Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Bình Định khắc ghi đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"
11:25 AM 24/09/2021
(LĐXH)- Nhiều năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và nhân dân tỉnh Bình Định luôn khắc ghi đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, thể hiện trách nhiệm tri ân với các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Hiện nay, tổng số người có công trên địa bàn tỉnh là 34.010 người. Trong đó, có 2 lão thành cách mạng, 21 cán bộ tiền khởi nghĩa, 229 mẹ Việt Nam anh hùng, 14.571 thương, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh…
Theo báo cáo từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bình Định, thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, trong 9 tháng năm 2021, tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết chế độ trợ cấp đối với 2.364 trường hợp người có công và thân nhân người có công với cách mạng. Thẩm định, xét duyệt đăng tải trên trang web của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội 91 hồ sơ đề nghị công nhận thương binh, liệt sĩ, bao gồm: 89 hồ sơ người có công tồn đọng theo kế hoạch của UBND tỉnh Bình Định (13 liệt sĩ, 76 thương binh) và 02 hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ theo Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Quốc phòng.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định tri ân các anh hùng liệt sĩ nhân 74 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2021)

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh Bình Định có văn bản đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét thẩm định thông qua 43 hồ sơ đề nghị công nhận 31 thương binh, 12 liệt sĩ; đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình Chính phủ công nhận 02 trường hợp liệt sĩ; xin ý kiến về việc xác lập hồ sơ liệt sĩ đối với ông Võ Văn Doanh là thanh niên xung phong hy sinh khi làm nhiệm vụ xây dựng đường sắt tại Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn.
Trong thời gian này, tỉnh Bình Định cũng đã đề nghị cấp lại 156 Bằng Tổ quốc ghi công bị hư hỏng đã cấp cho thân nhân liệt sĩ; thẩm định và gửi danh sách đề nghị tặng, truy tặng kỷ niệm chương đối tượng người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày đối với 66 trường hợp (tặng 55 trường hợp, truy tặng 11 trường hợp).
Bên cạnh đó, tỉnh còn triển khai kế hoạch điều dưỡng năm 2021 cho 16.024 người có công và thân nhân người có công, số tiền 20,037 tỷ đồng (điều dưỡng tập trung 2.028 người, điều dưỡng tại gia đình gần 14.000 người).
Tiếp đến, công tác chi trả trợ cấp ưu đãi hàng tháng cho người có công qua hệ thống bưu điện được tỉnh Bình Định triển khai hơn một năm nay, đã tạo thuận lợi hơn cho người nhận. Trong quá trình thực hiện, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thường xuyên trao đổi với Bưu điện tỉnh, cập nhật diễn biến thực tế để có giải pháp dự lường cho khó khăn phát sinh. Đặc biệt, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hai bên đã thống nhất chi trả trợ cấp gộp một lúc hai tháng 7 – 8 và gộp tháng 9 – 10/2021 để vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, vừa đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ đối với người có công.
Theo đánh giá, trong 9 tháng qua, các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tổ chức nhiều việc làm thiết thực để tỏ lòng ghi nhớ, tri ân công lao to lớn của những người đã hy sinh sương máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Chỉ tính riêng dịp kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2021), mặc dù gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, song tỉnh Bình Định đã kịp thời chuyển của Chủ tịch nước tới tay 43.303 đối tượng người có công với tổng số tiền hơn 13,190 tỷ đồng; các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn trích kinh phí của địa phương và huy động từ các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân tặng 21.100 suất quà, tổng số tiền gần 3,9 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh cũng đã trích kinh phí 281 triệu đồng để tặng 563 suất quà cho đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân đang hưởng trợ cấp hàng tháng trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long thăm, tặng quà người có công ở xã Nhơn Khánh (thị xã An Nhơn) dịp Quốc khánh 2/9 năm 2021
Được biết, để tri ân các gia đình chính sách, người có công với cách mạng gặp khó khăn về nhà ở, cùng với việc hoàn thành Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đã hỗ trợ 6.173 hộ, trong đó xây mới nhà cho 3.481 hộ và sửa chữa nhà ở cho 2.692 hộ), Bình Định còn huy động các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp hỗ trợ xây mới và sửa chữa 101 nhà với tổng số tiền hỗ trợ 3,53 tỷ đồng. Ngoài ra, từ thực tế thiên tai làm phát sinh số nhà ở của hộ người có công bị hư hỏng, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh Bình Định ban hành Đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng giai đoạn 2021 – 2025.
Đối với công tác mộ và nghĩa trang liệt sĩ cũng được Đảng bộ, chính quyền, các địa phương và bà con nhân dân toàn tỉnh quan tâm thực hiện chu đáo. Năm 2021, Bình Định được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp 6,5 tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa nghĩa trang liệt sĩ, mộ liệt sĩ cùng một số hạng mục khác. Ngoài ra, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội cũng kêu gọi, vận động nguồn lực trong xã hội hỗ trợ kinh phí sửa sang một số nghĩa trang trong tỉnh; các hội, đoàn thể chung tay quét dọn, trồng cây, nhổ cỏ, đảm bảo sự trang nghiêm, sạch đẹp, góp phần phục vụ tốt công tác thăm viếng các phần mộ liệt sĩ…
Để phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, tỉnh Bình Định tiếp tục cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác người có công nhằm thể hiện sự tri ân, quan tâm, chia sẻ với những hy sinh, mất mát của thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Tập trung rà soát, hướng dẫn xác lập hồ sơ, xét duyệt hồ sơ, giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng trong nhân dân; thực hiện kịp thời các chế độ chính sách cho người có công, như: hỗ trợ cải thiện nhà ở, hỗ trợ về giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe; hỗ trợ người có công, hoặc thân nhân của họ khi khó khăn, ốm đau, hoạn nạn...
Bên cạnh đó, tiếp tục huy động sự tham gia của các cấp, các ngành và vận động cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, nhà hảo tâm tích cực hưởng ứng các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”. Đặc biệt là khuyến khích, tạo điều kiện để gia đình người có công, thương binh, bệnh binh tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Chí Tâm
TAG:
Tin khác
Hà Giang: Nỗ lực giải phóng những “vùng đất chết” trả lại đất đai an toàn để phát triển kinh tế - xã hội địa phương
Hỗ trợ nạn nhân mua bán người trở về tái hòa nhập xã hội bền vững
Doanh nhân - Thương binh Tạ Quang Uẩn: Băng qua khói lửa, vươn lên thương trường
Hiệu quả các dự án giảm nghèo bền vững ở huyện Hương Sơn
Thái Nguyên tập trung thực hiện công tác giảm nghèo
Triển khai công tác xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
Nhân rộng các mô hình giảm nghèo ở Mỹ Xuyên
Phát triển năng lực trẻ em - Hành động vì tương lai
Thị xã Hồng Lĩnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững