Ngoài chính sách của trung ương hỗ trợ cho người học nghề theo quy định tại từng chương trình, dự án, Bình Định đã ban hành Quyết định số 123/QĐ-UBND ngày 29/02/2008 về việc ban hành Quy định chính sách học phí, hỗ trợ học bổng, trợ cấp ưu đãi, trợ cấp xã hội đối với học sinh học nghề của tỉnh. Hàng năm ngân sách tỉnh hỗ trợ hàng trăm triệu đồng để trợ cấp ưu đãi, trợ cấp xã hội đối với người học nghề, trong đó có NKT. UBND tỉnh đã trích ngân sách 500 triệu đồng hỗ trợ Ban quản lý Quỹ việc làm cho NKT của tỉnh để hỗ trợ vốn và cho vay với lãi suất ưu đãi đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho NKT, nhóm lao động là NKT.
Song song với đó, tỉnh Bình Định thực hiện tốt công tác trợ giúp xã hội hàng tháng cho NKT tại cộng đồng và nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Năm 2017, toàn tỉnh có 73.746 người được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng (chiếm 4,8% dân số), trong đó có 31.311 NKT (chưa tính NKT là thương bệnh binh) (chiếm 2,% dân số, chiếm 42,5% số đối tượng hưởng trợ cấp xã hội). Ngoài ra, còn có 704 đối tượng trẻ mồ côi không nơi nương tựa khuyết tật đặc biệt nặng, NKT đặc biệt nặng, người cao tuổi neo đơn, không nơi nương tựa, người lang thang không xác định được nơi cư trú được nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội, trong đó có 520 NKT đặc biệt nặng dạng thần kinh, tâm thần. Trong công tác trợ giúp pháp lý, tỉnh thường xuyên lồng ghép việc truyền thông, phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý cho NKT với các chương trình, đề án khác về NKT ở địa phương (về các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, dạy nghề…).
Để tạo điều kiện cho NKT có thể tiếp cận các công trình công cộng, giao thông,  Sở Xây dựng đã hướng dẫn các đơn vị hoạt động xây dựng thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng nhà chung cư, trụ sở làm việc, công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng cơ sở đảm bảo điều kiện tiếp cận và sử dụng đối với NKT. Năm 2016, các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Định phối hợp với Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) triển khai Dự án: “Tiếp cận vì sự hoà nhập cho NKT”, địa bàn thực hiện tại thành phố Quy Nhơn. Ban Điều phối Dự án đã tổ chức khảo sát công trình lối đi và nhà vệ sinh tại 27 cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố Quy Nhơn để đề xuất hỗ trợ cải tạo cho NKT tiếp cận, đến nay đã hỗ trợ cải tạo hoàn thành 12 công trình và đưa vào sử dụng tiếp cận phù hợp với NKT.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 4 tổ chức Hội cấp tỉnh là các tổ chức của/vì NKT bao gồm: Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh; Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Định; Hội Người mù tỉnh; Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, với tổng số hơn 4.000 hội viên. NKT được tham gia các hoạt động  giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí dành, qua đó tăng cường rèn luyện sức khỏe, cải thiện đời sống tinh thần, xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập cuộc sống cộng đồng. Bình Định đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho NKT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại cộng đồng và các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn nhân các ngày lễ, tết như: Ngày người khuyết tật Việt Nam (18/4), Ngày Quốc tế thiếu nhi (01/6), Ngày Quốc tế người khuyết tật (03/12)...
Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách trợ giúp NKT, tỉnh Bình Định tập trung triển khai một số giải pháp: Thường xuyên tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về trợ giúp đối với NKT, đảm bảo tất cả đối tượng khuyết tật theo quy định dù ở vùng sâu, vùng xa hay vùng dân tộc thiểu số đều được hưởng thụ các chế độ chính sách, được tiếp cận với các dịch vụ xã hội. Rà soát nắm chắc số đối tượng khuyết tật, điều kiện hoàn cảnh của từng người, nhất là những NKT nặng, không có nguồn thu nhập, không có nơi nương tựa hoặc NKT nặng tuy có người thân thích nhưng họ già yếu hoặc quá nghèo, để xem xét kịp thời giúp đỡ. Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, vốn vay giải quyết việc làm với lãi suất thấp, nhằm khuyến khích, động viên NKT tự vươn lên trong cuộc sống./.

PV
TAG:
Tin khác
TP Lào Cai tặng quà Tết cho gia đình người có công bị ảnh hưởng cơn bão số 3
Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội tích cực tổ chức các hoạt động từ thiện, xã hội nhân dịp Tết Ất Tỵ
Nhân rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên vùng đất Thép Thái Nguyên
Du khách mang thuốc lá điện tử vào Việt Nam có thể bị xử tù
Bé gái sơ sinh bị bỏ rơi kèm mảnh giấy: ‘Em là sinh viên, không nuôi được con’
Thị trường bưởi, quất cảnh 'vỉa hè' ảm đạm
Đọ dáng linh vật Tết Ất Tỵ: “Bé Na” nào sẽ đăng quang?
Những khu giải trí từng hot nhất Hà Nội: Hoàng kim rồi vụt tắt
“Bữa ăn hạnh phúc” cùng 662 phần quà được trao cho học sinh trường Khao Mang