Bến Tre quyết liệt thực hiện công tác điều trị, cai nghiện ma túy
(LĐXH)-Hiện nay, tình hình hoạt động của tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Bến Tre tiếp tục diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Năm 2018, toàn tỉnh đã phát hiện bắt giữ 92/54 vụ, tăng 38 vụ so với năm 2017, chiếm tỷ lệ 70,37%. Phương thức thủ đoạn hoạt động phạm tội ngày càng tinh vi, lợi dụng và núp bóng dưới nhiều hình thức, khó phát hiện. Nhiều loại ma túy (MT) tổng hợp mới (cỏ mỹ, lá khát, nấm ma túy, muối tắm,...) đã xuất hiện với giá thành rẻ, dễ mua, dễ sử dụng và thu hút, lôi kéo nhiều người tham gia.
Tỉnh Bến Tre hiện có 157/164 xã, phường, thị trấn có người nghiện và người sử dụng MT; có 2.305 người nghiện và người sử dụng MT, trong đó có 646 người nghiện có hồ sơ quản lý. Các huyện, thành phố đã phân loại để quản lý, cụ thể như sau: trong số người nghiện và sử dụng MT có 2.165 nam, 140 nữ, 209 người có tiền án, 2.096 người có tiền sự. Hầu hết các đối tượng không có việc làm, độ tuổi còn trẻ, chủ yếu xuất thân từ gia đình nông dân (708 người), công nhân (102 người), con đảng viên (15 người), học sinh (03 người), thành phần khác (1.477 người). Các loại MT thường được sử dụng là MT tổng hợp (1.960 người sử dụng), heroin (316 người), cần sa (929 người). Hình thức sử dụng MT nhiều nhất là hút (1.1997 người) và tiêm chích ( 307 người), hình thức uống chỉ có 1 người.
Từ thực tế trên, nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các cơ quan đoàn thể và người dân trên địa bàn về tác hại của MT và cách phòng, chống, ngăn chặn tệ nạn MT, năm 2018, tỉnh Bến Tre đã tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về lĩnh vực này. Theo đó, Sở Lao động-TBXH phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Bến Tre và Báo Đồng Khởi xây dựng 01 phóng sự truyền thông về công tác phòng, chống MT, đăng tin và bài trên Báo Đồng khởi hàng tháng về công tác triển khai và kết quả thực hiện công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện MT; phối hợp với Sở Tư pháp in và phát hành 2.000 quyển sổ tay hướng dẫn quy trình lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đối với người nghiện MT. Bên cạnh đó, tổ chức 11 lớp tập huấn hướng dẫn công tác rà soát, thống kê người nghiện và triển khai công tác lập hồ sơ tổ chức cai nghiện, quản lý sau cai nghiện cho 1.294 cán bộ làm công tác phòng, chống MT và các ngành có liên quan của cấp huyện, cấp xã và từng ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh; tổ chức 03 lớp tập huấn cho thành viên của 41 Đội Công tác xã hội tình nguyện với 165 người tham gia .
Sở cũng phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể có liên quan và các huyện, thành phố tổ chức 8 cuộc tuyên truyền riêng về tác hại của MT và công tác phòng chống tệ nạn MT cho 485 người là chủ, nhân viên các cơ sở kinh doanh dịch vụ; 12 đợt truyền thông cho 1.200 học sinh, sinh viên các trường học; 4 cuộc nói chuyện chuyên đề cho 400 lượt học viên cơ sở cai nghiện. Các huyện, thành phố cũng tổ chức tuyên truyền công tác phòng, chống tệ nạn xã hội bằng nhiều hình thức như: trên Đài truyền thanh cấp huyện, cấp xã, thông qua các buổi sinh hoạt của Tổ nhân dân tự quản và của các hội đoàn thể.
Các học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bến tre luôn nhận được sự động viên, giúp đỡ kịp thời để có thêm nghị lực cai nghiện thành công, sớm hòa nhập cộng đồng
Để triển khai thực hiện công tác lập hồ sơ tổ chức cai nghiện và quản lý sau cai nghiện MT, ngay từ đầu năm 2018, Sở Lao động-TBXH đã phối hợp các ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều Kế hoạch như: Kế hoạch về việc rà soát, thống kê người nghiện MT trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch về thực hiện công tác lập hồ sơ tổ chức cai nghiện MT và quản lý sau cai nghiện MT năm 2018; Kế hoạch về việc thực hiện phòng, chống MT năm 2018. Sở còn trực tiệp ban hành Kế hoạch về việc thực hiện công tác tiếp nhận quản lý và hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng; Kế hoạch về việc thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội của các Đội công tác xã hội tình nguyện năm 2018.
Căn cứ vào kế hoạch của tỉnh, các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện công tác tổ chức cai nghiện và quản lý sau cai nghiện. Trong năm 2018, các địa phương đã áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn cho 135 người sử dụng trái phép các chất MT; tổ chức cai nghiện bằng các hình thức cho 607 người nghiện MT, đạt 93,9% so với tổng số người nghiện có hồ sơ quản lý (607/646 người).
Cụ thể, riêng đối với hình cai nghiện MT tại gia đình, cộng đồng và cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện, các huyện, thành phố đã tổ chức cai cho 222 đối tượng, trong đó: có 135 người đăng ký hình thức cai nghiện tự nguyện tại gia đình (lồng ghép, phối hợp với hình thức áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do có hành vi sử dụng trái phép chất MT), 21 người cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng, 66 người cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện tỉnh, chỉ đạt 34,36% so với tổng số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, chưa đạt chỉ tiêu (chỉ tiêu là 73%). Đối với hình thức cai nghiện bắt buộc, từ tháng 12/2017 đến cuối năm 2018, các huyện, thành phố đã lập hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc cho 84 người, trong đó có nơi cư trú ổn định 72 người, không nơi cư trú ổn định 12 người, đạt 13% so với tổng số người nghiện MT, vượt chỉ tiêu đề ra (chỉ tiêu là 7%). Bên cạnh đó, thực hiện vào Nghị định 90/2016/NĐ-CP quy định điều trị các chất thuốc phiện bằng thuốc thay thế, các huyện, thành phố đã tổ chức cho 301 người nghiện tham gia điều trị bằng thuốc thay thế methadone, đạt 46,59 % so với tổng số người nghiện MT, vượt chỉ tiêu đề ra (chỉ tiêu là 20%).
Bên cạnh đó, công tác quản lý sau cai nghiện MT cũng được chú trọng. Các huyện, thành phố đã tổ chức tiếp nhận, quản lý 143 trường hợp người nghiện MT chấp hành xong quyết định cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở cai nghiện ma túy trở về địa phương. UBND cấp xã phân công người trợ giúp, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng. Các Đội công tác xã hội tình nguyện đã hỗ trợ giới thiệu việc làm cho 54 người sau cai nghiện có việc làm ổn định (chiếm tỷ lệ 37,7 % so với tổng số người sau cai nghiện), phát hiện tái nghiện 43 người (chiếm tỷ lệ 30% so với tổng số người trở về cộng đồng sau 6 tháng).
Cùng với các hình thức cai nghiện nói trên, Đội Công tác xã hội tình nguyện cũng phát huy tốt vai trò trong công tác phòng chống và cai nghiện MT của tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 41 Đội Công tác xã hội tình nguyện, với 284 thành viên tham gia. Trong năm 2018, các Đội đã thực hiện 219 cuộc tuyên truyền với trên 4.620 lượt người tham dự và 278 lượt tuyên truyền trên Đài phát thanh địa phương về đường lối, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, tác hại của MT…; tư vấn, tham vấn, theo dõi quản lý và mở sổ quản lý 274 trường hợp, vận động cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng 16 trường hợp, điều trị thay thế bằng thuốc Methadone 31 trường hợp. Hiện tại, các Đội Công tác xã hội tình nguyện phối hợp, hỗ trợ quản lý 350 trường hợp, trong đó: hỗ trợ 82 trường hợp điều trị thay thế bằng thuốc Methadone, 96 trường hợp tham gia cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng và giáo dục tại địa phương 172 người.
Có thể nói, trong thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến tre đã quyết liệt chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền nên công tác phòng, chống MT được triển khai thực hiện tốt, góp phần đảm bảo tình hình an ninh, trật tự tại địa phương. Sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố đã giúp công tác lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc vượt chỉ tiêu đề ra. Sở Lao động-TBXH phối hợp với Công an tỉnh giúp cho Cơ sở cai nghiện ma túy đảm bảo tình hình an ninh, trật tự tại cơ sở. Hiện tại, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bến tre đã được đầu tư nâng cấp đảm bảo tiếp nhận từ 200 đến 250 người nghiện vào cai nghiện bắt buộc và cai nghiện tự nguyện. Năm 2018, Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh đã tiếp nhận nhận mới 190 học viên (cai nghiện bắt buộc 84 học viên, cai nghiện tự nguyện 66 học viên, hỗ trợ cắt cơn người cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng 15 học viên và điều trị bằng thuốc thay thế Methadone 13 người); Đã giải quyết ra khỏi Cơ sở 220 trường hợp, trong đó riêng đối tượng chấp hành xong quyết định cai nghiện bắt buộc là 143 người, thanh lý hợp đồng cai nghiện tự nguyện là 49 trường hợp. Cuối năm 2018, Cơ sở quản lý 142 học viên, trong đó đối tượng cai nghiện bắt buộc là 105 học viên (01 nữ), cai nghiện tự nguyện là 30 học viên (02 nữ)…
Mặc dù đạt được kết quả nói trên, song theo đánh giá, số người cai nghiện chỉ đạt 26,3% so với tổng số người nghiện và người sử dụng MT (607/2.305) người. Công tác tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng còn nhiều hạn chế, sự phối hợp của người nghiện và gia đình còn ít. Công tác quản lý người sau cai nghiện đạt hiệu quả chưa cao, việc dạy nghề và tạo việc làm cho người sau cai nghiện còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ tái nghiện còn cao (43/143 người, chiếm tỷ lệ 30% so với tổng số người trở về cộng đồng sau 6 tháng). Đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống MT chủ yếu là cám bộ kiêm nhiệm, chưa được đào tạo nên gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, tư vấn, hỗ trợ người nghiện ma túy.
Năm 2019 và giai đoạn tiếp theo, để thực hiện hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện những giải pháp đang triển khai, Bến tre đề xuất Bộ Lao động-TBXH sớm trình Chính phủ ban hành văn bản thay thế Nghị định 94/NĐ-CP ngày 26/20/2009 quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống MT về quản lý sau cai nghiện MT và Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 09/9/2010 quy định tổ chức cai nghiện MT tại gia đình, cai nghiện MT tại cộng đồng./.
Mỹ Hằng
TAG: