An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Bình Định: Tăng cường các hoạt động ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
11:11 AM 22/03/2021
(LĐXH) – Thời gian qua, các cấp, ngành của tỉnh Bình Định đã quan tâm và đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại nơi làm việc. Góp phần giảm thiểu tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN), đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Để tăng cường công tác ATVSLĐ, các cơ quan chức năng, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về công tác ATVSLĐ, đổi mới hoạt động thông tin, tuyên truyền, xây dựng và nhân rộng các mô hình, sáng kiến cải thiện điều kiện lao động; Tăng cường thanh tra, kiểm tra về công tác an toàn, vệ sinh lao động, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hành sự đối với DN, cơ sở để xảy ra TNLĐ nghiêm trọng, chết người. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cũng chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về ATVSLĐ; Đẩy mạnh ứng dụng giải pháp công nghệ trong đánh giá, kiểm soát các nguy cơ, rủi ro. Đồng thời nâng cao ý thức cho người lao động trong chấp hành các nội quy, quy trình làm việc.
Các thành viên của Hội đồng ATVSLĐ tỉnh đối thoại với người lao động
Năm qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định đã tiếp nhận khai báo 554 máy, thiết bị, vật tư nghiêm ngặt về ATVSLĐ theo quy định và quan trắc môi trường lao động của 34 doanh nghiệp. Ngành Y tế đã khám sức khỏe định kỳ cho 21.043 người lao động (tăng 6,4% so với năm 2018); Phối hợp với Cục quản lý Môi trường Y tế và Trường ĐH Y Hà Nội khám sàng lọc, chẩn đoán sớm bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp cho 648 công nhân khai thác, chế biến đá granite, sản xuất vật liệu xây dựng và sản xuất xi măng tại 4 đơn vị: Công ty CP BICEM, HTX Sản xuất đá và Xây dựng Bình Đê, Công ty CP Gạch Tuy Nen Bình Định, Công ty CP Phú Tài.
Trong Tháng hành động ATVSLĐ năm 2020, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, tư vấn các chính sách pháp luật về ATVSLĐ. LĐLĐ tỉnh hướng dẫn các cấp công đoàn thực hiện các nhiệm vụ tham gia cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, giảm TNLĐ, BNN. Sở Y tế triển khai các hoạt động quan trắc môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động tại các doanh nghiệp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tăng cường công tác hướng dẫn, phổ biến các biện pháp phòng tránh nhiễm độc khi sử dụng thuốc hóa học trong quá trình sản xuất nông nghiệp và các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động khi sử dụng máy móc, thiết bị nông nghiệp cho nông dân, các khu sản xuất nông nghiệp tập trung và làng nghề...
Nhờ tích cực triển khai các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ, đến nay, Bình Định là 1 trong 20 tỉnh làm tốt công tác ATVSLĐ trong cả nước.
Công tác phòng, chống BNN cũng được tỉnh Bình Định triển khai tích cực. Theo phân cấp quản lý của Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Định quản lý công tác vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp có nhiều yếu tố nguy cơ gây BNN, Trung tâm y tế huyện/thị xã/thành phố quản lý công tác vệ sinh lao động các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cho đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã quản lý được 74 doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp có nhiều yếu tố phát sinh bệnh nghề nghiệp, các Trung tâm y tế huyện/thị xã/thành phố quản lý 335 doanh nghiệp vừa (50-200 người lao động), 148 doanh nghiệp nhỏ ( <50 người lao động). Trong đó, có 82 doanh nghiệp được lập hồ sơ vệ sinh lao động theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP, có 35 cơ sở lao động có yếu tố nguy hiểm có hại.
Trong năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật  đã quan trắc môi trường lao động cho 77 cơ sở trong và ngoài ngành Y tế với 1.404 mẫu đo vi khí hậu, 1.392 mẫu đo ánh sáng, 1.389 mẫu đo cường độ tiếng ồn, 687 mẫu đo hơi khí độc, 76 mẫu đo phóng xạ, 88 mẫu đo bức xạ nhiệt, 8 mẫu đo rung, 70 mẫu đo điện từ trường, kết quả có 294 mẫu không đạt tiêu chuẩn vệ sinh lao động cho phép. Đối với bụi, đã tiến hành quan trắc, đo 1.281 mẫu, trong đó có 25 mẫu không đạt tiêu chuẩn vệ sinh lao động cho phép.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định thăm hỏi, động viên nạn nhân bị TNLĐ
Thời gian qua, các cấp, ngành, Liên đoàn lao động tỉnh cũng luôn quan tâm đến đời sống của người lao lao động. Đại dịch Covid-19 đã tác động lớn đến việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động. Liên đoàn lao động tỉnh đã triển khai có hiệu quả chương trình phúc lợi đoàn viên; tìm kiếm các đối tác mới để triển khai chương trình phúc lợi; vận động và phối hợp cùng các đối tác cung cấp sản phẩm hàng hóa chất lượng, tạo điều kiện để đoàn viên, người lao động được mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ với mức giá ưu đãi. Liên đoàn lao động huyện, thị xã, thành phố, các công đoàn ngành và công đoàn cơ sở trực thuộc liên đoàn lao động tỉnh chỉ đạo 100% công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp trực thuộc cấp mình tổ chức ít nhất một hoạt động chăm lo lợi ích cho người lao động. Bên cạnh đó, Liên đoàn lao động tỉnh cũng đã triển khai kế hoạch chăm lo cho đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị TNLĐ, BNN, bệnh hiểm nghèo, bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid – 19.
Nhân Tháng Công nhân và Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2020. Phó UBND tỉnh - Chủ tịch Hội đồng ATVSLĐ tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đã đến thăm 4 trường hợp công nhân, lao động bị tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh.  Cụ thể, Đoàn đã đến thăm và tặng quà gia đình các nạn nhân: Anh Nguyễn Thành Được, sinh năm 1990, công nhân Công ty Cổ phần Đông lạnh Quy Nhơn, bị rơi từ mái nhà xuống đất gây chấn thương sọ não; anh Nguyễn Xuân Diệu, sinh năm 1965, công nhân Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn, bị tai nạn lao động gây tê liệt toàn thân, chấn thương cột sống lưng và cổ; anh Tô Văn Minh, sinh năm 1976, công nhân Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn, bị cần cẩu rớt trúng, gãy  xương chân; anh Trần văn Lý, sinh năm 1968, Công nhân Công ty Cổ phần Cơ khí và xây dựng Quang trung, bị thương do máy cuốn cơ khí cán nát 5 ngón tay. Tại các nơi đến thăm, đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh đã lắng nghe tâm tư, hoàn cảnh, rủi ro mà bản thân công nhân cùng gia đình phải gánh chịu do tai nạn lao động gây ra và mong muốn bản thân người lao động cùng gia đình khắc phục những khó khăn, ổn định cuộc sống./.
Minh Cảnh
TAG:
Tin khác
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững
Một số định hướng cho việc làm bền vững ở Kiên Giang