Dân tộc-Tôn giáo
Trang chủ / Xã hội / Dân tộc-Tôn giáo
Bạo lực gia đình đối với phụ nữ dân tộc thiểu số
01:39 PM 15/06/2021
(LĐXH) Tình trạng bạo lực giới và bạo lực gia đình (BLGĐ) đối với phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) đang đặt ra nhiều thách thức đẩy phụ nữ DTTS ngày càng trở nên bị tách biệt, bị thụt lùi trong bối cảnh xã hội có nhiều biến đổi và phát triển như hiện nay.
Nước ta đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong phát triển, đặc biệt là công cuộc xóa đói giảm nghèo, tuy nhiên, với phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng và người DTTS nói chung vẫn còn những khoảng cách trong thụ hưởng thành tựu của phát triển. Trong đó, tình trạng bạo lực giới và bạo lực gia đình (BLGĐ) đối với phụ nữ DTTS đang đặt ra nhiều thách thức.
Trong khuôn mẫu văn hóa tộc người, nhiều hành vi BLGĐ được chấp nhận và tuân thủ như là các tập quán văn hóa truyền thống. Những chuẩn mực văn hóa khiến cho người phụ nữ DTTS phải gồng mình chịu đựng gánh nặng công việc gia đình kể cả trong lao động sản xuất và làm việc nhà. Do đó, người phụ nữ DTTS dường như không có thời gian để nghỉ ngơi, chăm sóc cho bản thân và giao tiếp hòa nhập xã hội. Trong khi đó, phụ nữ DTTS lại còn phải gánh chịu thêm rất nhiều hình thức bạo lực do chồng gây ra, đặc biệt là các hành vi bạo lực thể chất.
Theo kết quả một cuộc khảo sát năm 2018 do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới tiến hành tại 4 tỉnh (Đắc Lắc, Sóc Trăng, Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế) gồm các dân tộc Tày, Nùng, Cơ Tu, Tà Ôi, Xơ Đăng, Khơme, Chăm, Ê đê và một số ít dân tộc khác ứng với 1.176 phiếu hỏi cho thấy, BLGĐ ở vùng DTTS diễn ra khá phức tạp và có tính chất nghiêm trọng. Nhiều người phải gánh chịu đồng thời nhiều hình thức bạo lực và thường chấp nhận, cam chịu các hành vi bạo lực do chính chồng mình gây ra.
Tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình với phụ nữ dân tộc thiểu số
Hiện nay, những văn bản, quy định của luật pháp về phòng, chống BLGĐ là hành lang pháp lý khá đầy đủ trong việc thực thi các hoạt động về phòng, chống BLGĐ. Tuy nhiên, cần hoàn thiện hơn nữa các quy định của pháp luật về phòng, chống BLGĐ, trước hết, cần làm rõ hơn những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến BLGĐ và những chế tài cụ thể để ngăn chặn các hành vi đó.
Các biện pháp truyền thông về phòng, chống BLGĐ cũng cần được chú trọng hơn nữa, đặc biệt là có sự tuyên truyền và giáo dục một cách đầy đủ hơn về trách nhiệm, vai trò của cá nhân và gia đình trong phòng, chống BLGĐ; các biện pháp truyền thông trong cộng đồng. Thực tế hiện nay, ở cơ sở các
hoạt động truyền thông chủ yếu là nhắc lại các văn bản quy phạm luật pháp về phòng, chống BLGĐ. Nội dung truyền thông thường cứng nhắc với các văn bản hành chính mà rất thiếu các nội dung liên quan đến văn hóa và xã hội.
Bên cạnh đó, để hạn chế, ngăn ngừa tình trạng BLGĐ nói trong và BLGĐ đối với phụ nữ DTTTS nói riêng, việc hòa giải và can ngăn cũng rất cần có sự tham gia của những thành viên bên ngoài hộ gia đình như người thân trong họ hàng, làng xóm. Điều quan trọng là phải thay đổi được nhận thức coi các hành vi BLGĐ không còn là chuyện riêng của mỗi gia đình, mà là trách nhiệm của những người có liên quan đến hộ gia đình có nguy cơ xảy ra BLGĐ.
Đối với những người là nạn nhân bị bạo lực, cũng cần có sự tuyên truyền, giáo dục
để làm thay đổi nhận thức của họ về việc trình báo và tìm kiếm sự giúp đỡ khi có các nguy cơ bị bạo lực. Việc âm thầm chịu đựng hay cố giấu giếm các hành vi có nguy cơ bạo lực trong thời gian dài dễ dẫn tới những tình huống bạo lực nguy hiểm và rất khó can thiệp.
Hiện nay, các mạng lưới cộng đồng về phòng, chống BLGĐ đã và đang được triển khai bao gồm các mô hình, câu lạc bộ (CLB), địa chỉ tin cậy hỗ trợ nạn nhân bị BLGĐ. Việc duy trì hoạt động của các mạng lưới này là cần thiết nhưng cần có sự đổi mới trong các hoạt động cụ thể của từng loại hình mô hình, CLB. Các hình thức hoạt động cần được xây dựng từ nhu cầu thực tiễn của từng cộng đồng, không theo những mô hình mẫu mang tính áp đặt mà cần có sự linh hoạt.
Tình trạng BLGĐ đã đẩy người phụ nữ DTTS càng trở nên bị tách biệt, bị thụt lùi trong bối cảnh xã hội có nhiều biến đổi và phát triển như hiện nay. Từ đó, phụ nữ DTTS lại càng bị bỏ lại phía sau xa hơn so với những người không bị bạo lực và những người phụ nữ khác nói chung. Sự đồng lòng, chung tay của xã hội, đặc biệt là những hoạt động điều chỉnh chính sách, luật pháp đối với việc giảm thiểu tình trạng bạo lực giới và BLGĐ của phụ nữ DTTS là những giải pháp hữu hiệu hỗ trợ phụ nữ DTTS là nạn nhân của bạo lực giới, BLGĐ có cuộc sống tốt đẹp hơn./.

Khánh Linh

TAG:
Tin khác
Lào Cai: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp thông tin, giảm nghèo hiệu quả
An Giang: Những đề xuất bổ sung chế độ, chính sách ưu đãi nhằm chăm lo tốt hơn đối với người có công
Lan tỏa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên quê hương miền Tây An Giang
Huyện Châu Phú: Thiết thực tri ân người có công với cách mạng
An Giang: Không còn hồ sơ người có công với cách mạng tồn đọng thuộc quy định giải quyết
An Giang: Quan tâm, chăm lo đời sống người có công với cách mạng
Trọn vẹn nghĩa tình ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng
Lào Cai: Tập trung hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
An Giang chú trọng tôn tạo, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ