Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Bảo vệ trẻ em là một hành trình dài “Lan tỏa yêu thương”
11:20 AM 23/10/2018
(LĐXH) - Gia đình, nhà trường tưởng chừng là môi trường sống an toàn nhất của trẻ nhưng do nhận thức của một số bố mẹ và thầy cô chưa đúng nên vẫn dùng roi, quát mắng để dạy trẻ. “Ngừng đánh con”, “Ngừng quát mắng con”, “Cùng con tìm giải pháp”, “Con là duy nhất, sao phải so sánh”… là những hashtag nổi bật, đồng thời cũng là những thông điệp, giải pháp cụ thể được đưa ra trong chiến dịch “Lan tỏa yêu thương - Giáo dục không bạo lực” vừa được phát động.

Theo thống kê chưa đầy đủ, ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được thông tin, báo cáo. Đáng chú ý, vẫn còn các trường hợp cha mẹ, người chăm sóc trẻ và thầy cô giáo sử dụng các biện pháp trừng phạt thân thể như: Đánh bằng tay hoặc bằng roi/gậy; tát, bạt tai, véo, giật tóc, bắt em trẻ duy trì các tư thế không thoải mái trong thời gian dài. Một số trường hợp trừng phạt bằng tinh thần như: Mắng chửi, mỉa mai, miệt thị, so sánh trẻ với con vật, đồ vật, với trẻ khác…

“Chúng ta thường ngụy biện trong giáo dục, nhân danh tình yêu, sự quan tâm và mục đích “muốn tốt cho trẻ” để sử dụng bạo lực thể chất; nhân danh noi gương rồi so sánh con gây nên những tổn thương tinh thần”, bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và phát triển bền vững (MSD) cho biết.

Giám đốc MSD Nguyễn Phương Linh

Theo một khảo sát ngắn với một số trẻ em ở huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), các em chia sẻ, các em quan tâm lo lắng, băn khoăn nhất chính là bị cha mẹ quát mắng, đánh trong nhà rồi mới đến các vấn đề xảy ra nhà trường. Tại buổi khảo sát, trả lời câu hỏi “Em nào đã bị bố mẹ quát mắng, đánh”, tất cả các em học sinh ở nhóm học sinh nam đều giơ tay. Trong khi đó trả lời câu hỏi “Có bố mẹ nào chưa từng quát mắng, đánh con hay không” thì tất cả phụ huynh tham dự không có ai giơ tay, tất cả đều im lặng.

Thông tin thêm về nội dung này, bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc MSD cho biết, tất cả các biện pháp trừng phạt thân thể, trừng phạt tinh thần nêu trên đều vi phạm quyền được bảo vệ của trẻ em, gây tổn thương cả về thể chất và tinh thần của trẻ. Rất tiếc, những hành vi đó vẫn còn diễn ra do phụ huynh, người chăm sóc trẻ, giáo viên chưa ý thức được đó là các hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền của trẻ em. Đồng thời cũng chưa nhận thức được rằng trừng phạt thể chất và tinh thần không mang lại kết quả tích cực về giáo dục như họ mong đợi. “Tình yêu thực tế chỉ có thể được thể hiện thông qua tình yêu, giáo dục bằng tình yêu thương, khích lệ, khen thưởng, kỷ luật tích cực, đồng hành cùng con chính là những giải pháp hữu hiệu nhất cho sự phát triển của trẻ. Chúng tôi hy vọng tất cả các bên liên quan sẽ đồng hành cùng chiến dịch để lan tỏa tình yêu thương, biến các thông điệp của chiến dịch trở thành những thực hành tích cực hàng ngày trong giáo dục, nuôi dạy trẻ”, bà Nguyễn Phương Linh nói.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Nga – Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp các bên trong việc thực hiện thành công chiến dịch. “Bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bạo lực, xâm hại không phải là công việc, nhiệm vụ của riêng một cá nhân hay tổ chức nào. Đó là một hành trình dài “Lan tỏa yêu thương” và thúc đẩy “Giáo dục không bạo lực” với sự vào cuộc của nhiều bên liên quan”.

Chiến dịch "Lan tỏa yêu thương - Giáo dục không bạo lực" với nhiều hoạt động được triển khai ở nhiều địa phương

Năm nay, Chiến dịch “Lan tỏa yêu thương – Giáo dục không bạo lực” được triển khai tại Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh với sự phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước cấp trung ương và địa phương với các tổ chức xã hội trong nước và quốc tế. Trong khuôn khổ Chiến dịch, hàng loạt các hoạt động tập huấn, truyền thông cộng đồng, truyền thông xã hội và đối thoại chính sách sẽ được triển khai.

“Với những thông điệp: “Ngừng đánh con”, “ngừng quát mắng con”, “cùng con tìm giải pháp”, “con là duy nhất, sao phải lo lắng” – chúng tôi mong muốn các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ và cả các thầy giáo có thể thử thách bản thân thực hiện các thông điệp – giải pháp này trong việc giáo dục con trẻ. Tạo nên sự gắn kết và lan tỏa yêu thương, thúc đẩy các thông điệp giáo dục gia đình và nhà trường không bạo lực”, bà Nguyễn Phương Linh cho hay.

Trần Huyền

TAG:
Tin khác
Hoa quả Phương Toản tặng bánh chưng cho khách hàng dịp Tết Nguyên đán 2025
Ninh Thuận: Đa dạng các hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo
Chiếc Jaecoo J7 PHEV Nguyễn Xuân Son được tặng có gì đặc biệt?
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025