Bảo Lâm: Nhiều giải pháp giúp giảm nghèo bền vững
(LĐXH) - Thời gian qua, huyện Bảo Lâm (tỉnh Cao Bằng) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo, qua đó, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.
Bảo Lâm có 14 xã, thị trấn với 196 xóm, gồm có 9 dân tộc cùng sinh sống, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 99,44%. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo, tập trung giảm nghèo có trọng tâm, trọng điểm. Từ đó, đã tạo được bước phát triển nhanh và hướng đi lên rõ rệt, số hộ nghèo và cận nghèo giảm dần.
Nhằm tạo điều kiện để hộ nghèo, hộ cận nghèo tăng thêm thu nhập, sớm ổn định cuộc sống vươn lên thoát nghèo, huyện đã thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo, như: Chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo; đào tạo nghề, giải quyết việc làm; khuyến nông, lâm, ngư và hỗ trợ sản xuất phát triển ngành nghề; hỗ trợ giáo dục, y tế cho người nghèo, cận nghèo; hỗ trợ pháp lý cho người nghèo; chính sách giúp người nghèo hưởng thụ văn hóa, thông tin... Năm 2017, huyện đã hỗ trợ gần 5 tỷ đồng tiền điện cho 8.777 hộ nghèo và hộ chính sách xã hội; hỗ trợ hơn 7 tỷ đồng cho hơn 16.000 lượt học sinh; hỗ trợ làm nhà ở cho 282 hộ gia đình; hỗ trợ trực tiếp cho hơn 9.000 hộ nghèo và cấp phát thẻ bảo hiểm y tế cho 29.283 người nghèo.
Một trong những giải pháp hữu hiệu thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững được huyện triển khai, đó là khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi bò U. Đến nay, huyện Bảo Lâm có tổng đàn trâu, bò gần 40.000 con, trong đó đàn bò trên 30.000 con, chiếm 27,4% số lượng bò cả tỉnh. Ông Sùng Hồng Pá, xóm Nà Kiềm, xã Quảng Lâm cho biết: Gia đình tôi có diện tích đất canh tác không nhiều, chủ yếu là trồng cây ngô nên cuộc sống rất khó khăn. Qua cán bộ xã, xóm tuyên truyền cùng sự tìm hiểu của bản thân, tôi biết nuôi bò U không những phù hợp với địa phương mà còn mang lại giá trị kinh tế rất cao, nên tôi đã đầu tư nuôi bò vỗ béo. Mỗi năm gia đình tôi nuôi khoảng 4 - 5 con, sau vài tháng lại bán. Với cách làm này, từ nhiều năm nay, gia đình tôi đã có cuộc sống ổn định, không phải lo thiếu ăn hằng năm...
Ngoài các chính sách tín dụng ưu đãi, đảm bảo an sinh xã hội, huyện quan tâm triển khai các chính sách đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở, hỗ trợ phát triển sản xuất. Năm 2017, toàn huyện bố trí nguồn lực gần 80 tỷ đồng để thực hiện các chương trình. Trong đó, Chương trình 30a gần 35 tỷ đồng đầu tư 13 công trình (9 công trình giao thông, 4 công trình khác); hỗ trợ giống cây trồng, phân bón, giống vật nuôi, hỗ trợ nhận khoán, chăm sóc bảo vệ rừng cho 2.830 lượt hộ dân trên địa bàn. Chương trình 135 gần 30 tỷ đồng đầu tư hạ tầng cơ sở 44 công trình; hỗ trợ cây trồng (cây lâm nghiệp, cây ăn quả), vật nuôi (bò cái sinh sản, dê cái sinh sản), vật tư phân bón, hỗ trợ máy móc phục vụ sản xuất cho 808 lượt hộ gia đình. Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gần 15 tỷ đồng đầu tư làm mặt đường xi măng các xóm, nhà văn hóa, công trình giao thông nông thôn, công trình thủy lợi, nước sinh hoạt… Hỗ trợ thực hiện mô hình thử nghiệm nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Bảo Lâm 1, mô hình chăn nuôi bò tập trung, phục tráng giống lúa nếp cẩm, trồng rừng sản xuất, đào tạo nghề cho lao động nông thôn...
Qua thực hiện các chính sách giảm nghèo trên địa bàn huyện Bảo Lâm đã đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân, khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo được mở rộng. Từ nguồn vốn đầu tư của các chương trình đã tạo điều kiện cho huyện xây dựng các công trình thiết yếu phục vụ dân sinh, như: Đường giao thông, trường học, nước sinh hoạt, thủy lợi phục vụ tưới tiêu… Chính sách hỗ trợ sản xuất tăng thu nhập được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư đúng với chương trình, mục tiêu, đem lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện cho việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập và tạo việc làm cho người lao động nông thôn, đời sống của nhân dân được cải thiện đáng kể, khoảng cách giàu nghèo được thu hẹp dần. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đã giảm từ 56,55% đầu năm 2017 xuống còn 51,27% vào cuối năm 2017, đạt 105,6% kế hoạch (giảm được 5,28%)./.
Hưng Minh
TAG: