Bến Tre quan tâm trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động
(LĐXH)- Qua kiểm tra đánh giá, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã quan tâm thực hiện trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động trong việc thực hiện thực hiện các quy trình vận hành và xử lý sự cố máy móc, thiết bị, vật tư được đảm bảo đối với các ngành nghề nặng nhọc độc hại nguy hiểm, các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động.
Tính đến thời điểm báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bến Tre (cuối tháng 4/2022), trên địa bàn tỉnh Bến Tre đang quản lý là 2.554 doanh nghiệp, sử dụng 85.952 lao động. Trong đó, có 46 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, sử dụng là 34.261 người; doanh nghiệp Nhà nước, Công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước là 16 doanh nghiệp, sử dụng 2.499 lao động; Công ty cổ phần có trên 50% vốn Nhà nước 05 doanh nghiệp, sử dụng 716 lao động; Công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) 59 doanh nghiệp, sử dụng 33.618 lao động; Doanh nghiệp dân doanh 2.474 doanh nghiệp, sử dụng 49.119 lao động.
Qua kiểm tra đánh giá của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bén Tre, nhìn chung các doanh nghiệp cũng quan tâm thực hiện trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động trong việc thực hiện thực hiện các quy trình vận hành và xử lý sự cố máy móc, thiết bị, vật tư được đảm bảo đối với các ngành nghề nặng nhọc độc hại nguy hiểm, các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
Đến nay, công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực bảo hộ lao động cũng đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đoàn kiểm tra liên ngành được thành lập từ cấp tỉnh đến cấp huyện, các cuộc thanh tra ngày càng được nâng lên về số lượng và chất lượng. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện các thiếu sót tồn tại hạn chế; Đoàn kiểm tra đã tư vấn, kiến nghị và hướng dẫn các doanh nghiệp chấp hành đầy đủ các quy định về công tác an toàn vệ sinh lao động trang bị đầy đủ phương tiên bảo vệ các nhân cho người lao động khi người lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được quy định tại Thông tư số 04/2014/TT-BLĐTBXH.
Tuy nhiên, khó khăn trong việc thực hiện trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động ở Bến Tre gặp phải là công tác thông tin, tuyên truyền chưa sâu rộng và thường xuyên; chủ yếu thực hiện việc tuyên truyền lồng ghép công tác an toàn vệ sinh lao động tập trung vào Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động. Chưa có sự phối hợp thường xuyên của các cơ quan chức năng trong thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện trang bị bảo hộ lao động cho người lao động đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh nhiều đơn vị, doanh nghiệp có trang bị bảo vệ cá nhân cho người lao động thì vẫn còn một số đơn vị sử dụng lao động chưa chấp hành nghiêm trang bị bảo vệ cá nhân cho người lao động; tình trạng không trang bị bảo vệ cá nhân cho người lao động hoặc trang bị bảo vệ cá nhân đã quá thời hạn sử dụng còn xảy ra, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiêp siêu nhỏ, kinh tế hộ gia đình, làng nghề… Đây chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến người lao động bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp ngày càng tăng.
Cùng với đó, ý thức của người lao động chưa cao, không tuân thủ các nguyên tắc an toàn lao động, chưa nhận thức được việc trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân là bảo vệ cho chính bản thân mình, gia đình, xã hội và lợi ích của doanh nghiệp.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, thời gian tới, tỉnh Bến Tre sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để các doanh nghiệp trên địa bàn quan tâm thực hiện trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động. Đồng thời, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về an toàn vệ sinh lao động của các cơ quan, đơn vị và cơ sở sản xuất, kinh doanh để kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn khắc phục và có các biện pháp ngăn ngừa nguy cơ gây tai nạn, bệnh nghề nghiệp.
Tỉnh sẽ tạo điều kiện tốt nhất để người lao động được cập nhật những kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, chấp hành các quy định nơi làm việc, từ đó góp phần phòng ngừa tai nạn lao động. Đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm có hại tại nơi làm việc nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động…
Chí Tâm
TAG: