An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Bình Định: Đẩy mạnh giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số
08:26 AM 21/04/2024
(LĐXH) - Tỉnh Bình Định đang tập trung thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, với mục tiêu phấn đấu bình quân mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) từ 3-4%, nâng cao đời sống người dân.
Đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh được hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập
Bình Định là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ, có diện tích tự nhiên 6.066,4km2. Toàn tỉnh có 8 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố với 159 xã, phường, thị trấn; có 440.590 hộ/1.580.419 người; tỷ lệ nghèo đa chiều 9,04% với 39.827 hộ, trong đó tổng số hộ nghèo 19.805 hộ, chiếm tỷ lệ 4,5% và tổng số hộ cận nghèo 20.022 hộ, chiếm tỷ lệ 4,54%.
Đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Định sinh sống ở 33 xã, thị trấn thuộc 6 huyện; diện tích tự nhiên chiếm 48,4% so diện tích tự nhiên của tỉnh. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 11.491 hộ/41.903 đồng bào DTTS, chiếm khoảng 2,65% dân số toàn tỉnh, trong đó chủ yếu là 3 dân tộc Chăm, Bana, H'rê. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS so với số hộ đồng bào DTTS cuối năm 2022 là 6.291 hộ, chiếm 54,75%.

Hiện nay, tỉnh Bình Định đang thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, bao gồm: Xây dựng nông thôn mới; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; Giảm nghèo bền vững. Những năm qua, tỉnh Bình Định đã chú trọng việc đẩy mạnh lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia này.

Theo đó, trong giai đoạn 2021 - 2025, vốn ngân sách Trung ương, bao gồm vốn đầu tư phát triển đầu tư cho Bình Định là hơn 1.268 tỷ đồng; vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương được giao theo từng năm. Vốn ngân sách tỉnh đối ứng, bao gồm: Vốn đầu tư phát triển: 200 tỷ đồng; Vốn sự nghiệp được giao theo từng năm.

Riêng trong giai đoạn 2021 - 2023, vốn ngân sách Trung ương giao cho Bình Định bao gồm: Vốn đầu tư phát triển 642,223 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 433,770 tỷ đồng. Vốn ngân sách tỉnh đối ứng gồm: Vốn đầu tư phát triển 159,537 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 51,573 tỷ đồng.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Bình Định, kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS hằng năm từ 3 - 4%; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 90% tỷ lệ trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 95% tỷ lệ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 70% tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông.

Cùng với đó, kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã tạo việc làm cho khoảng 28.500 lao động (trong đó xuất khẩu lao động 700 người). Tỷ lệ nghèo đa chiều bình quân toàn tỉnh năm 2023 giảm còn 7,24%, giảm 1,8% so với tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2022, với 7.928 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo.

Nhờ được quan tâm đầu tư, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Bình Định trong những năm qua đã từng bước phát triển; kết cấu hạ tầng vùng đồng bào vùng đồng bào DTTS và miền núi từng bước được hoàn thiện, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội từng khu vực. Đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các DTTS ngày càng được cải thiện; các thiết chế văn hóa ở cơ sở được quan tâm xây dựng, nhiều thôn, làng và gia đình người DTTS được công nhận là đơn vị văn hóa và gia đình văn hoá; những giá trị và bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn, phát triển.
Công tác y tế chăm sóc sức khỏe đã đạt được những thành tựu quan trọng; đồng bào các dân tộc được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản. Mạng lưới thông tin, văn hóa, thể thao vùng đồng bào DTTS có sự phát triển nhanh, góp phần cải thiện đáng kể đời sống tinh thần của đồng bào.
Công tác giáo dục và đào tạo tiếp tục được quan tâm, chăm lo phát triển. Cơ sở vật chất trường, lớp học được đầu tư ngày càng khang trang; chế độ chính sách cho người dạy và người học được chú trọng. Nhờ đó, chất lượng giáo dục vùng DTTS và miền núi được nâng lên.
Kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao, an sinh xã hội đảm bảo đã củng cố niềm tin của đồng bào DTTS tỉnh Bình Định đối với Đảng và Nhà nước; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được đảm bảo, thế trận quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường.
Tuy vậy, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo của tỉnh Bình Định vẫn ở mức cao. Do vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh chủ yếu là đồi núi, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển kém, điểm xuất phát thấp,... nên nguy cơ tái nghèo còn cao. 
Trong giai đoạn 2021-2025, mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh Bình Định là tập trung mọi nguồn lực thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là người có công, người nghèo, đồng bào DTTS và miền núi, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Trong đó, tỉnh Bình Định đặt mục tiêu phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020 (khoảng 60 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm từ 3-4%; phấn đấu 40-50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn (khoảng 10 xã và 4 thôn).
Để làm được điều này, trong thời gian tới, địa phương cũng đề ra nhiều giải pháp, trong đó tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật, nâng cao nhận thức của cán bộ, Đảng viên và người dân hiểu đầy đủ về bản chất nhân văn của các chương trình mục tiêu quốc gia.
Nâng cao hơn nữa vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư đối với công tác phát triển kinh tế - xã hội đồng bào DTTS và miền núi. Phát huy các truyền thống nhân văn, tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau".../.
Thu Hương
TAG:
Tin khác
Nghệ An nâng cao chất lượng công tác bình đẳng giới
Nhìn lại công tác phòng, chống mại dâm tại một số địa bàn trọng điểm
Tăng cường tuyên truyền nhận biết các hình thức mại dâm trá hình
Huyện Thạnh Trị: Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách để giảm nghèo bền vững
Nghệ An: Triển khai nhiều hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em
Nghệ An: Phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em
Nghệ An kiện toàn Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp
Nghệ An tuyên truyền nâng cao nhận thức Vì sự tiến bộ phụ nữ
Nghệ An quan tâm giải quyết các vần đề về trẻ em