Văn hóa
Trang chủ / Văn hóa - Thể thao / Văn hóa
Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích quận Tây Hồ
06:20 PM 22/11/2024
(LĐXH)- Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa luôn được quận Tây Hồ, Hà Nội quan tâm thực hiện nghiêm túc. Nhiều nguồn lực đã được đầu tư để trùng tu, tôn tạo các di tích xuống cấp. Các nỗ lực bảo tồn đã góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống văn hóa, cách mạng, đồng thời khơi dậy niềm tự hào dân tộc và ý thức bảo vệ di sản trong cộng đồng.
Ngày 21/11/2024, tại Đền Kim Ngưu, quận Tây Hồ đã tổ chức lễ kỷ niệm 19 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024) và tổng kết công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn năm 2024.
Hiện tại, quận Tây Hồ sở hữu 71 di tích, bao gồm 18 chùa, 20 đình, và 33 đền, miếu, am. Trong số đó, 42 di tích đã được xếp hạng, gồm 24 di tích cấp quốc gia và 18 di tích cấp thành phố. Còn lại 29 di tích chưa được xếp hạng.

Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương phát biểu tại buổi lễ

Những hiện vật quý giá tại đây bao gồm 102 bia đá, 165 câu đối, 140 bức hoành phi, 18 chuông cổ, 60 sắc phong thần, cùng hơn 300 pho tượng chế tác từ đồng, gỗ, đá.
Ngoài hệ thống di tích quanh Hồ Tây, từ năm 2023, quận Tây Hồ đã có 3 di sản được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đó là: Hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ, nghề làm xôi ở phường Phú Thượng, và nghề ướp trà sen tại Quảng An. Dự kiến, đầu năm 2025, nghề trồng đào và lễ hội đình Nhật Tân cũng sẽ được bổ sung vào danh mục này.
Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương cho biết, trong những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa luôn được Quận ủy, HĐND - UBND quận quan tâm, đã đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất và triển khai nhiều hoạt động nhằm đảm bảo thực hiện tốt Luật Di sản văn hóa. Việc trông coi, bảo vệ và phát huy các giá trị của di tích cũng được các địa phương tuyên truyền và thực hiện có hiệu quả.

Ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Quận uỷ Tây Hồ trao khen thưởng cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong quản lý, phát triển di sản văn hoá trên địa bàn quận năm 2024

Nhiều nguồn lực đã được đầu tư để trùng tu, tôn tạo các di tích xuống cấp. Hoạt động này nhận được sự đồng thuận cao từ người dân và chính quyền địa phương. Các nỗ lực bảo tồn đã góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống văn hóa, cách mạng, đồng thời khơi dậy niềm tự hào dân tộc và ý thức bảo vệ di sản trong cộng đồng.
Kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam là dịp để chúng ta cùng nhìn lại những kết quả đã đạt được trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa năm 2024, khẳng định và tôn vinh giá trị các di sản văn hóa trên mảnh đất cội nguồn giàu truyền thống cách mạng. Đây cũng là một hoạt động ý nghĩa để tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa với cộng đồng, từ đó nâng cao hơn nữa ý thức và trách nhiệm của toàn dân trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Bà Trần Thị Thu Hường, Trưởng Ban Tuyên giáo Quận uỷ Tây Hồ trao khen thưởng các cá nhân có đóng góp cho việc bảo vệ, gìn giữ di sản

Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, UBND quận Tây Hồ đã xây dựng và triển khai Kế hoạch quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa giai đoạn 2023 - 2025. Hằng năm, các kế hoạch cụ thể được ban hành để rà soát, đề xuất nội dung thực hiện hiệu quả.
Đặc biệt trong năm 2024, quận đã hoàn thiện hồ sơ công nhận nghề làm xôi tại Phú Thượng và nghề ướp trà sen Quảng An vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Các hồ sơ đề xuất công nhận nghề trồng đào và lễ hội đình Nhật Tân cũng đang được hoàn thiện.
Bên cạnh đó, quận đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng công nhận Đôi rồng đá bậc thềm đình Trích Sài là Bảo vật Quốc gia.

Bà Bùi Thị Lan Phương, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ trao khen thưởng các cá nhân có đóng góp cho việc bảo vệ, gìn giữ di sản

Bà Bùi Thị Lan Phương nhấn mạnh, để phát huy hiệu quả các giá trị di sản, cần có thêm các giải pháp sáng tạo để thu hút sự tham gia của cộng đồng. Việc bảo tồn phải gắn với phát triển, đảm bảo tính cổ kính và trang nghiêm của di tích, đồng thời tăng cường tuyên truyền để thế hệ trẻ hiểu và trân trọng giá trị di sản.
Quận cũng khuyến khích mỗi người dân đóng vai trò là một “hướng dẫn viên du lịch” trong việc giới thiệu văn hóa địa phương, hướng tới xây dựng một hình ảnh Tây Hồ “xanh, hiện đại và bền vững”.
Trong bối cảnh Hà Nội đẩy mạnh công nghiệp văn hóa, việc bảo tồn và phát huy di sản không chỉ nâng cao giá trị du lịch mà còn định hình thương hiệu Tây Hồ trên bản đồ văn hóa Thủ đô. Đây là hướng đi bền vững, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, cũng như đáp ứng kỳ vọng của người dân Tây Hồ nói riêng và cả nước nói chung.
Thảo Lan
 
TAG: phát huy giá trị di tích
Tin khác
Đạo diễn Đỗ Bảo Ngọc ấn tượng với Sự kiện tinh hoa trời đông Hà Nội
“Yêu em không cần lời nói” – bộ phim lãng mạn Hàn Quốc cập bến Việt Nam dịp Giáng sinh
Minishow ASTRAL XUSMIN - Đêm nhạc đầy cảm xúc với dàn ca sĩ nhí xuất sắc
Herbalife Việt Nam liên tiếp đồng hành cùng VnExpress Marathon Hải Phòng lần thứ hai
Ca sĩ Đan Trường sẽ biểu diễn tại sự kiện “Xuân quê hương - Tết Việt Amagasaki lần thứ 5”
Ca sĩ Quỳnh Phạm kể chuyện nhạc jazz với album 'Rồi như đá ngây ngô'
Loạt chương trình đặc sắc chào mừng 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam trên VTV
Sắc màu tại không gian Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024
Nestlé khởi động Chương trình “Cùng Nestlé, Cầu Tết Chất Lượng Trong Tay” tôn vinh giá trị Tết truyền thống Việt Nam